Theo dòng sự kiện

Một số quy định mới về xử phạt hành chính lĩnh vực chăn nuôi có hiệu lực từ 20/4/2021

12/04/2021, 09:35

TNNN - Từ ngày 20/4/2021, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, các quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chăn nuôi cũng chính thức được áp dụng.

Ngày 01/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP gồm 4 chương, 48 điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi.

Các hành vi vi phạm hành chính khác về chăn nuôi không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là 01 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

Nghị định 14/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 20/4/2021 và bãi bỏ các quy định về thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi tại Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản.


Đại diện các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thức ăn chăn nuôi khu vực phía Bắc đến thăm quan Phòng thử nghiệm đạt công nhận ISO/IEC 17025: 2017 của Công ty  Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert tại Hà Nội. Ảnh: Vũ Hải

Quy định đối với cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi

Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán thức ăn chăn nuôi, bao gồm: Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về công bố thông tin sản phẩm và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng trong mua bán thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng trong nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng, sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo đó, các hành vi vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (Điều 14) như: Không có dây chuyền, trang thiết bị phù hợp để sản xuất thức ăn chăn nuôi theo quy định; Không có biện pháp kiểm soát động vật gây hại, tạp chất, chất thải gây nhiễm bẩn, ảnh hưởng đến an toàn, chất lượng thức ăn chăn nuôi; Không có trang thiết bị, dụng cụ đo lường được kiểm định, hiệu chỉnh theo quy định; Không thực hiện phân tích chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong quá trình sản xuất; Không có giải pháp thu gom và xử lý chất thải để tránh nhiễm bẩn cho sản phẩm; Không có biện pháp bảo quản nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo khuyến cáo của tổ chức, cá nhân cung cấp;... bị xử phạt hành chính với mức từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh không có biện pháp kiểm soát bảo đảm không phát tán, gây nhiễm chéo giữa các loại kháng sinh khác nhau, giữa thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh và thức ăn chăn nuôi không chứa kháng sinh (mục b khoản 2 Điểu 14), có thể bị phạt tiền lên đến 10 triệu đồng.

Đối với hành vi sản xuất mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT bị phạt tiền cao nhất đến 15 triệu đồng.

Hành vi tẩy, xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Khoản 5, 6, 7 Điều 14 quy định các hành vi: cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có địa điểm sản xuất nằm trong khu vực bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại mà không có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm; sản xuất thức ăn chăn nuôi trong thời gian bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ sản xuất; sản xuất thức ăn chăn nuôi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi với mức phạt tiền tương ứng lần lượt là: 20 triệu đến 25 triệu đồng; 25 triệu đến 30 triệu đồng; 30 triệu đến 35 triệu đồng.

+ Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi; Đình chỉ hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy các quy định: Sản xuất mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT; Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có địa điểm sản xuất nằm trong khu vực bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại mà không có biện pháp phòng ngừa ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm;…

Vi phạm về công bố thông tin sản phẩm và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Hành vi thay đổi thông tin trên nhãn sản phẩm đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT mà không thực hiện công bố thay đổi thông tin theo quy định có thể bị phạt đến 3 triệu đồng;

Với các vi phạm: Không lưu mẫu, không lưu kết quả thử nghiệm thức ăn chăn nuôi theo quy định; Không thực hiện quy trình kiểm soát chất lượng hoặc thực hiện không đầy đủ các nội dung trong quy trình kiểm soát chất lượng; Không ghi và lưu nhật ký sản xuất theo quy định, mức phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

Đối với một trong các hành vi vi phạm như: Cố ý sửa chữa hoặc tẩy xóa làm sai lệch nội dung các loại giấy tờ hoặc khai báo không đúng sự thật trong hồ sơ đề nghị công bố thông tin mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT; Cố ý sửa chữa hoặc tẩy xóa làm sai lệch nội dung các loại giấy tờ hoặc khai báo không đúng sự thật trong hồ sơ tự công bố thông tin mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT, mức phạt tiền từ 5 triệu đến 7 triệu đồng.

Riêng hành vi “Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu đánh giá giám sát duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi” (khoản 4 Điều 15), mức phạt tiền cao nhất đến 10 triệu đồng.

Vi phạm quy định về chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể bị phạt đến 25 triệu đồng

Theo đó, đối với các hành vi sản xuất mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng, chất chính, chất không phải chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa, có thể bị phạt tiền từ 3 triệu

đến 20 triệu đồng.

Với vi phạm một trong các quy định: “Có mỗi chỉ tiêu vi sinh vật gây hại vượt ngưỡng tối đa quy định trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn đã công bố áp dụng”; “Có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu an toàn cao hơn mức tối đa từ 5% trở lên so với quy định trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn đã công bố áp dụng” có thể bị phạt cao nhất đến 25 triệu đồng (Khoản 5 Điều 16).

Với các vi phạm về điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi

Các hành vi vi phạm: Không có thiết bị, dụng cụ để bảo quản thức ăn chăn nuôi theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, cung cấp; Không có biện pháp phòng, chống động vật gây hại; nơi bày bán, kho chứa thức ăn chăn nuôi không tách biệt hoặc bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại khác, mức phạt tiền cao nhất lần lượt là 3 triệu và 5 triệu đồng (khoản 1, 2 Điều 17).

Với các hành vi: Cố ý sửa chữa hoặc tẩy xóa làm sai lệch nội dung các loại giấy tờ hoặc khai báo không đúng sự thật trong hồ sơ đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng, hồ sơ đề nghị công bố thông tin, hồ sư tự công bố thông tin mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT, mức phạt tiền từ 5 triệu đến 7 triệu đồng.

Đây là các hành vi mới được bổ sung tại Điều 17 Nghị định 14/2021/NĐ-CP, chi tiết hơn so với quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 64/2018/NĐ-CP.

Riêng hành vi “Không có hoặc không thuê kho bảo quản thức ăn chăn nuôi đáp ứng các yêu cầu bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và khuyến cáo của tổ chức, cá nhân cung cấp”, hiện đang có mức phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.

Với các vi phạm quy định về chất lượng trong mua bán thức ăn chăn nuôi

Từ khoản 1 đến khoản 5 Điều 18 của Nghị đình này quy định hành vi và mức xử phạt tiền đối với việc mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa so với tiêu chuẩn đã công bố hoặc ghi trên nhãn hàng hóa, hoặc mỗi chỉ tiêu an toàn vượt quá so với quy định trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn đã công bố.

Theo đó, các vi phạm về chất lượng như: hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 15% hoặc từ 15% đến dưới 30% hoặc từ 30% trở lên; Hàm lượng định lượng mỗi chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 15% hoặc từ 15% đến dưới 30% so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa, có thể bị phạt thấp nhất là 1 triệu, và cao nhất lên đến 15 triệu đồng.

Riêng với một trong các hành vi vi phạm quy định về mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi như: Có mỗi chỉ tiêu vi sinh vật gây hại vượt ngưỡng cho phép quy định trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn đã công bố áp dụng; Có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu an toàn cao hơn mức tối đa từ 5% trở lên so với quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, mức phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu đồng (Khoản 6 Điều 18).

Lưu ý: Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Minh Tâm

Bình luận