Theo dòng sự kiện

Khi tiêu chuẩn trở thành “người dẫn đường” cho nông nghiệp hữu cơ

29/01/2020, 15:49

TNNN - Nông nghiệp hữu cơ sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới, bởi những đòi hỏi của thị trường, người tiêu dùng khiến nông dân phải tính đến chuyện làm ra những sản phẩm chất lượng hơn, năng suất cao hơn. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức khi chưa đẩy mạnh áp dụng bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam dành riêng cho nông nghiệp hữu cơ vào phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến tiêu thụ.

Nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu

Sản xuất hữu cơ là xu hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo các chuyên gia nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại nhiều lợi ích như duy trì và bảo vệ toàn bộ độ phì nhiêu của đất; ít gây ô nhiễm nguồn nước; bảo vệ đời sống hoang dã của các loài chim, ếch, nhái, côn trùng...; tính đa dạng sinh học cao và tạo dựng được nhiều cảnh quan đẹp; đối xử tốt hơn đối với các động vật nuôi cũng như con người; ít sử dụng năng lượng và đầu vào không có khả năng phục hồi từ bên ngoài; ít dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm; không có chất kháng sinh và hoócmôn trong các sản phẩm động vật; chất lượng sản phẩm tốt hơn, sạch hơn, an toàn hơn.

Tại Việt Nam, việc nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm, trong đó có nông nghiệp hữu cơ trở nên cực kỳ sôi động thời gian vừa qua. Từ chỗ chỉ có 8 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ vào năm 2008, đến nay đã có 33/63 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình này, với 76.000ha đất canh tác nông nghiệp hữu cơ đang phát triển...

Theo thông tin khảo sát gần đây nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, nông nghiệp hữu cơ đã có trên tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp. Việt Nam có lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ, thế nhưng còn tùy thuộc vào thực tế mỗi vùng, miền.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận hiện nay là các mô hình làm vườn của chúng ta còn khá manh mún, nhiều người có diện tích lớn lại gặp khó về các điều kiện để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Những vùng miền thích ứng nhanh hơn với công nghệ lại không có quỹ đất để phát triển. Điều đó khiến doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng khó khăn trong việc tiếp cận, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Tiêu chuẩn trở thành “người dẫn đường” cho nông nghiệp hữu cơ

Hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ

Với những bước phát triển đáng ghi nhận, nông nghiệp hữu cơ ngày càng gần gũi trong đời sống của chúng ta. Tuy nhiên, muốn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển mạnh và bền vững thì trước tiên cần phải giải bài toán đặt ra vấn đề tiêu chuẩn chất lượng.

Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, trong quá trình thực hiện các dự án nông nghiệp hữu cơ, các doanh nghiệp, tổ chức vấp phải khá nhiều khó khăn không những đến từ nội tại mà còn có một số yếu tố khách quan. Ngoài ra, các sản phẩm tự gọi là hữu cơ không có chứng nhận xuất hiện tràn lan trên thị trường nên các sản phẩm hữu cơ từ các nhà sản xuất, cung cấp có uy tín bị ảnh hưởng nặng nề vì khó cạnh tranh được từ giá thành cho đến sản lượng.

 

Vì thế, nông nghiệp hữu cơ cần được đặt trong một kế hoạch dài hạn, xứng tầm và thực hiện từng bước một. Cần sự góp sức của cả cộng đồng chứ không riêng gì tổ chức, cá nhân nào. Nhà nước đóng vai trò quan trọng, nhưng ngược lại, nông dân cũng phải tự nhận thức được quyền lợi, trách nhiệm của mình mới mong thay đổi được cách nhìn khác của thế giới về nông nghiệp Việt Nam, từ đó, sản phẩm nông sản của chúng ta mới được đánh giá đúng và chiếm lĩnh bền vững thị trường.

Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà sản xuất để hoàn thiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước phát triển nông nghiệp hữu cơ trên thế giới. Với mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống các tiêu chuẩn để hướng dẫn nông dân phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến tiêu thụ, đồng thời có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài ra để hỗ trợ cho các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành bộ tiêu chuẩn Việt Nam đầu tiên (TCVN 11041) dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ được thực hiện trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế (CODEX, IFOAM...) và tiêu chuẩn của các nước có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển như Mỹ, EU, Nhật cùng các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Trung Quốc. Đây là bộ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ đầu tiên của Việt Nam được Bộ KH&CN ban hành năm 2017 và Bộ tiêu chuẩn bao gồm các tiêu chuẩn áp dụng cho nông nghiệp hữu cơ theo từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Việc đạt được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041 là bằng chứng cam kết cho việc sản xuất nông nghiệp bền vững. Đơn vị được chứng nhận sẽ được sử dụng dấu hữu cơ trên sản phẩm, đó chính là sự khẳng định chất lượng của sản phẩm nông nghiệp, nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Theo vista.gov.vn

 
Bình luận