Theo dòng sự kiện

Chẩn đoán sớm bệnh vi bào tử trùng trên tôm

05/11/2019, 02:54

Chẩn đoán sớm bệnh vi bào tử trùng trên tôm giúp người nuôi chủ động quyết định thời điểm thả tôm giống, thời gian thu hoạch, vận chuyển…, giảm thiệt hại về kinh tế.

Với những ưu điểm vượt trội, “Quy trình phát hiện vi bào tử trùng EHP gây bệnh ở tôm bằng kỹ thuật Realtime PCR” được đánh giá cao và đạt giải nhì tại Cuộc thi sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật tỉnh năm 2018 - 2019.

Theo Tiến sĩ Vũ Khắc Hùng - Phân viện Thú y miền Trung, những năm gần đây, bệnh chậm lớn trên tôm do vi bào tử trùng là một bệnh rất phổ biến và nguy hiểm cho ngành nuôi tôm. Tác nhân gây bệnh lần đầu tiên được tìm thấy trên tôm nuôi chậm lớn tại Thái Lan và được xác định là do một loài vi bào tử trùng EHP gây ra.


Tiến sĩ Hùng và kỹ thuật viên kiểm tra chương trình chạy thử trên máy.

Tôm mắc bệnh có tỷ lệ chết thấp nên tác nhân gây bệnh vi bào tử chưa được quan tâm đúng mức. Đây là nguyên nhân làm bệnh lây lan trên các diện tích nuôi tôm và ngày càng trở nên phổ biến, gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi tôm nói riêng và ngành nuôi trồng thủy sản nói chung.

Tôm bị nhiễm EHP không có những dấu hiệu lâm sàng điển hình hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh do EHP gây ra gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, nhóm tác giả gồm TS Vũ Khắc Hùng và ThS Nguyễn Xuân Trường (Phân viện Thú y miền Trung) đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Quy trình phát hiện vi bào tử trùng EHP gây bệnh ở tôm bằng kỹ thuật Realtime PCR”. Đây là giải pháp được tạo ra từ kết quả đề tài nghiên cứu cấp bộ “Nghiên cứu bệnh do vi bào tử trùng gây ra trên tôm nước lợ”.

Mục đích nghiên cứu nhằm phát triển kỹ thuật Realtime PCR có tính ổn định, độ nhạy và tính cạnh tranh cao so với các quy trình chẩn đoán vi bào tử trùng EHP gây bệnh ở tôm khác. Qua 6 tháng, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành một quy trình chẩn đoán mới, có tính sáng tạo, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã cải tiến thành phần của phản ứng và chu trình nhiệt, qua đó góp phần tiết kiệm vật tư, hóa chất, tăng tính ổn định của quy trình so với các quy trình tương tự. Đồng thời, cải tiến này có thể mở rộng ứng dụng trên nhiều model thiết bị chẩn đoán, nhiều loại mẫu khác nhau; có thể áp dụng trong việc chẩn đoán sớm vi bào tử trùng EHP trên tôm từ giai đoạn ấu trùng đầu tiên nauplius.

Quy trình này không sử dụng các vật tư, thiết bị, hóa chất, điện nước cho bước điện di nên tiết kiệm được chi phí; thời gian xét nghiệm ngắn, tăng năng suất chẩn đoán khi xét nghiệm nhiều mẫu nên có thể dự đoán sớm dịch bệnh trước khi bùng phát, hạn chế lây lan và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Ngoài ra, quy trình có thể áp dụng cho các mẫu tôm, ấu trùng tôm, cá, sinh vật phù du... nghi nhiễm vi bào tử trùng do EHP tại bất kỳ phòng chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản hay các phòng thử nghiệm có trang bị máy luân nhiệt realtime PCR.

Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác chẩn đoán, phòng chống dịch bệnh, giúp người nuôi chủ động quyết định thời điểm thả tôm giống, thời gian thu hoạch, vận chuyển…, giảm thiệt hại về kinh tế.

Theo TS Hùng, quy trình chẩn đoán vi bào tử trùng bằng phương pháp Realtime PCR đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận tiến bộ kỹ thuật; được một số đơn vị áp dụng như: Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương (Cục Thú y); Chi cục Thú y vùng II, vùng III, vùng V, vùng VI.

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Bình luận