Theo dòng sự kiện

Cuộc đua tìm vaccine phòng chống Covid-19

14/08/2020, 09:58

TNNN - Thế giới đang chạy đua với nhiều khó khăn để phát triển vaccine Covid-19. Bên cạnh đó, một đường đua quan trọng không kém là tạo ra các kháng thể nhắm mục tiêu, có thể cung cấp khả năng tăng cường miễn dịch tức thì để chống lại virus.

Đẩy nhanh tiến độ

Tin cho biết, sau khi phê duyệt cho ứng viên thứ nhất là vaccine Covaxin do Hãng dược Bharat Biotech và Viện Y học quốc gia phối hợp phát triển và sản xuất, Tổng cục Quản lý dược Ấn Độ (DGCI) tiếp tục cho phép loại vaccine thứ hai do công ty Zydus Cadila nghiên cứu được bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn I và II trong thời gian tới. Vaccine Covid-19 do hãng dược Zydus Cadila nghiên cứu cho kết quả khả quan trong các thử nghiệm tiền lâm sàng và các nghiên cứu khác nhau trên động vật.

Trong phòng thí nghiệm của Eli Lilly, một trong số các công ty lớn đầu tư vào kháng thể đơn dòng. Nguồn ảnh: Eli Lilly.
 
Công ty Zydus Cadila đã gửi dữ liệu cho DCGI dựa vào các thử nghiệm trên động vật mà họ đã tiến hành. Thỏ, chuột lang, chuột nhắt và chuột lớn (kích thước 18-25cm) đã được sử dụng thử nghiệm. Những động vật này đã tạo ra kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 sau khi tiếp nhận mũi tiêm. 

Với gần 11 triệu ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, hơn 110 cơ quan nghiên cứu khoa học độc lập đã lao vào cuộc đua tìm loại vaccine tiềm năng giúp chống lại virus SARS-CoV-2 hiệu quả.

Các kháng thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm, liên kết với protein quan trọng trên bề mặt của virus chính là hy vọng. Nguồn: JUAN GAERTNER/SCIENCE SOURCE

Riêng Ấn Độ đã có tới 7 loại vacine đang được nghiên cứu chỉ trong thời gian ngắn. Hai trong số 7 nhóm nghiên cứu vaccine trên đã nhận được chấp thuận bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người. Vaccine Covid-19 do Zydus Cadila phát triển vừa được phê duyệt thử nghiệm trên người. Trong khi đó, vaccine Covaxin của Bharat Biotech đã được ấn định ngày thử nghiệm chính thức là 15-8 tới. 

Ấn Độ được xem là một trong những nhà sản xuất và cung cấp vaccine hàng đầu thế giới. Để được coi là hoàn thiện, một loại vaccine mới buộc phải vượt qua nhiều giai đoạn, tiêu tốn không ít thời gian, thậm chí kéo dài 5-10 năm. Song, các thử nghiệm vaccine Covid-19 vẫn đang được thực hiện một cách nhanh chóng để chạy đua với sự bùng phát ngày càng mạnh mẽ của đại dịch này. Hiện thế giới đã có 19 ứng viên vaccine được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người. 

Thử nghiệm vaccine phòng chống Covid-19 ở Ấn Độ. Ảnh: India Times
 
Không chịu thua kém

Tại châu Âu, các nhà khoa học Đức cũng bắt đầu một cuộc nghiên cứu trên toàn quốc để đánh giá tổng quan tốt hơn về mức độ phổ biến của virus SARS-CoV-2 gây bệnh dịch Covid-19, đồng thời đánh giá hoạt động của các biện pháp ngăn chặn loại virus nguy hiểm này.

Cuộc nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu lây nhiễm Helmholtz (HZI), Tây Bắc nước Đức tiến hành. Ban lãnh đạo HZI cho biết các nhà khoa học sẽ bắt đầu bằng việc nghiên cứu khoảng 3.000 mẫu máu lấy từ người dân sinh sống ở thị trấn Reutlingen, miền Nam nước Đức, để tìm kháng thể được tạo ra khi hệ thống miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2.

Theo đó, các nhà khoa học sẽ tiến hành 5 loại xét nghiệm kháng thể khác nhau đối với mỗi mẫu máu. Cuộc nghiên cứu dự kiến sẽ kéo dài trong khoảng một năm và các mẫu máu bổ sung sẽ vẫn được thu thập và được xét nghiệm lại ở các khu vực được chọn trên cả nước từ 4-8 tháng sau cuộc xét nghiệm đầu tiên.

Trưởng Khoa Dịch tễ học thuộc Trung tâm HZI Gerard Krause cho biết, các nghiên cứu kháng thể là nghiên cứu về mức độ ổn định huyết thanh, có ý nghĩa rất quan trọng để tìm hiểu về nơi dịch bệnh bùng phát và có thể hỗ trợ nhà chức trách đưa ra quyết định về các biện pháp hạn chế cần thiết, qua đó kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19.

Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu sẽ cho biết rõ hơn thời gian tồn tại của các kháng thể trong cơ thể con người, cũng như cho phép các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh và đưa ra các chiến lược tiêm chủng phù hợp.

Nguồn: Sài Gòn Giải phóng

 

Từ khóa: Kháng thể, Covid-19, vaccine.,
Bình luận