Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine, một thử nghiệm lâm sàng nhỏ tại Bệnh viện Mount Sinai ở Manhattan đã cho kết quả, các bệnh nhân ung thư hạch đã được điều trị phục hồi, thậm chí một số bệnh nhân đã thuyên giảm hoàn toàn sau nhiều tháng hoặc nhiều năm điều trị.

Theo như tuyên bố của bệnh viện, loại vắc-xin này không có tác dụng phòng ngừa, mà sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, luyện cho cơ thể nhận biết các khối u và tấn công chúng.

Vắc-xin sẽ tác động vào những tế bào tua, kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Trong quá trình thử nghiệm, phương pháp điều trị đã được tiến hành trên 11 người bị ung thư hạch ở giai đoạn tiến triển.

Các nhà nghiên cứu đã tiêm vắc-xin trực tiếp vào khối ung thư và điều trị khối u với liều phóng xạ thấp cùng với chất kích thích để kích hoạt các tế bào miễn dịch.

Ở nhiều bệnh nhân, khối u co lại, ba người trong số đó đã thuyên giảm, theo nghiên cứu.

Kết quả thành công này sẽ được áp dụng cho các thử nghiệm lâm sàng khác trên những bệnh nhân mắc các bệnh ung thư tương tự như ung thư vú, khối u ở đầu và cổ.

Tiến sỹ Joshua Brody, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: ”Vắc-xin có tác dụng rộng rãi đối với nhiều loại bệnh ung thư và phương pháp điều trị này cũng có thể làm tăng sự thành công của các liệu pháp miễn dịch khác.”

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cần phải thực hiện nhiều hơn các thử nghiệm điều trị trước khi loại vắc-xin này có thể được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn và sản xuất hàng loạt.

Nguồn: The New York Post