Theo dòng sự kiện

Loài cá có tiềm năng giúp chữa bệnh mù lòa ở người

09/10/2020, 14:59

TNNN - Các nhà khoa học Mỹ tuyên bố rằng cá ngựa vằn có thể là chìa khóa để điều trị chứng mù lòa ở người.

Các công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng cá có thể phục hồi các bộ phận của cơ thể bị mất hoặc bị tổn thương, kể cả võng mạc, mô nhạy cảm với ánh sáng, vốn là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây mù lòa. Cá ngựa vằn Danio có thể khôi phục võng mạc chỉ sau một tuần.

Theo lời GS James Patton, chất hóa học trong não của cá tạo ra chuyển động của các tế bào "di cư" đến cơ quan bị hư hỏng và khôi phục các bộ phận này. Đồng thời, các chuyên gia lưu ý rằng khoảng 70% gen của loài cá này giống với con người.

Trong tương quan đó, các nhà khoa học hy vọng rằng bệnh nhân có thể học cách "mọc ra võng mạc mới" như cá ngựa vằn Danio.

Trước đó, có thông tin rằng Nga dự kiến phát triển một con chip cho phép người mù có thể nhìn được.

Con chip sẽ được cấy vào đầu và giúp những người mù bẩm sinh có thể bắt đầu nhìn thấy, tức là giúp đem lại ánh sáng không chỉ cho người mới bị mù mà còn cả những trường hợp bị mù ngay từ khi chào đời.

Cá ngựa vằn là loại cá cảnh thuộc họ cá chép (Cyprinidae) phân bố chủ yếu ở Đông Ấn Độ, Bănglađet, Xri – Lanca. Chúng có thân mỏng hay hơi dẹp bên, có 2 cặp râu. Thức ăn chủ yếu của cá ngựa vằn là giun, động vật thân giáp, côn trùng…. Cá cái hơi lớn hơn cá đực, có bụng tròn hơn. Lưng màu ôliu nâu, bụng trăng trắng. Màu sắc và đường nét trang trí của hông rất đặc trưng.

Ở cá ngựa vằn đực, màu nền là vàng kim, điểm xuyết thêm bốn vạch dọc màu lam đậm trải ra suốt chiều dài của cơ thể, từ nắp mang cho đến tận cùng vây đuôi. Bức họa này cũng lặp lại trên vây hậu môn. Vây lưng màu ôliu, viền trắng lam, trong khi các vây ngực và vây bụng lại không có màu. Khe mang mang những vệt màu lam hơi khó phân biệt. Đầu mõm và bụng trắng bạc óng ánh.

Nguồn: Dân Trí

Bình luận