Theo dòng sự kiện

Than sinh học có nguồn gốc từ chất thải thực vật

17/01/2020, 03:51

TNNN - Than sinh học thường có nguồn gốc từ thực vật như trấu, mùn cưa, lúa mì hoặc rơm, bã mía, đậu nành,… có thể được sử dụng để làm nguyên liệu đốt, thay thế than và khí đốt tự nhiên.

Nhóm các nhà nghiên cứu và một số viện nghiên cứu ở Trung Quốc đã cùng phối hợp để tìm ra cách sản xuất than sinh học từ chất thải thực vật. Trong báo cáo nghiên cứu công bố trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học đã mô tả quy trình sản xuất và cách sử dụng sản phẩm này.

Do hành tinh tiếp tục ấm lên, các nhà khoa học trên thế giới đang tìm cách giảm lượng khí thải CO2 mà con người bơm vào khí quyển. Trong nỗ lực mới nhất, nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc đã tìm ra phương thức sản xuất loại than sinh học “xanh” hơn nhiều so với than tự nhiên.

Những nỗ lực trước đây để sản xuất loại nhiên liệu từ chất thải thực vật đã dẫn đến sự phát triển của dầu sinh học có thể được sử dụng làm nguồn năng lượng, nhưng chúng có một số nhược điểm: Bị ăn mòn, không ổn định về mặt hóa học và không phù hợp về mặt kinh tế.

Nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, các loại dầu này có thể được sử dụng để sản xuất than sinh học. Quy trình đơn giản chỉ cần làm nóng dầu đến 240 độ C. Thao tác này dẫn đến sự hình thành của vật liệu đen, cứng tương tự than tự nhiên. Thử nghiệm cho thấy, than sinh học có thể được đốt giống than tự nhiên để tạo ra nhiệt đun sôi nước và làm quay tua-bin.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, than sinh học có thể được sản xuất với nhiều thành phần khác nhau, vốn được coi là các sản phẩm sinh học như: trấu, mùn cưa, lúa mì hoặc rơm, bã mía và bã đậu nành... trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến trấu – vật liệu hoạt động hiệu quả nhất và có khối lượng lớn tại nhiều nơi trên thế giới với giá thành rất rẻ.

Ngoài ra, vì than sinh học khi đốt giải phóng ít CO2 hơn nên các nhà nghiên cứu cho rằng, nó có thể được sử dụng để thay thế than tự nhiên. Từ đó đưa ra kiến nghị, thay thế việc đốt than ở Trung Quốc bằng than sinh học sẽ giúp giảm 748 triệu tấn khí thải CO2, tương đương khoảng 6% tổng lượng khí thải của Trung Quốc mỗi năm.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, than sinh học mới có thể thay thế cả than và khí được làm từ nguyên liệu thực vật. Điều đó có nghĩa, phương pháp của họ không liên quan đến việc sử dụng đất để trồng vật liệu sinh học hay các loại thực vật có thể được trồng để làm thực phẩm.

Nhóm nghiên cứu cũng đã thử nghiệm và đưa ra kết luận: Than sinh học sạch hơn than đá vì không chứa kẽm, chì, mangan hoặc cadmi, đồng hoặc niken. Điều đó có nghĩa khi đốt, sẽ không có các chất này phát thải vào không khí.

(PV) Nguồn: https://phys.org/news/2020-01-bio-coal-mitigate-climate.html

Bình luận