Theo dòng sự kiện

Nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam

06/05/2020, 12:19

TNNN – Sản xuất và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam phù hợp với xu thế nông nghiệp hiện đại của thế giới.


Nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng chung của thế giới. Nguồn vi.wikipedia.org

Thế nào là nông nghiệp hữu cơ?

Theo các quy định, định nghĩa của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (United States Department of Agriculture - USDA), “tiêu chuẩn hữu cơ – organic” là từ được ghi trên nhãn những sản phẩm được sản xuất theo phương pháp và tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ được chấp thuận. Các tiêu chuẩn hữu cơ này phải đạt những yêu cầu cụ thể được kiểm định bởi một đơn vị trung gian được chỉ định bởi Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ trước khi sản phẩm có thể dán nhãn USDA Organic (đạt chuẩn hữu cơ Hoa Kỳ). Bộ tiêu chuẩn hữu cơ cũng quy định rõ chất liệu của các loại nông cụ được cho phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong những xu thế của nông nghiệp hiện đại. Phương pháp này không những thân thiện với môi trường mà còn góp phần tích cực trong việc phục hồi, duy trì hệ sinh thái tự nhiên, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Để áp dụng và đạt chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam, tổ chức/ cá nhân cần hiểu rõ các yêu cầu của tiêu chuẩn.

Còn theo quy định của IFOAM - Organics International (Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế), khi sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì giống trồng phải do con người chọn lọc, bảo quản mà có, không phải là giống chuyển gen; đất trồng không sử dụng bất cứ loại phân hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ, diệt sâu bệnh thuộc dạng hóa học và sử dụng nước sạch.

Theo Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Bộ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ (CODEX, IFOAM), quy định và tiêu chuẩn hữu cơ khu vực (EU, ASEAN), tiêu chuẩn của Mỹ, Nhật Bản hay các nước như Thái Lan, Philippines, Trung Quốc…

Do đó, các tiêu chuẩn đã nhấn mạnh đến việc quản lý các hoạt động canh tác, giảm thiểu việc dùng vật tư, hóa chất như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học,… và được thực hiện tùy thuộc vào khả năng sinh học, cơ học từng vùng cũng như phương pháp nuôi trồng.

Theo đó, bộ tiêu chuẩn bao gồm các nguyên tắc chung về sản xuất hữu cơ, từ giai đoạn sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, ghi nhãn, marketing, yêu cầu đối với vật tư đầu vào như phân bón, độ ổn định đất canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại và gây bệnh cây trồng, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến… nhằm đẩy mạnh và tăng cường hệ sinh thái nông nghiệp, bao gồm cả đa dạng sinh học, các chu trình và năng suất sinh học.

Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam

Năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố bộ Tiêu chuẩn Việt Nam dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, mã hiệu TCVN 11041 và có hiệu lực từ ngày 29/12/2017. Hiện tại, bộ tiêu chuẩn bao gồm:

TCVN 11041-1:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ;

TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 2: Trồng trọt hữu cơ;

TCVN 11041-3:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ;

TCVN 11041-4:2017 Nông nghiệp hữu cơ - Phần 4: Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ;

TCVN 11041-5:2018 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 5: Gạo hữu cơ;

TCVN 11041-6:2018 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 6: Chè hữu cơ;

TCVN 11041-7:2018 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 7: Sữa hữu cơ;

TCVN 11041-8:2018 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 8: Tôm hữu cơ.

 Chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ 

Thực tế sản xuất sạch theo tiêu chuẩn GAP cũng không phải đơn giản. Ví dụ GlobalGAP gồm có 12 nội dung chính trong đó có 68 chỉ tiêu người sản xuất phải tuân thủ. Các vật liệu và điều kiện sản xuất phải có hồ sơ rõ ràng. Sản phẩm phải được kiểm tra, chứng minh bằng số liệu phân tích và cũng phải được một đơn vị có năng lực về phân tích, chứng nhận thực hiện, khi cần có thể truy nguyên được nguồn gốc xuất xứ.

EurepGAP có tổng cộng có 252 danh mục (tiêu chuẩn), bao gồm 36 danh mục (tiêu chuẩn) bắt buộc phải tuân thủ 100%, 127 danh mục thứ yếu có thể tuân thủ đến mức 95% cũng được chấp nhận và 89 kiến nghị khuyến cáo nên thực hiện.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không cho phép sử dụng hóa chất trong sản xuất, vì thế không có phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học cũng như thuốc trừ cỏ, chất biến đổi gen (GMO). Còn trong sản xuất an toàn theo VietGAP vẫn có thể được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học,… nhưng chỉ dùng ở mức độ hạn chế và phải tuân theo quy định nghiêm ngặt.

Chuyên gia Trịnh Xuân Thanh (Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert) chia sẻ, đây là loại chứng nhận dành cho các sản phẩm trong lĩnh vực thực phẩm nhằm xác thực và khẳng định các sản phẩm đó là hữu cơ, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Theo quy định, để được cấp chứng nhận đủ điều kiện canh tác nông nghiệp hữu cơ, nhà sản xuất phải chứng minh được diện tích đất canh tác có ít nhất 03 năm không sử dụng hóa chất hay thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hóa học. Trong quá trình canh tác, nhà sản xuất chỉ được dùng phân bón hữu cơ tự ủ theo quy trình hoặc phân hữu cơ đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.

Đây là những điều kiện để tổ chức chứng nhận tiến hành đánh giá giai đoạn chuyển đổi, nhằm xác định sự phù hợp cũng như nắm bắt được quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của cơ sở. Bằng chứng này được dùng làm cơ sở cho giai đoạn chứng nhận sản phẩm hữu cơ.


Kiểm nghiệm viên VinaCert phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên mẫu rau tươi. Ảnh Vũ Hải 

Để sản phẩm được chứng nhận hữu cơ, nhà sản xuất phải cung cấp kết quả phân tích mẫu đất, mẫu nước và mẫu sản phẩm (rau, củ, quả, thịt,…) được thực hiện bởi đơn vị thử nghiệm đã được ngành nông nghiệp chỉ định.

Nếu cơ sở sản xuất chưa cung cấp được các kết quả phân tích phù hợp của điều kiện sản xuất, chuyên gia đánh giá có thể đề xuất tiến hành lấy mẫu thử nghiệm các chỉ tiêu theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

+ Trồng trọt: Đất phải đáp ứng các quy định hiện hành về giới hạn kim loại nặng (QCVN 03-MT:2015/BTNMT) và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (QCVN 15:2008/BTNMT); Nước sử dụng trong trồng trọt: phải đáp ứng yêu cầu theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT (nước mặt), QCVN 09-MT:2015/BTNMT (nước dưới đất).

+ Chăn nuôi: Nước sử dụng cho vật nuôi phải đáp ứng theo QCVN 01-39:2011/BNNPTNT.

Các chỉ tiêu phân tích đạt yêu cầu là bằng chứng khách quan để nhà sản xuất, kinh doanh khẳng định với cơ quan quản lý nhà nước cũng như khách hàng rằng, sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, không sử dụng các loại phân bón và hoạt chất hóa học.

Cũng theo chuyên gia Trịnh Xuân Thanh, bộ tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam được xây dựng hài hòa với các tiêu chuẩn hữu cơ của quốc tế, khu vực, có thể áp dụng cho mọi mô hình và thành phần kinh tế, góp phần bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi gian lận thương mại. Đồng thời, quản lý việc công bố chất lượng sản phẩm hữu cơ vô căn cứ, bảo vệ các cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trước những cách làm ăn phi đạo đức, cạnh tranh không lành mạnh. Qua đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất hữu cơ nói riêng theo hướng tăng giá trị và chất lượng sản phẩm, hướng đến xuất khẩu.

Vũ Hải

Bình luận