Theo dòng sự kiện

Kháng kháng sinh ở người: Hãy truy về những mẫu thịt động vật tươi sống

26/07/2021, 09:20

TNNN - Thật khó để tưởng tượng rằng những phần thịt tươi sống mà chúng ta vẫn chế biến để ăn hằng ngày lại là một trong những ngả đường trung chuyển các vi khuẩn kháng kháng sinh đến cơ thể người.

Nếu không có phương án quản lý hiệu quả, chúng ta có thể sẽ kháng với những loại thuốc quan trọng liên quan đến tính mạng bản thân và rồi có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
 
Sự chuyển giao gene kháng kháng sinh giữa các vi khuẩn
 
Nhìn vào thành quả sau mỗi chuyến đi chợ, điều mà bạn nghĩ đến đầu tiên chắc hẳn là “hôm nay mình có thể làm ra những món ngon gì từ những nguyên liệu này?”. Nhưng hôm nay, hãy thử nhìn từ một góc độ khác, đó là nửa ký thịt bò, vài chiếc đùi gà và một túi nghêu tươi sống trong chiếc giỏ của bạn, có thể là những nguyên nhân gây ra sự kháng kháng sinh của những vi khuẩn gây bệnh trong cơ thể của các thành viên trong gia đình.
 
 
Trong các phần thịt tươi sống có thể chứa đựng một lượng vi khuẩn kháng kháng sinh.
Ảnh: Ngọc Dương/ Thanh Niên
 
Điều này thoạt nghe có vẻ khó tin, nhưng những mẫu thịt này hóa ra lại chứa một lượng lớn các vi khuẩn gây ra tình trạng kháng kháng sinh ở người và động vật. Lượng vi khuẩn kháng kháng sinh đã tồn tại trong động vật khi chúng còn sống và vẫn còn tồn dư trong thịt ngay cả khi chúng đã bị mổ xẻ. Nếu vậy, số lượng mẫu thịt bị nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh là bao nhiêu?
 
Trăn trở với câu hỏi này, năm 2007, TS. Văn Thị Thu Hảo (Phân Khoa Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, khoa Khoa học, trường Đại học Rmit, Úc) đã quyết định tiến hành phân lập vi khuẩn đường ruột để kiểm tra tỷ lệ nhiễm khuẩn của một số nguồn thực phẩm ở Việt Nam. Cụ thể, chị đã thu thập tổng cộng 180 mẫu thực phẩm sống bao gồm thịt gà, thịt bò, thịt lợn và thủy sản có vỏ. Chị cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng 60,8% mẫu thịt và 18% mẫu thủy sản có vỏ nhiễm vi khuẩn Salmonella spp., và hơn 90% mẫu thực phẩm chứa Escherichia coli (E.coli)”.
 
Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu của chị đã sàng lọc khả năng kháng kháng sinh của các dòng phân lập đối với 15 loại kháng sinh và phát hiện ra rằng 50,5% số trường hợp phân lập Salmonella và 83,8% số chủng vi khuẩn E. coli kháng với ít nhất một loại kháng sinh và thậm chí là đa kháng – kháng với từ ba loại kháng sinh trở lên.
 
Cụ thể, ở Salmonella, số lượng các chủng phân lập đã kháng với những kháng sinh như tetracycline, ampicillin / amoxicillin, axit nalidixic, sulfafurazole và streptomycin theo tỷ lệ tương ứng là 40,7%, 22,0%, 18,7%, 16,5% và 14,3%. Trong khi đó, E. coli kháng với tetracycline (77,8%), sulfafurazole (60,6%), ampicillin (50,5%), amoxicillin (50,5%), trimethoprim (51,5%), chloramphenicol (43,4%), streptomycin (39,4%), axit nalidixic (34,3%) và gentamicin (24,2%).
 
T.S Văn Thị Thu Hảo nhận định: “Lúc bấy giờ, tại Việt Nam, tình trạng kháng kháng sinh đã được ghi nhận xảy ra ở các chủng vi khuẩn ở người, bao gồm Salmonella enterica serovar Typhi và các mầm bệnh gây tiêu chảy khác. Tuy nhiên, dường như chỉ có rất ít công bố về sự xuất hiện của vi khuẩn kháng kháng sinh trong các mẫu thực phẩm sống tại Việt Nam và thậm chí còn ít hơn về đặc điểm sinh học phân tử của các vi khuẩn kháng kháng sinh này”.
 
Việc phát hiện ra lượng vi khuẩn kháng kháng sinh tồn dư trong thực phẩm cho thấy khi còn sống, vật nuôi đã nhiễm những loại vi khuẩn này, nên khi chúng mắc bệnh thì những loại kháng sinh mà người nông dân dùng không thể chữa trị hiệu quả cho chúng.
 
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, nghiên cứu của TS. Văn Thị Thu Hảo còn phát hiện ra rằng những gene kháng thuốc có thể chuyển từ những con vi khuẩn này sang các vi khuẩn khác, bao gồm cả những vi khuẩn trong người.
 
Chị cho biết: “Bên cạnh các gene kháng thuốc, vi khuẩn còn có những yếu tố di động như plasmid, transposon và integron. Các thí nghiệm kết hợp cho thấy đã có sự chuyển giao thành công tất cả hoặc một phần kiểu hình kháng kháng sinh giữa Salmonella và E. coli. Đặc biệt, plasmid là yếu tố di động đóng vai trò quan trọng nhất trong việc lan truyền gene kháng kháng sinh ở vi khuẩn đường ruột trong các mẫu thực phẩm tại Việt Nam”.
 
Như vậy, kết quả của nhóm nghiên cứu gợi ý rằng vi khuẩn đường ruột trong các mẫu thực phẩm tươi sống từ Việt Nam có chứa gene kháng kháng sinh và sự chuyển giao kháng kháng sinh hoàn toàn có thể xảy ra giữa các loài vi khuẩn , chứ không chỉ dừng lại là giữa Salmonella với E. coli.
 
Điều này đã được nhóm TS. Văn Thị Thu Hảo chứng thực trong một nghiên cứu khác liên quan đến cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó plasmid chứa gene kháng kháng sinh của vi khuẩn Aeromonas và Pseudomonas có thể chuyển sang vi khuẩn E. coli.
 
Song song với đó, vi khuẩn Aeromonas có thể nhận plasmid từ E. coli. “Nó có thể truyền qua lại cho nhau, và đó là điều rất đáng lo ngại”, TS. Hảo lưu ý, “Bởi một khi chúng ta ăn vào những thực phẩm này, các gene kháng thuốc đó có thể chuyển sang những vi khuẩn khác trong cơ thể của chúng ta, dẫn đến việc khi chúng ta mắc bệnh do các vi khuẩn gây ra, chúng ta sẽ không chữa được vì đã bị lờn thuốc”.
 
Cần theo dõi danh mục thuốc của con người và động vật
 
Truy về căn nguyên, chúng ta thường nghe rằng tình trạng vi kháng kháng sinh ngày càng trầm trọng bắt nguồn từ việc lạm dụng và sử dụng kháng sinh không hợp lý trong chăn nuôi; tuy nhiên, con số còn khủng khiếp hơn những gì chúng ta tưởng tượng. Theo ước tính, có khoảng 200,000 – 250,000 tấn kháng sinh được sản xuất và tiêu thụ mỗi năm trên toàn thế giới. Khoảng 70% lượng kháng sinh này được dùng trên động vật và 30% sử dụng trên người.
 
“Lượng kháng sinh được dùng trên động vật nhiều như vậy là bởi người nông dân không chỉ sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh hay dự phòng trong trường hợp có ổ dịch, mà họ còn sử dụng kháng sinh làm chất kích thích tăng trưởng”, TS. Hảo lý giải. “Điều này khá dễ hiểu, nếu động vật tăng trưởng nhanh chóng thì người chăn nuôi sẽ giảm được lượng thức ăn tiêu hao, từ đó tăng lợi nhuận”.
 
Việc nâng cao nhận thức của người nông dân về cách thức sử dụng kháng sinh sao cho hợp lý là một vấn đề quan trọng, nhưng rõ ràng trước mắt chúng ta cũng chỉ có thể giảm thiểu chứ chưa thể nào chấm dứt tình trạng kháng kháng sinh đang diễn ra và con người vẫn sẽ ăn phải – dù ít hay nhiều – những loại thực phẩm còn tồn dư thuốc kháng sinh hay có các vi khuẩn kháng kháng sinh.
 
Theo TS. Văn Thị Thu Hảo, các nhà khoa học cũng như các nhà quản lý trên thế giới đã nhận thức được điều này và họ đề ra một giải pháp hợp lý: Đưa ra danh mục thuốc, hướng dẫn cách sử dụng thuốc, cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
 
T.S Hảo phân tích: “Trước đây, nhiều loại kháng sinh được sử dụng cho động vật làm thực phẩm có cùng nhóm chất với các loại kháng sinh được sử dụng trong điều trị bệnh ở người. Đó đều là những loại kháng sinh quan trọng để điều trị những bệnh nhiễm trùng cho vi khuẩn gây ra và là chất chống nhiễm trùng trong các ca phẫu thuật lớn, hóa trị ung thư, cấy ghép nội tạng và trị liệu cho trẻ sinh non”. Nếu một người bị nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh từ thịt sống, họ có thể phải đối mặt với những hậu quả khó lường.
 
T.S Hảo lấy ví dụ: “Ở châu Âu và Mỹ, việc sử dụng kháng sinh nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng đã bị cấm từ lâu. Ở Úc, các nhà quản lý đã cấm sử dụng các loại thuốc kháng sinh được xem là ‘phương kế cuối cùng để điều trị bệnh cho người khi những loại thuốc khác đã thất bại’ làm kháng sinh trong chăn nuôi”.
 
Tuy nhiên ở nhiều nước, tình hình lại không khả quan như thế. Chị cho biết: “Một nghiên cứu gần đây về tình hình sử dụng kháng kháng sinh tại châu Phi đã cho thấy 2/3 trong số 1500 tấn thuốc kháng sinh được bán để sử dụng cho động vật trong thời gian 3 năm (từ 2002 đến 2004) tại Nam Phi là nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng và bao gồm các chất bị WHO cấm”.
 
Theo đó, khoảng 37% kháng sinh được sử dụng trên động vật không có loại thuốc tương đương được sử dụng cho mục đích điều trị trên người. Do đó,việc sử dụng các loại kháng sinh này có thể không đáng lo ngại tới kháng kháng sinh ở người .
 
Tuy nhiên, song song với đó, nhiều loại kháng sinh khác quan trọng trong điều trị bệnh ở người như penicilin và tetracyclin vẫn là những loại thuốc kháng sinh được kê đơn phổ biến nhất để sử dụng làm kháng sinh trong chăn nuôi, tiêu biểu là các loại thuốc kháng sinh trị liệu cực kỳ quan trọng như nhóm macrolid, polymyxin, aminoglycosid và cephalosporin thế hệ thứ ba. Chị nhận định: “Đây thực sự là một vấn đề nghiêm trọng ở các quốc gia đang phát triển".
 
Nếu đây là câu chuyện chung ở các quốc gia đang phát triển, vậy ở Việt Nam thì sao? Theo TS. Trương Hà Thái (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), “Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với nhau để đề ra danh mục các loại thuốc không được phép sử dụng trong chăn nuôi mà chỉ có thể sử dụng cho người. Nếu chúng ta không may bị bệnh, chúng ta sẽ có ngay thuốc phù hợp để điều trị mà không sợ bị ảnh hưởng bởi các vi khuẩn kháng kháng sinh trong chăn nuôi”.
 
Cùng với đó, ở Việt Nam và cả trên thế giới cũng đang có một xu thế, đó là sử dụng thảo dược có đặc tính như kháng sinh cho con người và vật nuôi. “Đó không phải là hướng đi mới, bởi ngày xưa ông cha ta đã dùng các loại thảo dược để phòng và trị bệnh rồi, chỉ là mãi sau này chúng ta mới biết đó là những chất kháng khuẩn”.
 
Thảo dược cũng là một hướng đi mà TS. Văn Thị Thu Hảo muốn đề cập đến, bản thân chị cũng đã tham gia những nghiên cứu nhằm bổ sung oregano làm thức ăn trong chăn nuôi, giúp con vật khỏe hơn và tăng trọng tốt hơn, thay thế cho việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
 
“Dĩ nhiên, con đường vẫn còn rất dài, và chúng ta còn cần phải làm nhiều thứ để giảm thiểu tình trạng lạm dụng kháng sinh”, TS. Văn Thị Thu Hảo chia sẻ, “Nhưng ít nhất, chúng ta vẫn cần phải bắt đầu từ một điểm nào đó và rồi sẽ đến lúc chúng ta thu về trái ngọt”.
 
Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận