Theo dòng sự kiện

Phát triển vật liệu rải đường từ rác thải

21/12/2020, 11:43

TNNN - Vật liệu tổng hợp mới có độ kết dính cao, có tính đàn hồi và chống chịu tốt với nhiều điều kiện thời tiết.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov (PRUE), Nga, tạo ra vật liệu bền từ rác thải tái chế. Họ tin rằng điều này giúp giảm khí thải độc hại sinh ra từ quá trình sản xuất polymer do vật liệu tái chế sẽ thay thế phần nào cho vật liệu mới.

Thành tựu chính của nghiên cứu là tạo ra vật liệu tổng hợp bitumen-polymer mới với độ kết dính cao, có tính đàn hồi và chống chịu tốt hơn với các điều kiện thời tiết khác nhau. Vật liệu này có thể dùng để sản xuất hỗn hợp rải đường, đá lát và một số sản phẩm khác.

Trong tương lai, mặt đường có thể được làm từ vật liệu tái chế mới. Ảnh: Munson Inc.

"Vật liệu mới rất bền. Chúng tôi đã thử nghiệm chất kết dính bitumen cho bê tông nhựa. Chúng tôi cũng xác định được tỷ lệ tối ưu của các thành phần khác nhau trong chất kết dính bitumen nhằm đảm bảo hấp thụ bức xạ điện từ vi sóng hiệu quả và tạo ra mặt đường bê tông nhựa tự lành", Anatoly Olkhov, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Công nghệ và Vật liệu tổng hợp tiên tiến tại PRUE, cho biết.

"Vật liệu mới được phát triển nhờ sử dụng các vật liệu polymer tổng hợp hiện đại, các hạt kích thước nano và polymer sinh học tự nhiên", Olkhov bổ sung. Việc phát triển vật liệu từ rác thải tái chế, ví dụ như các bao gói, sẽ góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do lượng lớn rác thải lâu phân hủy gây ra.

Nhóm nghiên cứu dự định áp dụng dần những ý tưởng của mình vào việc làm đường và các lĩnh vực khác. Nghiên cứu mới nằm trong dự án "Phát triển công nghệ tái chế vật liệu polymer thứ cấp để sản xuất các sản phẩm phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông".

Nguồn: VnExpress

Bình luận