Theo dòng sự kiện

Tìm giải pháp nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu

12/04/2021, 16:06

TNNN – Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, để xuất khẩu, việc phát triển sản xuất xoài phải theo chuỗi giá trị, đảm bảo đáp ứng theo quy định của thị trường.


Quang cảnh hội thảo.

Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực tuân thủ chất lượng và tiêu chuẩn của chuỗi giá trị Xoài ở Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Việt Nam phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy sỹ (SECO) để triển khai thực hiện, Bộ NN&PTNT vừa phối hợp với các bên liên quan, tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu của Việt Nam" tại tỉnh Đồng Tháp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam: Để nâng cao năng lực tuân thủ chất lượng và tiêu chuẩn của chuỗi giá trị, các địa phương cần tăng hơn nữa diện tích trồng xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; Chú trọng đến đối tượng liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng xoài, đó là hợp tác xã, nông dân; Phải xác định được thị trường xuất khẩu mục tiêu, từ đó xây dựng tiêu chuẩn dành cho thị trường đó và định hướng sản xuất cho nông dân. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí phù hợp, thống nhất về tiêu chuẩn chung giữa nước xuất khẩu và nhập khẩu xoài, giải pháp nhằm giảm chi phí cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu xoài.

Thực trạng và kết quả đạt được

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp, thuận lợi để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới có chất lượng cao, đa dạng, đặc trưng theo từng vùng, miền.

Đối với xoài, đây là một trong những loại trái cây nhiệt đới chính được trồng tại Việt Nam, chỉ đứng sau quả chuối, và Việt Nam là nước sản xuất xoài lớn thứ 13 thế giới với tổng diện tích khoảng trên 87.000ha. Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 48% tổng diện tích xoài cả nước. Tổng sản lượng xoài trong năm 2020 của Việt Nam đạt 893,2 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tổng sản lượng đạt gần 568 nghìn tấn.

Tuy nhiên, do đại dịch covid-19 nên trong năm 2020, dòng lưu chuyển hàng hóa toàn cầu bị ách tắc, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam đạt 180,8 triệu USD, giảm 9% so với năm 2019. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc (đạt 151,8 triệu USD chiếm 83,95%); thứ 2 là thị trường Nga, Papua New Guinea, Mỹ, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản,...

Nhằm nâng cao năng lực đáp ứng các quy định thị trường đối với xoài xuất khẩu của Việt Nam cũng như khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đòi hỏi việc sản xuất xoài hiện nay phải phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, tác động vào mọi đối tượng, liên kết: từ người sản xuất - người thu mua - sơ chế, đóng gói, bảo quản - doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng theo quy định của thị trường.

Từ năm 2005 – 2006 đến nay, địa phương đã tập trung và định hướng để ngành hàng xoài trở thành 1 trong 5 ngành hàng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, và đã thành lập được 8 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác và 23 Hội quán nông dân trồng xoài, liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài dài hạn với hơn 1.073ha cùng hơn 10 doanh nghiệp tham gia...". Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết.

Ông Nghĩa chia sẻ: Đồng Tháp hiện có diện tích trồng xoài lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 12.171ha), sản lượng hàng năm gần 124 nghìn tấn, trong đó đã có 977,6ha đã được cấp mã vùng xuất khẩu sang “thị trường khó tính”, 4.228,6ha được cấp mã vùng xuất sang thị trường Trung Quốc; 342ha được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và 5,75ha mô hình sản xuất hữu cơ.

Theo ông Nghĩa, khó khăn của ngành hàng xoài là tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch còn khá lớn, có khi lên đến 70%; cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong vùng nguyên liệu xoài, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực logistics,… còn hạn chế; việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói xuất khẩu sang các thị trường chưa chặt chẽ... Trong khi đó, yêu cầu của các “thị trường khó tính” hiện nay là các vấn đề liên quan đến nhãn mác, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ, tính liên tục trong cung ứng, thời gian bảo quản…


Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo. 

Giải pháp

Để gia tăng xuất khẩu xoài, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý: "Phải có những cơ sở hỗ trợ cơ sở chế biến, bảo quản quy mô vừa và nhỏ để đảm bảo xây dựng được nền tảng logistics từ nông thôn ra thành thị. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề cơ giới hóa trong bảo quản và thu hoạch xoài để làm sao giảm được chi phí, có như vậy giá trị của cây xoài mới lên được. Những gì chúng ta chú ý xây dựng để xuất khẩu thì nên chú ý xây dựng thêm tiêu chuẩn, quy trình để mà đưa vào các siêu thị trong nước".

Trước yêu cầu này, đại diện Công ty Cổ phần VIFOTEC, Tổng Giám đốc Trần Văn Thành giới thiệu và đề xuất giải pháp: Đơn vị đang đẩy mạnh triển khai Chuỗi an toàn thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Safety chain – VfSC) nhằm hỗ trợ người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trên cả nước trong sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản.

VIFOTEC hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại trong đó có kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Đến nay, VIFOTEC đã thiết lập quan hệ thương mại với rất nhiều đối tác xuất nhập khẩu nông sản hàng hóa trong nước, quốc tế. Các sản phẩm chủ lực để xuất khẩu là nông sản chất lượng cao.

Theo ông Thành, VfSC là một phần mềm mở, áp dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp theo nguyên tắc "từ trang trại đến bàn ăn”. Phần mềm này có thể áp dụng cho các trang trại chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và cây cảnh, giúp cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp kiểm soát được mức độ đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất.

Kết quả áp dụng các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ liên tục được cập nhật lên phần mềm, và được tổ chức chứng nhận sử dụng làm căn cứ, bằng chứng (như tài liệu) để đánh giá, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn tương ứng: VietGAP, AseanGAP, GlobalGAP, các tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC - Aquaculture Stewardship Council)…

Để hỗ trợ người nông dân xây dựng “nhật ký điện tử”, phần mềm VfSC đã được thiết kế sử dụng phù hợp trên cả 2 hệ điều hành Android và IOS. Thay vì phải sử dụng các văn bản giấy tờ, sổ sách để ghi chép như trước đây, người sản xuất chỉ việc chụp ảnh, chú thích các công việc mình thực hiện và gửi thông tin đó về Trung tâm điều hành hệ thống. Ông Thành cho biết.

Cơ sở dữ liệu này giúp cả người tiêu dùng, nhà quản lý truy xuất được những thông tin về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, chứng chỉ chứng nhận, thu hoạch, sơ chế đóng gói, hạn sử dụng… một cách minh bạch.

“Điều này đồng nghĩa với việc người nông dân đã trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị”, Tổng Giám đốc VIFOTEC chia sẻ và nhấn mạnh rằng: Tất cả sản phẩm nông sản đều được lấy mẫu, phân tích các chỉ tiêu theo quy định bởi Phòng thử nghiệm được công nhận ISO/IEC 17025:2017 và được cơ quan nhà nước chỉ định. Kết quả phân tích đạt yêu cầu mới được cấp chứng nhận.

Cùng chung tay xây dựng nền nông nghiệp có trách nhiệm, VIFOTEC đang nỗ lực kết hợp các công nghệ hiện đại để mang tinh hoa nông nghiệp Việt Nam ra toàn thế giới.

Theo Bộ NN&PTNT, hội thảo được tổ chức nhằm:

(i) Tạo kênh kết nối, trao đổi giữa nhà sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị xoài với các cơ quan thương mại, doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam để tìm hiểu, phát triển thị trường xuất khẩu;

(ii) Hướng dẫn, phổ biến thực thi tốt các quy định về kiểm dịch thực vật, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, quy định mức dư lượng thuốc BVTV, truy xuất nguồn gốc…

(iii) Thông tin tới các địa phương, nhà sản xuất, các hợp tác xã, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu xoài nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, rào cản kỹ thuật;

(iv) Nâng cao năng lực tuân thủ, phát triển chuỗi giá trị xoài, nâng cao giá trị gia tăng đáp ứng theo các quy định của từng thị trường, tập trung vào các thị trường trọng điểm như: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Phúc Anh

Bình luận