Theo dòng sự kiện

Máy gặt đập không người lái sẽ thay thế nông dân?

31/07/2019, 12:48

Nổi bật trên một cánh đồng lúa vàng rực ở tỉnh Giang Tô là một cỗ máy gặt đập liên hợp màu xanh lá không người lái.

Chiếc máy này của Công ty sản xuất máy nông nghiệp Đông Phong Thường Châu, Trung Quốc. Viễn cảnh những cánh đồng lúa rộng lớn được gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch bởi những cỗ máy không người lái đã bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc từ mùa thu năm ngoái.

Tham vọng 7 năm

Được đưa vào chiến lược phát triển đầy tham vọng "made in China 2025", Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu trong vòng 7 năm sẽ tạo ra những cỗ máy tự động có khả năng làm từ A đến Z các công đoạn, từ gieo hạt, bón phân đến thu hoạch các lương thực quan trọng như lúa gạo, lúa mì và bắp.

Việc chuyển sang tự động hóa được xem là yếu tố quyết định sự sống còn của ngành nông nghiệp Trung Quốc, bởi xu hướng đổ về thành thị đã bỏ lại nông thôn những lực lượng lao động già cỗi trong khi ngày càng ít người trẻ sẵn sàng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời hoặc kiên nhẫn với công việc đồng áng cực nhọc.

Trong khi các quốc gia khác như Úc và Mỹ cũng bắt đầu có các bước đi tương tự, nhưng động lực chuyển sang tự động hóa tại Trung Quốc lại diễn ra mạnh mẽ nhất do ngày càng ít lao động nghề nông.

Dưới sự chỉ đạo, khuyến khích của chính phủ, một loạt công ty Trung Quốc đã tham gia vào cuộc cách mạng nông nghiệp.

"Nông nghiệp tự động hóa là con đường tiến lên phía trước. Nhu cầu cho những cỗ máy làm nông tự động ở Trung Quốc là rất lớn" - ông Cheng Yue, tổng giám đốc Công ty Đông Phong Thường Châu, nói với Hãng tin Reuters.

Để tạo ra một cỗ máy tự động đòi hỏi sự phối hợp chất xám của nhiều lĩnh vực khác nhau. Thông qua Hiệp hội các ứng dụng của ngành viễn thông, Bắc Kinh không ngần ngại chi tiền cho các nguyên mẫu thử nghiệm nhằm sớm hoàn thành mục tiêu 7 năm.

Chẳng hạn, máy gặt đập liên hợp nhắc ở trên là sản phẩm kết hợp của YTO - tập đoàn sản xuất máy kéo thuộc nhà nước với một công ty cung cấp dịch vụ định vị của Trung Quốc và Đại học Giang Tô. Việc sử dụng hệ thống định vị Bắc Đẩu cho phép cỗ máy có thể xác định được chính xác các khu vực cần thu hoạch.

Sau Giang Tô thuộc địa hình đồng bằng, cỗ máy sẽ được chuyển đến các khu vực khác với địa hình gồ ghề có ruộng bậc thang như tỉnh Hắc Long Giang hoặc Trùng Khánh trong nửa đầu năm nay.

YTO bắt đầu thử nghiệm những cỗ máy nông nghiệp không người lái đầu tiên vào năm 2017. Theo tiết lộ của Lei Jun - một nhà quản lý cấp cao của YTO, tập đoàn này sẽ sớm bắt đầu sản xuất hàng loạt máy gặt đập liên hợp không người lái.

Công nghệ bán tự động không phải là điều hiếm thấy trên các cánh đồng ở Mỹ, song chưa có một máy kéo hoặc gặt đập liên hợp tự động hoàn toàn nào được sản xuất trên toàn thế giới.

Trở ngại

"Tôi có nghe về máy cày không người lái nhưng tôi nghĩ nó không thực tế" Li Guoyong - nông dân ở tỉnh Hà Bắc nói qua điện thoại với Reuters. Phần lớn cánh đồng ở tỉnh của ông Li chỉ vài hecta - vẫn quá nhỏ cho một máy gặt đập liên hợp bình thường.

Hơn 90% ruộng ở Trung Quốc có diện tích dưới 1ha trong khi ở Mỹ gần 90% cánh đồng có diện tích trên 5ha. Với giá lên tới 90.000 USD, một máy gặt đập liên hợp tự động hoàn toàn vẫn là giấc mơ xa vời của nhiều nông dân Trung Quốc trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy các chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc vẫn tỏ ra tự tin, cho rằng việc phát triển máy nông nghiệp tự động là cần thiết trong bối cảnh chính quyền đang cải cách quyền sử dụng đất, cho phép nông dân mua và gộp nhiều ruộng hơn trước.

Việc sử dụng máy móc nông nghiệp tự động hoàn toàn đem lại nhiều mặt lợi. Chẳng hạn người ta có thể kiểm soát số lượng phân bón hoặc các chất đã được sử dụng trong quá trình gieo trồng loại cây đó và ghi chính xác chúng lên các nhãn dán truy xuất nguồn gốc.

"Mỗi khi bưng một chén cơm lên, tôi luôn muốn biết nó đã được trồng như thế nào, bao nhiêu phân bón, thuốc trừ sâu đã được sử dụng" - ông Cheng chia sẻ với Reuters.

Thị trường máy móc nông nghiệp Trung Quốc trị giá khoảng 60 tỉ USD song đang rơi vào tình trạng dư thừa và lợi nhuận thấp. Đây là hệ quả của các chính sách trợ cấp của chính phủ nhằm thúc đẩy cơ giới hóa canh tác nông nghiệp cách đây nhiều năm, dẫn tới sự ra đời của những máy cày, máy gặt đập liên hợp chất lượng kém.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Ảnh bìa/Reuters
Bình luận