Theo dòng sự kiện

Bổ sung gluten để ngăn ngừa bệnh celiac ở trẻ

13/10/2020, 12:09

TNNN - Bệnh celiac có thể ngăn ngừa bằng cách sớm đưa gluten liều cao vào chế độ ăn của trẻ sơ sinh từ 4 tháng tuổi.

Bệnh celiac là gì?

Gluten là loại protein chính có trong lúa mì và nhiều loại ngũ cốc khác nhau. Về bản chất, gluten là một tập hợp lớn bao gồm hàng trăm loại protein riêng biệt có mối liên hệ với nhau, chủ yếu nhất là gliadin và glutenin. Protein chính có trong lúa mạch đen (rye) là secalin, trong lúa mạch (barley) là hordein, và trong yến mạch (oats) là avenins, và chúng đều được đề cập chung dưới cái tên gluten.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics hồi đầu năm 2020, các nhà khoa học cho biết, nếu ăn lượng gluten cao hơn mức bình thường trong 5 năm đầu đời, có thể làm tăng khả năng mắc bệnh celiac của trẻ.

Bệnh celiac, hay còn gọi là coeliac - một chứng rối loạn tiêu hóa gây tổn thương ruột non và cũng là biểu hiện nghiêm trọng nhất của chứng không dung nạp gluten.

Theo kết quả “Điều tra Khám sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia 2009-2010” của Mỹ, hội chứng này ảnh hưởng đến khoảng 0,5-1% dân số tại các nơi khác nhau trên thế giới.

Tại Việt Nam, với mục tiêu tìm ra tiền căn bệnh celiac ở trẻ em tại bệnh viện Nhi Trung ương, vào năm 2018, nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Quỳnh Lê, Trần Thị Chi Mai, Phùng Đức Sơn và Nguyễn Duy Bộ (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiến hành “Khảo sát tỷ lệ mắc bệnh Celiac của trẻ em tại Bệnh viện Nhi Trung ương”.

Các kháng thể kháng IgA antitransglutaminase (antitTG) và kháng thể kháng ung thư (EMA) được đánh giá bằng xét nghiệm ELISA. HLA DQ2 / DQ8 được thử nghiệm bằng PCR với các alen nhạy cảm cho kết quả: trong tổng số 1961 trẻ em trên 2 tuổi (838 nữ, 1123 nam) được ghi danh, xét nghiệm kháng tTG IgA dương tính là 21/1961, tuy nhiên tất cả các kháng thể EMA đều âm tính. HLA DQ2/8 có mặt ở 7/21 trẻ dương tính với anti-tTG và 72/275 trẻ trong số đó âm tính.

Nhóm tác giả kết luận: Hiện tượng tự miễn nhiễm celiac rất hiếm ở Việt Nam, mặc dù tỷ lệ nhiễm HLA DQ2 / 8 tương đương với các nước khác. Đồng thời đưa ra giả thuyết rằng, việc ít tiếp xúc với gluten có thể là nguyên nhân của những phát hiện này.

Về bản chất, celiac là một rối loạn tự miễn dịch có liên quan đến việc cơ thể coi gluten là kẻ xâm lược từ bên ngoài. Hệ thống miễn dịch tấn công các gluten cũng như niêm mạc ruột. Sự kích hoạt miễn dịch thích ứng và bẩm sinh dẫn đến tổn thương ruột và một loạt các biểu hiện lâm sàng.

Đây có thể là nguyên nhân gây thiếu dinh dưỡng, thiếu máu, các vấn đề tiêu hóa nặng và nguy cơ gia tăng của nhiều bệnh: loãng xương, bệnh tự miễn thứ phát, bệnh ác tính,…

Với những người bị bệnh celiac, chỉ cần một lượng rất nhỏ gluten trong chế độ ăn uống cũng có thể gây ra những tổn thương niêm mạc ruột, ngăn cản sự hấp thụ thức ăn thích hợp và dẫn đến các triệu chứng: tiêu hóa khó khăn, tổn hại đến mô tế bào trong ruột non, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón, nhức đầu, mệt mỏi, phát ban da, trầm cảm, giảm cân và phân có mùi hôi.

Đến nay, các nghiên cứu về bệnh celiac chưa đưa ra được phương pháp cụ thể để ngăn ngừa bệnh một cách hiệu quả, và cách điều trị chính là loại trừ lâu dài gluten khỏi chế độ ăn.

Tuy nhiên, không có "giới hạn an toàn" gluten đối với trẻ em mang kiểu gen của bệnh celiac. Điều này cũng là nguy cơ về dinh dưỡng đối với những người ăn kiêng khi phải cắt bỏ thực phẩm chứa gluten khỏi thực đơn, thay vào đó là những sản phẩm chứa lượng calo, đường và chất béo cao hơn như: bột sắn, bột gạo trắng,...

Trung tâm bệnh celiac của Đại học Chicago khuyến nghị, cha mẹ của trẻ cần cho trẻ sử dụng thực phẩm hợp lý, tiết chế mức tiêu thụ gluten để ngăn chặn sự khởi phát của bệnh.


Cuộc chiến với gluten. Ảnh minh họa. Nguồn: science.sciencemag.org

Sớm bổ sung gluten để ngăn ngừa bệnh celiac ở trẻ

Tiến sĩ Kirsty Logan, nhà nghiên cứu về dị ứng nhi khoa tại Đại học King's College London cho biết, “Việc đưa gluten vào chế độ ăn cho trẻ từ sớm và vai trò của nó trong việc ngăn ngừa bệnh celiac cần có thêm những nghiên cứu sâu để có câu trả lời chính xác cho vấn đề này.

“Sớm sử dụng gluten liều cao để phòng ngừa bệnh celiac” là đề xuất của các nhà nghiên cứu Trường Đại học King's College London, Guy's và St Thomas 'NHS Foundation Trust, St George's, Đại học Luân Đôn, và Viện nghiên cứu Benaroya.

Kết quả khảo sát đăng trên tạp chí JAMA Pediatrics mới đây cho biết, tuy cần phải có những nghiên cứu sâu hơn nữa trước khi áp dụng vào thực tế, nhưng trước khi tiến hành khảo sát này, đã có nhiều nghiên cứu khám phá ra rằng, việc sớm bổ sung gluten vào chế độ ăn của trẻ sơ sinh đã làm thay đổi lượng gluten tiêu thụ và khả năng hấp thụ của cơ thể.

Với nghiên cứu về khả năng dung nạp (Enquiring About Tolerance - EAT), các nhà khoa học đã khảo sát tác động của gluten đối với nhóm trẻ sơ sinh từ 4 tháng tuổi và đang bú sữa mẹ. Kết quả sau đó được so sánh với những trẻ tránh hoàn toàn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng và bú sữa mẹ hoàn toàn cho đến sáu tháng tuổi.

Kết quả cho thấy, trẻ sơ sinh từ 4 tháng tuổi trong nhóm can thiệp của nghiên cứu EAT được cung cấp 4g protein lúa mì mỗi tuần, dưới dạng hai chiếc bánh quy ngũ cốc làm từ lúa mì, hoặc bánh Weetabix, sản phẩm chứa một phần lúa mì phù hợp với lứa tuổi. Trong số 1004 trẻ được ghi danh, có 514 trẻ là nam (51,2%).

Lượng gluten trung bình (SD) tiêu thụ trong độ tuổi từ 4 đến 6 tháng là 0,49 (1,40)g / tuần ở Nhóm Giới thiệu Chuẩn (SIG) và 2,66 (1,85)g / tuần ở Nhóm giới thiệu sớm (EIG) (P <0,001).

Mức tiêu thụ gluten trung bình (SD) hàng tuần dao động từ 0,08 (1,00) g / tuần ở 4 tháng tuổi đến 0,9 (2,05) g / tuần ở 6 tháng tuổi trong SIG so với 1,3 (1,54) g / tuần ở 4 tháng tuổi đến 4,03 (2,40) g / tuần ở 6 tháng tuổi trong EIG.

Kết quả khảo sát cho thấy, có 7/516 trẻ em từ SIG (1,4%) được chẩn đoán xác định bệnh celiac so với không có trẻ nào trong số 488 trẻ trong EIG (P = 0,02 chênh lệch nguy cơ giữa các nhóm sử dụng bootstrap, 1,4%; KTC 95%, 0,6% -2,6%).

Như vậy, trong số 1004 trẻ tham gia khảo sát và được kiểm tra kháng thể kháng antitransglutanimase - một chỉ số của bệnh celiac, 516 trẻ trì hoãn đưa gluten vào chế độ ăn cho đến sau sáu tháng tuổi, có 7 trẻ có nguy cơ mắc bệnh celiac (1,4%). Ngược lại, trong số 488 trẻ được đưa gluten vào chế độ ăn từ lúc bốn tháng tuổi, không có trường hợp nào bị bệnh celiac.

Gideon Lack, giáo sư về dị ứng nhi khoa tại Đại học King's College London, giám đốc Trung tâm dịch vụ dị ứng trẻ em tại Bệnh viện Nhi đồng Evelina London, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu này cho biết: “Đây là nghiên cứu đầu tiên cung cấp bằng chứng cho thấy, việc đưa một lượng đáng kể lúa mì vào chế độ ăn của trẻ trước 6 tháng tuổi có thể ngăn ngừa sự phát triển của bệnh celiac. Chiến lược này cũng có thể có tác động đến các bệnh tự miễn dịch khác như bệnh tiểu đường tuýp 1”.

Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ có thêm các nghiên cứu khác phục vụ cho chiến lược ngăn ngừa bệnh celiac, cũng như tác dụng của việc tiếp xúc sớm với những thực phẩm có thể gây dị ứng đối với hệ tiêu hóa của con người.

Nguồn: internet

 

 

Bình luận