Theo dòng sự kiện

Hướng dẫn an toàn phòng thử nghiệm thời COVID-19

16/04/2020, 19:24

TNNN - Đại dịch COVID-19 là rủi ro nhưng đối phó với đại dịch cũng là dịp để lãnh đạo các phòng thử nghiệm đào tạo và nâng cao nhận thức về yếu tố an toàn và duy trì nhận thức này lâu dài hơn. Xin giới thiệu đến quý độc giả một số quan điểm về cải thiện và duy trì văn hóa an toàn phòng thử nghiệm này khi mà cộng đồng ngày càng có nhận thức cao hơn về vai trò của các phòng thử nghiệm, nhất là trong thời kì dịch bệnh.

Hầu hết các phòng thử nghiệm lâm sàng hoặc phòng thử nghiệm bệnh viện được xếp hạng là An toàn sinh học cấp 2. Điều đó có nghĩa là nhân viên trong các phòng thử nghiệm đó làm việc với mầm bệnh gây nguy hiểm vừa phải cho con người, do đó phải có sẵn các biện pháp cụ thể để kiểm soát tốt các vi khuẩn truyền nhiễm.

Các sinh vật nguy hiểm lâm sàng phổ biến bao gồm Viêm gan B, HIV, Salmonella và Staphylococcus aureus. Nhân viên thử nghiệm tiếp xúc các vật liệu sinh học nguy hiểm như vậy mỗi ngày. Vì vậy, có một chương trình đảm bảo an toàn phòng thử nghiệm nhằm ngăn ngừa phơi nhiễm và nhiễm trùng là rất quan trọng.

Trong khi các nhà quản lý an toàn trong phòng thử nghiệm đấu tranh để giữ an toàn cho nhân viên thì lại có những nhân viên tỏ ra chủ quan, không đeo găng tay hay mặc áo bảo hộ lao động phòng thử nghiệm. Hoặc có nhân viên có những hành vi không an toàn như ăn trong phòng thử nghiệm hoặc sử dụng điện thoại di động. Các hành vi này đặt ra nhiều vấn đề cho việc quản lý an toàn phòng thử nghiệm, nhất là trong năm 2020 này.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện tại các phòng thử nghiệm ở mọi nơi. Đột nhiên các phòng thử nghiệm lâm sàng của Mỹ được đặt ở tuyến đầu của trận chiến này, cung cấp bộ sưu tập mẫu thí nghiệm, điều phối nguồn cung cấp và thậm chí cung cấp dịch vụ thử nghiệm.
 
Vì vậy, nhiều nhân viên phòng thử nghiệm đã đặt câu hỏi về cách giữ an toàn khi xử lý mẫu COVID-19, cho dù xử lý chúng để gửi đến phòng thử nghiệm tham khảo hay thử nghiệm tại nhà. Túi đựng PPE nào là cần thiết? Họ có thể làm việc với mẫu bên ngoài tủ an toàn sinh học không? Họ có cần thêm găng tay không? Nếu có sự cố rò rỉ mẫu thì sao?
 
Nỗi sợ hãi tăng cao liên quan đến COVID-19 là kết quả của nhiều vấn đề. Đó là một mầm bệnh mới với một số đặc điểm chưa biết, việc đưa thông tin sai lệch cũng như tuyên truyền của các phương tiện truyền thông xã hội cũng góp phần tạo ra sự sợ hãi này.
 
Qua theo dõi thì thấy hầu hết những người trưởng thành khỏe mạnh ở một độ tuổi nhất định, không có bệnh nền có tỷ lệ sống sót cao hơn khi mắc loại virus này. Với cơ sở này, các nhân viên phòng thử nghiệm không có lý do gì để sợ vius corona hơn là HIV hay viêm gan mà họ đang xử lý hàng ngày. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm nâng cao nhận thức an toàn nhằm duy trì văn hóa an toàn phòng thử nghiệm lâu dài mạnh mẽ hơn. Có một số cách để thực hiện điều này.
 
Thông thường, nhân viên phòng thử nghiệm theo lối mòn thực hành thử nghiệm không an toàn bởi vì đó là cách họ được đào tạo, hoặc đó là những gì họ thấy lãnh đạo phòng thử nghiệm đang làm. Nếu người quản lý đến phòng thử nghiệm, gặp gỡ nhân viên mỗi ngày và hướng dẫn an toàn trong phòng thử nghiệm trong khi đi dép hoặc cầm tách cà phê, thông điệp mà người quản lý phòng thử nghiệm gửi tới nhân viên của mình về cách họ ưu tiên an toàn là một thông điệp tiêu cực.
 
Điều cực kỳ quan trọng là phải có các nhà lãnh đạo trong phòng thử nghiệm nêu gương đúng đắn và thực hiện nó một cách nhất quán. Một tấm gương xấu sẽ lan rộng trong bộ phận và gây thiệt hại cho việc xây dựng văn hóa an toàn. 
 
Nêu gương tốt
 
Một nhà tâm lý học người Hà Lan tên Geert Hofstede đã viết hai cuốn sách đột phá về chủ đề của khoảng cách quyền lực. Khoảng cách quyền lực là một mô tả về quan điểm mọi người thuộc một nền văn hóa cụ thể đối với mối quan hệ cấp trên-cấp dưới. Trong một số nền văn hóa, những người có thẩm quyền công khai thể hiện cấp bậc và cấp dưới của họ không được phép lên tiếng trừ khi được yêu cầu.
 
Trong môi trường phòng thử nghiệm, mối quan hệ khoảng cách quyền lực có thể tồn tại giữa nhân viên phòng thử nghiệm và giám đốc y tế hoặc giữa nhân viên phòng thử nghiệm và quản lý. Nếu nhân viên phòng thử nghiệm ngại lên tiếng về vấn đề an toàn cho người mà họ xem là có thẩm quyền, một tình huống không an toàn sẽ cứ thế tiếp diễn.
 
Do đó, việc quan trọng là tạo ra một nền văn hóa trong phòng thử nghiệm, nơi mọi người có thể lên tiếng về các vấn đề an toàn đồng thời làm việc với lãnh đạo phòng thử nghiệm và các bác sĩ để thực hiện quy định an toàn này.
 
Một số nhân viên phòng thử nghiệm tiếp tục những hành vi không an toàn vì họ chưa bao giờ phải đối mặt với bất kỳ hậu quả nào. Chẳng hạn, một nhà vi trùng học không bao giờ đeo găng tay khi đọc đĩa nuôi cấy, nhưng chưa bao giờ bị nhiễm vi khuẩn. Nguyên nhân ở đây là may mắn. Họ không làm đúng chỉ vì chưa xuất hiện bất kỳ hậu quả xấu nào. Giáo dục nhân viên về rủi ro tiềm ẩn của các hành vi kém an toàn là một hoạt động cực kỳ quan trọng của chương trình an toàn phòng thử nghiệm. 
 
Kiểm soát an toàn hàng ngày
 
Để cải thiện sự an toàn trong môi trường, nhân viên phòng thử nghiệm cần được đào tạo về cách sử dụng “Đôi mắt an toàn”. Đó là khả năng dễ dàng nhìn thấy một vấn đề không an toàn và cần giải quyết ngay vấn đề.
 
Sau khi được đào tạo, một người có thể đi qua phòng thử nghiệm và nhanh chóng, dễ dàng nhận ra các tình huống không an toàn. Khả năng này được rèn luyện bằng cách thực hành. Chỉ cần dành thời gian để dạo qua phòng thử nghiệm và bắt đầu tìm kiếm các vật phẩm an toàn cụ thể như sử dụng PPE, vật phẩm nguy hiểm, xử lý chất thải hoặc bất cứ thứ gì có thể nhìn thấy khi đi qua khu vực.
 
Cũng rất đáng giá để học cách có thể phát hiện ra các hành vi và tình huống không an toàn và cần giải quyết ngay lập tức. Nếu nhân viên nhận thức được tình huống thường xuyên hơn thì sẽ duy trì văn hóa an toàn tổng thể tốt hơn.
 
Cuối cùng, đánh giá văn hóa an toàn trong phòng thử nghiệm thường xuyên có thể là một công cụ có giá trị để cải thiện lâu dài. Có thể đánh giá an toàn phòng thử nghiệm dựa trên các kết quả khảo sát văn hóa an toàn hoặc sử dụng kết quả đánh giá an toàn nội bộ và dữ liệu cuộc họp về vấn đề an toàn. Hỏi nhân viên và lãnh đạo họ cảm thấy thế nào về văn hóa hiện tại và thảo luận về việc có thể cải thiện những tình trạng gì. Luôn thúc đẩy văn hóa an toàn trong phòng thử nghiệm cho phép người khác biết an toàn là ưu tiên hàng đầu trong bộ phận.
 
Nếu nảy sinh câu hỏi về sự an toàn trong phòng thử nghiệm khi xử lý mẫu vật COVID-19, phản ứng đầu tiên là câu hỏi “tại sao vào lúc này”? Nếu có điều gì đó xảy ra cải thiện nhận thức về các vấn đề an toàn trong phòng thử nghiệm, hãy tận dụng lợi thế của nó.
 
Sử dụng các câu hỏi để cung cấp câu trả lời chắc chắn và áp dụng những câu trả lời đó cho xử lý tất cả các mầm bệnh. Nhân cơ hội này để giáo dục về các thực hành an toàn quan trọng, giúp ngăn ngừa tổn thương và phơi nhiễm mỗi ngày trong khoa. Đại dịch này sẽ qua, nhưng những bài học kinh nghiệm và cơ hội cải thiện an toàn trong phòng thử nghiệm có thể tiếp tục trong nhiều năm tới.

Dan Scungio, Mt(Ascp), SLS, CQA (ASQ)

Phạm Thanh Bình dịch

Nguồn: Lab Manager - Hoa Kỳ

Ảnh bìa: VinaCert

Bình luận