Theo dòng sự kiện

Thực trạng cấy vi khuẩn kháng virus sốt xuất huyết vào muỗi

25/11/2019, 15:57

TNNN - Bắt đầu từ năm 2011, các nhà nghiên cứu đã tiêm vào trứng của loài muỗi Aedes aegypti vi khuẩn Wolbachia pipientis – vi khuẩn có khả năng ngăn chặn côn trùng lây truyền các loại virus gây bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết dengue, Zika và sốt chikungunya.

Nghiên cứu do tổ chức phi lợi nhuận World Mosquito Program (WMP) thực hiện tại một số vùng nhiệt đới – nơi các loại virus gây bệnh lan truyền qua muỗi hoành hành – cho thấy số ca bệnh sốt dengue đã giảm đến 76%.

Theo đặc tính tự nhiên, vi khuẩn Wolbachia thường kí sinh trên nhiều côn trùng khác nhau, song loài muỗi A. aegypti lại không thuộc số đó. Khi được đưa vào trong tế bào muỗi, Wolbachia sẽ ngăn chặn quá trình sinh sản của các loại virus gây bệnh và không cho chúng di chuyển sang vật chủ mới qua vết muỗi đốt.

 
Những người ủng hộ cho rằng đây là biện pháp hỗ trợ hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn so với các phương pháp truyền thống như thuốc xịt côn trùng hoặc triệt sản muỗi bằng chỉnh sửa gen.
 
Theo báo cáo từ WMP, trong hơn 4 năm sau khi phát hành thử nghiệm trên những cá thể muỗi bị nhiễm bệnh ở Townsville, Australia, chỉ có bốn trường hợp mắc sốt xuất huyết tại địa phương được ghi nhận. Trong khi đó, kể từ trước năm 2001, không giai đoạn nào ghi nhận ít hơn 69 ca bệnh.
 
Tuy nhiên, để đánh giá chính xác hiệu quả của phương pháp này không chỉ cần sự so sánh tỉ lệ mắc bệnh trong khu vực nghiên cứu ở các thời điểm khác nhau mà còn với các khu vực khác. Trong phiên họp thường niên của Hiệp hội Y học và Vệ sinh Nhiệt đới Mỹ, chuyên gia dịch tễ học Katie Anders (ĐH Monash, Australia) đã trình bày kết quả thử nghiệm và thực hiện so sánh các khu vực khác nhau trên toàn cầu.
 
Ở ngoại ô thành phố Yogyakarta, Indonesia, các cơ quan y tế ghi nhận có ít hơn 76% ca mắc bệnh sốt dengue sau 2 năm rưỡi thả muỗi mang khuẩn Wolbachia ra môi trường so với các khu vực lân cận. Một khu vực thử nghiệm khác tại Niterói, Brazil cũng cho thấy tỉ lệ nhiễm sốt chikungunya ít hơn 75% so với những khu vực không được điều trị. Tuy những con số trên có thể chỉ phản ánh phần nào tình trạng thực nhưng đây vẫn là dấu hiệu đáng mừng.
 
Bên cạnh đó, việc duy trì vi khuẩn Wolbachia trong quần thể muỗi vẫn là một thách thức với các nhà nghiên cứu. Một điểm nghiên cứu ở Việt Nam đã ghi nhận tỉ lệ vi khuẩn suy giảm bất thường, mà theo kết quả thử nghiệm, có thể do yếu tố nhiệt độ khi mà ấu trùng muỗi A. aegypti phát triển ở môi trường khí hậu nóng hơn thường có lượng vi khuẩn Wolbachia trong cơ thể ít hơn .
 
Tuy nhiên, một nhóm nghiên cứu ở khu vực khác lại cho thấy đàn muỗi có sức chống chọi với nhiệt độ cao tốt hơn. Cụ thể, tỉ lệ sốt dengue giảm đến 40% khi muỗi được thả ra bên trong và xung quanh các căn hộ, nhà cửa và trung tâm thương mại tại Kuala Lumpur, Malaysia.
 
Các nhóm nghiên cứu đang nỗ lực mở rộng quy mô thử nghiệm và hi vọng trong năm tới, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ chấp thuận để sử dụng rộng rãi đồng minh vi sinh vật này.
Phạm Nhật (theo sciencemag)
Nguồn: Khoa học & Phát triển
 

 

 

Bình luận