Theo dòng sự kiện

Quan ngại với dự thảo liên quan đến thực vật chứa dẫn xuất hydroxyanthracene

28/06/2021, 10:25

TNNN – Dự thảo sửa đổi Phụ lục III Quy định (EC) của Nghị viện và Hội đồng châu Âu đã vấp phải quan ngại từ các nước Thành viên WTO.

Theo đó, trong biên bản họp của Ủy ban TBT/WTO, Dự thảo sửa đổi Phụ lục III Quy định (EC) số 1925/2006 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu liên quan đến các loài thực vật có chứa dẫn xuất hydroxyanthracene, đã vấp phải quan ngại từ các nước Thành viên WTO.

Phái đoàn Mexico đặc biệt bày tỏ quan ngại đối với Dự thảo và đã được thông báo cho Ủy ban TBT với mã thông báo G/TBT/N/EU/702.

Chính phủ Mexico đã gửi các ý kiến về dự thảo quy định này vào ngày 2/5/2020 trong khuôn khổ quy trình tham vấn cộng đồng của WTO. Phái đoàn Mexico ghi nhận sự quan tâm của EU trong việc thiết lập các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, Mexico cho rằng dự thảo quy định có thể dẫn đến hạn chế thương mại một cách không cần thiết so với mục tiêu hợp pháp đó.

Do dự thảo quy định sẽ áp đặt lệnh cấm tuyệt đối việc sử dụng lô hội và chiết xuất của nó trong thực phẩm và đồ uống, nên việc thực hiện quy định này sẽ tác động rất tiêu cực đến ngành công nghiệp sản xuất của Mexico trong mục tiêu xuất khẩu sang Liên minh châu Âu các loại sản phẩm phục vụ con người có chứa aloin - một thành phần tự nhiên được tìm thấy trong cây lô hội.

Mexico cho rằng, dự thảo quy định có thể vi phạm nguyên tắc theo Điều 2.2 của Hiệp định WTO/TBT và không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế (Điều 2.4). Hơn nữa, EU không cung cấp cho các Thành viên WTO khoảng thời gian hợp lý để tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo (Điều 2.12 của Hiệp định WTO/TBT).

Mặc dù EU cho rằng các sửa đổi được đề xuất dựa trên ý kiến khoa học do Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) đưa ra vào ngày 22//11/2017, tuy nhiên y kiến của EFSA không phân biệt giữa chế phẩm và chiết xuất lô hội có thể chứa các dẫn xuất hydroxyanthracene (HAD) ở mức tối thiểu với các loại thực vật có dẫn xuất cao hơn. Trong đánh giá rủi ro của mình, ý kiến khoa học của EFSA không có đánh giá về tác động tiềm ẩn của các loại lô hội có chứa mức HAD tối thiểu hoặc bằng không để sử dụng trong các sản phẩm và chế phẩm thực phẩm. EFSA không cung cấp thông tin rằng việc uống lô hội hàng ngày không gây lo ngại về tác hại đối với sức khỏe, mà còn giúp cải thiện chức năng ruột.

Kết luận của EFSA dựa trên nghiên cứu được thực hiện trên chuột, thay vì trên người. Trong những kết luận đó, người ta thậm chí còn công nhận rằng ảnh hưởng có thể có của lô hội và các chất chiết xuất của nó đối với sức khỏe con người vẫn chưa chắc chắn và do đó sẽ không phù hợp để thực hiện lệnh cấm tuyệt đối tiêu thụ chất này. Ý kiến của EFSA cũng như các tài liệu được chia sẻ trong thông báo G/TBT/N/EU/702 đều không cho biết liệu có bất kỳ tiêu chuẩn quốc tế nào được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các đề xuất sửa đổi hay không.

Tuy nhiên, Tiêu chuẩn chung Codex về Phụ gia Thực phẩm (GSFA, CODEX-STAN1995 (2019)) công nhận lô hội là chất phụ gia có thể được sử dụng trong các điều kiện cụ thể cho một số loại thực phẩm hoặc sản phẩm thực phẩm nhất định Dự thảo quy chuẩn không được thông báo là quy chuẩn kỹ thuật khẩn cấp.

Do đó, EU đã vi phạm nguyên tắc minh bạch hoá theo như cam kết trong Hiệp định WTO/TBT. Do đó, phái đoàn Mexico đề nghị EU xem xét lại đề xuất sửa đổi đối với Phần A của Phụ lục III Quy định (EC) số 1925/2006, trên cơ sở các bằng chứng khoa học hiện có về việc sử dụng lô hội hoặc chất chiết xuất của nó trong các sản phẩm tiêu dùng; làm rõ liệu dự thảo quy định có bao gồm aloin tự nhiên có trong sản phẩm thực phẩm hay không; điều chỉnh dự thảo quy định với các quy định của CODEX-STAN-1995 (2019), hoặc giải thích lý do tại sao Ủy ban Châu Âu đang thúc đẩy việc áp dụng một biện pháp sai lệch so với tiêu chuẩn này; cung cấp khoảng thời gian hợp lý trước khi dự thảo quy định có hiệu lực; và xem xét cũng như cân nhắc các ý kiến do Mexico gửi vào ngày 2/5/2020 trong quá trình tham vấn cộng đồng.

Đối với các quan ngại trên, đại diện phái đoàn EU cho biết: Dự thảo biện pháp được đề xuất dựa trên tư vấn khoa học của EFSA, tham vấn sâu rộng với các quốc gia thành viên và tất cả các bên quan tâm. Dự thảo biện pháp nhằm đảm bảo mức độ an toàn cao bằng cách cấm sử dụng trong thực phẩm các chất có tác hại đối với sức khỏe, đồng thời EU sẽ tiếp tục tham vấn về mức độ an toàn của các chất khác dưới góc độ khoa học. Trong thời gian tham vấn, các bên quan tâm có thể gửi bằng chứng khoa học để chứng minh độ an toàn của các chất khác.

Theo ý kiến khoa học của EFSA ngày 22/11/2017, một số dẫn xuất hydroxyanthracene - HAD - (chẳng hạn như emodin, lô hội-emodin và danthron) và chiết xuất lô hội có chứa HAD được phát hiện là gây độc cho gen và/hoặc gây ung thư dựa trên dữ liệu thu được từ in vitro và các nghiên cứu lâm sàng in vivo.

Hội đồng EFSA cũng cho biết có bằng chứng khoa học về sự không an toàn đối với sức khoẻ con người trong một số chiết xuất có chứa HAD (chẳng hạn như chiết xuất Rheum, Cassia và Rhamnus). Hiện các nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục, do đó EU không thể đưa ra giới hạn an toàn cụ thể đối với HAD.

Ngoài ra, biện pháp này phù hợp với quy trình theo Điều 8 của Quy định (EC) số 1925/2006 về việc bổ sung vitamin, khoáng chất và một số chất khác vào thực phẩm. Quy định trên cho phép EU cấm, hạn chế hoặc đặt dưới sự giám sát của EU việc sử dụng một chất không phải là vitamin hoặc khoáng chất trong thực phẩm, nếu chất đó có liên quan đến nguy cơ tiềm ẩn cho người tiêu dùng. Về vấn đề minh bạch hoá, bên cạnh việc thông báo dự thảo cho Uỷ ban TBT, dự thảo này cũng được công bố trong thời gian tham vấn là 07 tuần để đảm bảo việc lấy ý kiến từ tất cả các bên quan tâm.

Trong quá trình tham vấn đó, EU đã nhận được nhiều góp ý bởi các bên liên quan khác nhau, chẳng hạn như các hiệp hội doanh nghiệp, công ty, tổ chức phi chính phủ, các cơ sở nghiên cứu cũng như người dân. Ủy ban Châu Âu hiện đang xem xét, nghiên cứu tất cả các ý kiến nhận được và sẽ xem xét các sửa đổi có thể có đối với dự thảo biện pháp để đảm bảo đưa ra quyết định phù hợp nhất về vấn đề này.

Nguồn: VietQ

Bình luận