Theo dòng sự kiện

Tiêu chuẩn mới cho doanh nghiệp và nông dân

11/06/2020, 14:24

TNNN – “Bộ tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” đã được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế thừa nhận, trở thành tiêu chuẩn mới của doanh nghiệp.

Trong gần 2 năm qua, có 54 doanh nghiệp được cấp chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập, trong đó có 26 doanh nghiệp thuộc ngành phi thực phẩm. Ngoài ra, có hai hợp tác xã nông nghiệp được 2 tổ chức quốc tế hỗ trợ, tư vấn, huấn luyện để cấp chứng nhận Localg.a.p. Đặc biệt, từ sự lan tỏa và tính thiết thực, Bộ tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập đã được nhiều tổ chức như Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, GMP, GlobalG.A.P.… thừa nhận.

Đây là kết quả thỏa thuận giữa Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao với Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập.

Sự kiện được công bố tại Hội nghị “Tiêu chuẩn mới cho doanh nghiệp và nông dân để khởi động kinh doanh sau dịch Covid - 19”, do Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ chức tiêu chuẩn GlobalG.A.P và Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 09/6/2020, tại Hà Nội.


Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, trong quá trình thực hiện thỏa thuận này, có 2 công trình nổi bật, đó là: xây dựng được “tiêu chuẩn localg.a.p. dành cho nông nghiệp” và “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” dành cho 5 ngành phi thực phẩm.

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng đã hợp tác với các đơn vị tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện cho nhiều lãnh đạo, xã viên các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra đã có 02 hợp tác xã (sản xuất lúa và trồng nhãn ở Đồng Tháp) được 02 tổ chức quốc tế hỗ trợ, tư vấn, huấn luyện để cấp chứng nhận Localg.a.p. vào tháng 7/2020.

Trong thời gian tới, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ tổ chức một loạt các hoạt động hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp về tiêu chuẩn và thị trường trong bối cảnh “bình thường mới, đặc biệt là tập trung hỗ trợ cho nông dân tại các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn Localg.a.p. và nông dân các tỉnh Đồng bằng song Cửu Long. Bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh.

Về kết quả thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao với Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng cho biết, trong 2 năm thực hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao giúp cộng đồng doanh nghiệp và nông dân nâng cao nhận thức trong lĩnh vực xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, qua đó giảm thiểu các lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng, bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với người lao động và cộng đồng... góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, cải thiện hình ảnh, thương hiệu và tính cạnh tranh của doanh nghiệp.


Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trao Chứng nhận cho đại diện doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tại Hội nghị.

Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giới thiệu chuyên gia có kinh nghiệm từ các Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia tham gia nhóm công tác xây dựng “Bộ tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập các nhóm ngành phi thực phẩm”; Hướng dẫn xây dựng và góp ý “Bộ Tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao cho các ngành dệt may – da giày, cao su – nhựa, hóa mỹ phẩm, chế biến gỗ” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chủ trì biên soạn. Các bộ Tiêu chí này đã được Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao công bố là công cụ và căn cứ để triển khai xét duyệt tại các Hội đồng xem xét đánh giá hồ sơ cho các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao,…


Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội nghị.

Đánh giá cao vai trò của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao trong việc liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, các hoạt động của Hội đã tích cực hỗ trợ thông tin, tư vấn, đưa hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia gắn liền với quy trình sản xuất của doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp hội viên nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng giá trị cho sản phẩm, góp phần bảo vệ và nâng cao uy tín cho nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao, tạo niềm tin bền vững cho người tiêu dùng trong nước và đối tác nước ngoài.

Thứ trưởng nhấn mạnh rằng, những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn đồng hành với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp sản xuất ra được những sản phẩm với chất lượng tốt và tăng khả năng tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản,…


Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh chứng kiến lễ ký kết triển khai chương trình tư vấn, huấn luyện nông dân thực hiện chuẩn Localg.a.p. tại các tỉnh biên giới phía Bắc.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng tiếp tục đồng hành cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ thay đổi tư duy mà còn thay đổi hành động, thay đổi quy trình, đảm bảo hoạt động sản xuất theo tiêu chuẩn để sản phẩm có chất lượng ổn định, duy trì sự tin cậy bền vững của người tiêu dùng, để sản phẩm của Việt Nam ngày càng có vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế. Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã ký kết triển khai chương trình tư vấn, huấn luyện nông dân thực thiện chuẩn Localg.a.p. tại các tỉnh biên giới phía Bắc.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Bình luận