Theo dòng sự kiện

Công nghệ tính toán mưa, lũ lớn cho các lưu vực sông liên quốc gia

02/10/2019, 03:06

Thông qua dữ liệu khí tượng toàn cầu, công nghệ mới đã thiết lập và mô phỏng được điều kiện khí tượng thủy văn chi tiết cho một lưu vực cụ thể.

Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) vừa tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Tiếp thu công nghệ tính toán mưa, lũ lớn cho các lưu vực sông liên quốc gia trong điều kiện hạn chế hoặc không có dữ liệu đo đạc - áp dụng thử nghiệm cho lưu vực sông Đà - Thao” (mã số 30/FIRST/1a/KLORCE).

Dự án được thực hiện trong khuôn khổ dự án FIRST do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, dự kiến thực hiện trong 24 tháng nhưng đã hoàn thành sau 10 tháng.

Theo nhận định của các chuyên gia, gần đây, mưa, lũ lớn đang có xu hướng tác động ngày càng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường ở Việt Nam. Ngoài các trận mưa, lũ theo mùa, còn xuất hiện các trận lũ trái mùa và các đợt mưa lớn bất thường.

Quá trình hình thành và phát triển mưa, lũ rất phức tạp, do đó đánh giá được quá trình hình thành mưa lũ lớn trong quá khứ và dự báo những biến đổi các đặc trưng này trong tương lai dưới tác động của biến đổi khí hậu là rất cần thiết.

Bênh cạnh đó, các lưu vực sông lớn của Việt Nam như hệ thống sông Hồng - Thái Bình và sông Mê Kông đều có phần thượng nguồn nằm ngoài lãnh thổ biên giới Việt Nam. Đây là phần lưu vực mà dữ liệu đo đạc bị hạn chế. Công nghệ có khả năng tính toán khôi phục và dự báo xu thế diễn biến mưa, lũ trong điều kiện hạn chế về số liệu là vấn đề đang rất được quan tâm.

Dự án 30/FIRST/1a/KLORCE nhằm thiết lập được hệ thống tính toán khí tượng thủy văn khép kín sử dụng đầu vào là dữ liệu khí tượng toàn cầu, mô phỏng điều kiện khí tượng thủy văn chi tiết cho một lưu vực cụ thể; tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thủy văn tài nguyên nước cho cán bộ Việt Nam.

Công nghệ thuộc dự án này cho phép kiểm soát được dữ liệu có thể dự báo theo thời gian thực tình trạng thủy văn trước 12 giờ, 36 giờ, 48 giờ; áp dụng cho lưu vực sông Đà, sông Thao bao và phần lưu vực sông thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Với việc tiếp thu công nghệ trên, các nhà khoa học có thể khôi phục lại toàn bộ dữ liệu cũ từ năm 1900 đến nay, bao gồm các số liệu về lượng mưa, dòng chảy. Các số liệu mới cũng được đo đạc để tính toán và đưa ra cảnh báo sớm. Nhìn vào số liệu, cơ quan chuyên môn sẽ tính toán để đưa ra cảnh báo mở cửa xả hồ chứa, đảm bảo an toàn đập, di dân để tránh thiệt hại về người và của.

Bên cạnh việc đưa ra cảnh báo hiện tại, các nghiên cứu cũng phân tích dự báo diễn biến các đợt mưa, lũ lớn trong tương lai.

Sau gần 1 năm thử nghiệm với sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ Đại học UC Davis, các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm trọng điểm về động lực học sông biển đã tiếp nhận thành công mô hình khí tượng thủy văn kết hợp WEHY-HCM do Đại học UC Davis nghiên cứu và phát triển; ứng dụng thành công bộ mô hình WEHY-HCM để tính toán mô phỏng cho lưu vực sông Đà, sông Thao; khôi phục toàn bộ chuỗi số liệu mưa và dòng chảy cho lưc vực từ năm 1900 đến 2016... Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã tính toán dự báo biến động mưa, dòng chảy cho lưu vực sông Đà, sông Thao trong giai đoạn 2019-2100 theo các kịch bản khác nhau.

Nguồn: Tổng hợp từ Khoahocvacongnghevietnam/ vnexpress.net

 

Bình luận