Theo dòng sự kiện

Ánh sáng xanh có thể làm tăng tốc độ lão hóa

07/11/2019, 03:57

TNNN- Tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp trong thời gian dài với ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại, máy tính hoặc đồ gia dụng có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của bạn.

Theo nghiên cứu của Đại học bang Oregon (Hoa Kỳ) vừa được công bố trên Tạp chí “Lão hóa và cơ chế gây bệnh”, các bước sóng màu xanh được tạo ra bởi các đi-ốt phát sáng làm hỏng các tế bào trong não cũng như võng mạc.

Nghiên cứu được thực hiện trên ruồi giấm, loài sinh vật thông thường có cơ chế phát triển, tế bào tương đồng với con người và các động vật khác.

Ruồi chịu chu kỳ 12 giờ trong ánh sáng và 12 giờ trong bóng tối mỗi ngày, có thời gian sống ngắn hơn so với những con ruồi được giữ trong bóng tối hoàn toàn, hoặc những con được giữ trong ánh sáng với bước sóng màu xanh lam đã được lọc.

Khi cho những con ruồi tiếp xúc với ánh sáng xanh, các tế bào võng mạc, tế bào thần kinh não của chúng bị tổn thương và suy giảm khả năng vận động.

Một số con ruồi trong thí nghiệm là những con đột biến không có mắt và ngay cả những con ruồi bị mù mắt này cũng bị tổn thương não và suy giảm vận động. Điều đó cho thấy không cần nhìn thấy ánh sáng, ruồi cũng bị tổn hại.


Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình máy tính.
Ảnh minh họa: Alliance/Adobe Stock.

Theo Giáo sư sinh học Giebultowicz: "Việc ánh sáng làm gia tăng sự lão hóa ở ruồi làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Chúng tôi đã đo biểu hiện của một số gen ở ruồi già và thấy rằng, các gen bảo vệ, phản ứng với căng thẳng được biểu hiện nếu ruồi được giữ trong ánh sáng. Điều đó đưa đến giả thuyết, ánh sáng đang điều chỉnh các gen đó. Để chứng minh giả thiết này và trả lời câu hỏi “điều gì trong ánh sáng có hại cho chúng?”, chúng tôi đã nhận ra đó là quang phổ của ánh sáng. Một điều rất rõ ràng là, mặc dù ánh sáng không có màu xanh nhưng đã rút ngắn một phần tuổi thọ của chúng, còn ánh sáng màu xanh đã rút ngắn tuổi thọ của chúng một cách đáng kể".

Giáo sư Giebultowicz lưu ý, ánh sáng tự nhiên rất quan trọng đối với nhịp sinh học của cơ thể như hoạt động sóng não, sản xuất hormone và tái tạo tế bào. "Nhưng bằng chứng cho thấy rằng, việc tăng cường tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo là yếu tố nguy cơ gây rối loạn giấc ngủ và sinh học".

Với việc sử dụng phổ biến ánh sáng LED và màn hình các thiết bị, con người phải chịu lượng ánh sáng tăng dần trong phổ màu xanh do đèn LED thường được sử dụng phát ra một phần lớn ánh sáng xanh. Nhưng công nghệ chiếu sáng LED, ngay cả ở hầu hết các nước phát triển, đã không được sử dụng đủ lâu để biết tác dụng của nó trong suốt tuổi thọ của con người.

Cũng theo GS. Giebultowicz, những con ruồi nếu được lựa chọn, thường tránh ánh sáng xanh. "Chúng tôi sẽ kiểm tra xem việc chúng muốn thoát khỏi ánh sáng xanh có liên quan đến tuổi thọ hay không".

Eileen Chow, trợ lý nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của GS. Giebultowicz, và là đồng tác giả đầu tiên của nghiên cứu lưu ý rằng, những tiến bộ trong công nghệ và y học có thể phối hợp với nhau để giải quyết các tác động gây hại của ánh sáng, nếu nghiên cứu này chứng minh được nó có tác hại với con người.

Eileen Chow nói: "Tuổi thọ của con người đã tăng lên đáng kể trong thế kỷ qua khi chúng ta tìm ra cách điều trị bệnh, đồng thời chúng ta đã dành nhiều thời gian hơn cho ánh sáng nhân tạo. Khi khoa học tìm cách giúp mọi người khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn, việc thiết kế phổ ánh sáng lành mạnh hơn có thể là một khả năng, không chỉ để cho giấc ngủ tốt hơn mà còn vì sức khỏe tổng thể".

Tuy chưa thực hiện nghiên cứu trên người, nhưng từ kết quả nghiên cứu này, các nhà khoa học khuyên mọi người có thể tự giúp mình tránh ánh sáng xanh bằng cách sử dụng kính mắt với tròng kính màu hổ phách, điều đó sẽ giúp lọc ánh sáng xanh và bảo vệ võng mạc. Bên cạnh đó, điện thoại, máy tính xách tay và các thiết bị khác cũng có thể được thiết lập để chặn ánh sáng màu xanh.

"Trong tương lai, có thể có những chiếc điện thoại tự động điều chỉnh màn hình dựa trên thời lượng sử dụng mà điện thoại cảm nhận được, loại điện thoại đó có thể khó chế tạo, nhưng nó có thể có tác dụng lớn đến sức khỏe", Trevor Nash, tác giả chính của nghiên cứu nói.

Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2019/10/191017101253.htm

Bình luận