Theo dòng sự kiện

Đề xuất giải pháp tăng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang một số nước Tây Âu

16/12/2020, 17:47

TNNN - Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng là chìa khóa vô cùng quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam.

Liên minh châu Âu (EU) là khu vực kinh tế thịnh vượng với GDP chiếm khoảng 23% GDP danh nghĩa thế giới, thu nhập bình quân đầu người lên tới 40.890 USD/người/năm. Sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng đồng châu Âu vào tháng 10 năm 1990, quan hệ thương mại Việt Nam - EU không ngừng phát triển. EU trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động thương mại.

Hiện nay, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là khu vực Tây Âu. Khu vực Tây Âu với các quốc gia Đức, Pháp, Hà Lan, I-ta-li-a và Bỉ đều là những cường quốc của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Quy mô, dung lượng thị trường, tốc độ tăng trưởng cũng như nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở khu vực này là rất lớn, đa dạng và tiềm năng, mở ra những cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đặt ra các yêu cầu nghiêm khắc về chất lượng, mẫu mã hàng hóa, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, sắp tới đây, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Liên minh châu Âu được ký kết và có hiệu lực, khả năng tăng trưởng kim ngạch thương mại vào thị trường một số nước Tây Âu trong đó có Đức, Pháp, Hà Lan là rất lớn.

Trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực Tây Âu đã có những chuyển biến tích cực như sự tăng lên về kim ngạch xuất khẩu, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu cũng được cải thiện theo chiều hướng đa dạng hóa, giảm tỷ trọng loại hàng hóa chưa qua chế biến, tăng tỷ trọng hàng đã qua chế biến. Tuy nhiên kim ngạch những mặt hàng này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên.

Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu do ThS.Trần Đình Hiệp, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Tây Âu”, nhằm phân tích kỹ lưỡng thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng tới việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường một số nước Tây Âu được lựa chọn, trên cơ sở đó đánh giá về tiềm năng, triển vọng phát triển thị trường và đưa ra những giải pháp cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang khu vực thị trường này.

Đặc biệt, trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Liên minh châu Âu được ký kết và có hiệu lực, khả năng tăng trưởng kim ngạch thương mại vào thị trường một số nước Tây Âu trong đó có Đức, Pháp, Hà Lan là rất lớn.

Với mục tiêu nghiên cứu thị trường hàng nông sản ở một số nước Tây Âu và phân tích thực trạng xuất khẩu hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam, bao gồm các mặt hàng cà phê, hạt điều, hạt tiêu, chè, cao su, đề tài sẽ đề xuất các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản vào các thị trường này đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đặc biệt tập trung kiến nghị giải pháp đối với các cơ quan Nhà nước có liên quan.

Qua một thời gian thực hiện, đề tài đưa ra kết luận như sau:

Trong công cuộc đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa là chìa khóa vô cùng quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Có thể khẳng định rằng, không có nước nào trên thế giới trở thành nước có thu nhập cao mà không có xuất khẩu.

Liên minh châu Âu, khu vực kinh tế thịnh vượng, là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Trong đó nổi lên là các cường quốc khu vực Tây Âu với các quốc gia Đức, Pháp, Hà Lan, I-ta-li-a và Bỉ. Đây là những thị trường có quy mô, dung lượng, tốc độ tăng trưởng cũng như nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nông sản rất lớn và tiềm năng, mở ra những cơ hội cho xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đặt ra các yêu cầu nghiêm khắc về chất lượng, mẫu mã hàng hóa, các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm. Đó là những thách thức to lớn đối với các doanh nghiệp nước ta khi xuất khẩu hàng nông sản vào thị trường này.

Hàng nông sản Việt Nam trong thời gian tới có thắng được hàng nước khác hay không còn do ta có sản xuất theo chất lượng mà khách hàng mong muốn, với giá thành thấp nhất hay không. Vì thế việc sống còn của nông sản Việt Nam chính là “chất lượng và giá rẻ”. Phải có hợp tác giữa lực lượng sản xuất nguyên liệu và các doanh nghiệp đầu ra. Trên hết Nhà nước cần hoàn thiện môi trường pháp lý, đổi mới chính sách đầu tư và tín dụng, đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, quy hoạch xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn theo định hướng xuất khẩu.

Tuy nhiên, sự can thiệp của Nhà nước là cần nhưng không phải là yếu tố quyết định. Doanh nghiệp cần phải tìm hiểu và nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, cần phải quan tâm đầu tư bảo quản chất lượng của sản phẩm ngay từ lúc nông dân thu hoạch, và tổ chức sản xuất sao cho giá thành thấp nhất, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trên thị trường khu vực các nước Tây Âu, tăng cường đầu tư cho việc xây dựng thương hiệu nông sản, coi trọng đăng ký thương hiệu, thiết kế nhãn mác và mẫu mã, bao bì cho sản phẩm, đảm bảo các chứng chỉ cần thiết khi xuất khẩu vào thị trường Tây Âu.

Nguồn: Nasati

Bình luận