Theo dòng sự kiện

Kỹ thuật mới làm cho vi khuẩn nhạy cảm hơn với kháng sinh

09/09/2020, 11:35

TNNN - Các nhà nghiên cứu thuộc đơn vị nghiên cứu của MIT ở Singapore đã phát hiện một phương pháp mới để đảo ngược tình trạng kháng kháng sinh ở một số vi khuẩn.

Kháng kháng sinh ngày càng gia tăng là một mối đe dọa lớn đối với thế giới và sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm vào năm 2050 nếu tình trạng này không thay đổi.
 
Ở hầu hết các vi khuẩn được nghiên cứu, hydrogen sulfide (H2S) nội sinh (tức H2S do vi khuẩn tự sản xuất ra) đã được chứng minh là tạo ra khả năng kháng kháng sinh. Vì vậy các nhà khoa học trước đây suy đoán rằng H2S là một cơ chế vi khuẩn sử dụng để chống lại kháng sinh.
 
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Singapore-MIT Alliance for Research and Technology Centre (SMART) thử nghiệm giả thuyết đó bằng cách thêm các hợp chất giải phóng H2S vào Acinetobacter baumannii. A. baumannii là nguyên nhân hay gặp trong nhiễm khuẩn bệnh viện (bệnh nhân nhiễm khuẩn sau khi nhập viện) xuất hiện tại nhiều quốc gia. Vi khuẩn này kháng hầu hết các loại kháng sinh, bệnh nhân khi mắc còn rất ít lựa chọn thuốc điều trị và ngay cả khi tiến hành điều trị bằng loại thuốc mà vi khuẩn này nhạy cảm thì vẫn có khả năng kháng thuốc trong suốt quá trình. Điều đặc biệt là, A. baumannii không tự sản xuất H2S.
 
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng H2S ngoại sinhđược thêm vào không những không tạo ra khả năng kháng kháng sinh, mà còn làm A. baumannii trở nên nhạy cảm hơn với nhiều loại kháng sinh. H2S ngoại sinh thậm chí còn vô hiệu hóa sức đề kháng của A. baumannii đối với gentamicin, một loại kháng sinh rất phổ biến được sử dụng để điều trị một số loại nhiễm trùng.
 
 
Nhóm nghiên cứu liên ngành về kháng kháng sinh của SMART phát hiện ra rằng vi khuẩn không tự tạo ra H2S khi tiếp xúc với H2S sẽ nhạy cảm hơn với kháng sinh
 
Các nhà nghiên cứu tường thuật kết quả của mình trong bài báo có tên “Hydrogen sulfide làm nhạy cảm Acinetobacter baumannii để vi khuẩn này có thể bị tiêu diệt bằng kháng sinh” trên tạp chí Frontiers in Microbiology.
 
“Cho đến nay, hydrogen sulfide được coi là chất bảo vệ vi khuẩn chống lại thuốc kháng sinh," Wilfried Moreira, đồng tác giả bài báo, cho biết. “Đây là một khám phá rất thú vị vì chúng tôi là người đầu tiên chứng minh rằng H2S trên thực tế có thể tăng độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh và thậm chí đảo ngược tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn không tự nhiên sản sinh ra tác nhân này (tức H2S)".
 
Các nhà khoa học tin rằng có thể thu được kết quả tương tự ở tất cả các vi khuẩn không tự tạo ra H2S một cách tự nhiên.
 
“Acinetobacter baumannii là một mầm bệnh kháng thuốc kháng sinh cực kỳ nguy hiểm, đe dọa rất lớn đến sức khỏe con người," Say Yong Ng, tác giả chính của bài báo, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi đã tìm ra cách làm cho loại vi khuẩn chết người này, và những loại khác giống như nó, nhạy cảm hơn với thuốc kháng sinh và có thể tạo ra bước đột phá trong việc điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng kháng thuốc”.
 
Nhóm có kế hoạch tiến hành các nghiên cứu sâu hơn để xác nhận những phát hiện mới trong các mô hình nhiễm trùng tiền lâm sàng, cũng như mở rộng chúng sang các vi khuẩn khác không tự tạo ra H2S.
 
SMART được thành lập bởi MIT với sự hợp tác của Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Singapore (NRF) vào năm 2007. Các dự án nghiên cứu tiên tiến trong các lĩnh vực mà cả Singapore và MIT quan tâm đều được thực hiện tại SMART.
 
Nhóm nghiên cứu liên ngành về kháng kháng sinh là một trong năm nhóm nghiên cứu liên ngành ở SMART (ngoài ra còn có nhóm về thuốc cá nhân hóa, công nghệ dành cho nông nghiệp chính xác, giao thông đô thị, hệ thống điện tử năng lượng thấp).

Nguồn: Khoa học & Phát triển
Bình luận