Theo dòng sự kiện

Cam tươi lâu hơn nhờ dung dịch chitosan,PVA

09/09/2020, 11:48

TNNN - Dung dịch chitosan kết hợp poly vinyl alcohol giúp kéo dài thời gian bảo quản cam gấp hai lần mà vẫn giữ được chất lượng của trái cam và giảm tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch.

Sản phẩm này là kết quả của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng bảo quản quả cam sau thu hoạch bằng chitosan kết hợp poly vinyl alcohol”, do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (AHRD) thực hiện.

Chitosan (hình trên bên trái), PVA và dung dịch Chitosan/PVA
 
ThS. Nguyễn Sĩ Ngọc, Chủ nhiệm đề tài, cho biết, chitosan là polymer sinh học có khả năng tạo màng và kháng vi khuẩn và nấm hiệu quả; còn poly vinyl alcohol (PVA) là polymer tổng hợp tan trong nước, phân hủy sinh học cao và có tính chất cơ học tốt, nên được sử dụng trong nhiều ứng dụng vật liệu sinh học. Vì vậy, chitosan có thể kết hợp với PVA để tạo màng kháng khuẩn có độ dai, dẻo và bền, thay thế các chất bảo quản có nguồn gốc hóa học.
 
Đề tài đã phân lập 4 chủng nấm mốc Penicillum sp., Aspergillus niger, Rhiopus delemar, Colletotrichum sp. gây hư hỏng cam sau thu hoạch; đồng thời điều chế hỗn hợp chitosan/PVA có khả năng kháng tốt 4 chủng nấm trên. Hỗn hợp sau 3 tháng bảo quản vẫn có khả năng tạo màng tốt với kích thước hạt không đáng kể.
 
 
Thử nghiệm bảo quản cam bằng dung dịch Chitosan/PVA
 
Thử nghiệm xử lý bao màng với hỗn hợp chứa 1,15% chitosan và 0,39% PVA (tốt nhất ở thời gian nhúng cam trong dung dịch 4 phút) cho kết quả mẫu mã đẹp, chất lượng cao, giảm tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch. Đồng thời, thời gian bảo quản cam cũng kéo dài gấp gần 2 lần so với cam đối chứng không sử dụng hỗn hợp chitosan/PVA. Theo ThS. Ngọc, chi phí sản xuất 100 lít hỗn hợp chitosan/PVA gần 2,8 triệu đồng, có thể dùng bảo quản 100 tấn cam.
 
Quy trình có thể ứng dụng cho sản xuất quy mô lớn và dùng cho một số loại nông sản khác. Nhóm nghiên cứu khuyến cáo người sản xuất và kinh doanh có thể áp dụng công nghệ này để bảo quản cam, nhằm tăng hiệu quả kinh tế và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng.
 
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận