Theo dòng sự kiện

Sản xuất thử nghiệm thu hồi oxit vonfram trong quá trình xử lý quặng thiếc

26/09/2020, 11:04

TNNN - Dự án làm tăng hiệu quả sản xuất thiếc, giảm chi phí tiêu hao điện cho luyện thiếc trong lò điện hồ quang, tăng thực thu thiếc.

Vonfram kim loại và các hợp chất của nó có giá trị kinh tế cao, được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như điện, điện tử, quân sự, hóa học, ô tô, gia công cơ khí,... Trong tự nhiên, vonfram không tồn tại ở dạng kim loại tự do mà chỉ nằm ở dạng hợp chất, các khoáng vonfram quan trọng nhất có giá trị khai thác công nghiệp là vonframit và selit.

Nguồn khoáng sản vonfram của Việt Nam tập trung chủ yếu ở mỏ vonfram Núi Pháo, Đại Từ, Thái Nguyên với trữ lượng 52,5 triệu tấn quặng có hàm lượng trung bình 0,21% WO3. Ngoài ra vonfram còn phân bố ở các vùng Sơn Dương (Tuyên Quang), Minh Long (Quảng Ngãi), Pia Oắc (Cao Bằng) và Thường Xuân (Thanh Hóa), những vùng này vonfram thường đi kèm với quặng thiếc.

Trong quá trình nấu luyện quặng thiếc sản xuất thiếc kim loại vonfram gây ảnh hưởng xấu đến quá trình nấu luyện thiếc trong lò điện hồ quang, gây tắc lò, biếu lò, đặc biệt gây ra hiện tượng đóng đáy lò do fero chứa vonfram có nhiệt độ nóng chảy cao gây ra.

Để xử lý hiện tượng đóng đáy lò phải mất thêm từ 8 đến 16 giờ đánh hồ quang làm sạch đáy lò, kèm theo đó là tiêu thụ điện tăng thêm 100÷200 kWh/tấn Sn.

Hợp kim sắt dưới đáy lò chứa vonfram có khối lượng ~ 400 kg và thường chứa đến 20% Sn, tương đương với 80 kg thiếc, do đó làm giảm thực thu thiếc trong quá trình luyện. Nguyên tố vonfram làm gián đoạn quy trình vận hành lò, làm giảm các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật sản xuất thiếc.

Mặc dù là yếu tố có tác động xấu đến quá trình luyện thiếc nhưng vonfram lại có giá trị kinh tế cao, do đó việc tách và tận thu vonfram chứa trong tinh quặng thiếc là rất cần thiết và cấp bách, vừa nâng cao chỉ tiêu kỹ thuật sản xuất thiếc, vừa tận thu sản phẩm vonfram đi kèm trong tinh quặng thiếc.

Xuất phát từ các yêu cầu cấp bách cần phải xử lý tách vonfram trong tinh quặng thiếc nhóm nghiên cứu của Viện khoa học và công nghệ mỏ - luyện kim do ThS. Đinh Quang Hưng đứng đầu đã kết hợp với kết quả thu được từ đề tài nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ mang tên “Nghiên cứu công nghệ sản xuất oxit vonfram kỹ thuật từ tinh quặng vonframit” để triển khai thực hiện dự án: “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm thu hồi oxit vonfram trong quá trình xử lý quặng thiếc”.

Kết quả Dự án thu được đã khẳng định sự thành công của dự án với toàn bộ các mục tiêu đề ra đã hoàn thành.

1. Hoàn thiện công nghệ.

2. Dự án đã xây dựng và hoàn thiện được một dây chuyền thiết bị sản xuất oxit vonfram từ quá trình xử lý quặng thiếc.

3. Sản xuất ra 8 tấn sản phẩm oxit vonfram và còn đang tiếp tục sản xuất.

4. Hiệu quả kinh tế của dự án: Dự án đạt doanh thu trên 3,6 tỷ đồng, lãi ròng 95,433 triệu đồng. Ngoài ra làm tăng hiệu quả sản xuất thiếc, giảm chi phí tiêu hao điện cho luyện thiếc trong lò điện hồ quang, tăng thực thu thiếc.

5. Sau quá trình triển khai thực hiện dự án, đã xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật nắm vững việc vận hành hệ thống thiết bị sản xuất oxit vonfram. Các kết quả đạt được của dự án có thể được ứng dụng với các đối tượng tương tự.

6. Đã đánh giá khả năng thị trường đối với sản phẩm oxit vonfram. Hiện tại, việc tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi do nguồn cung mặt hàng này trên thị trường luôn thiếu.

Nhóm nghiên cứu kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ để đưa kết quả của dự án vào sản xuất tại các đơn vị khai thác - chế biến quặng thiếc, vonfram.

Nguồn: NASATI

Bình luận