Theo dòng sự kiện

Unicef khuyến nghị giảm gánh nặng bệnh tật bằng tăng cường vi chất vào thực phẩm

10/03/2020, 11:52

TNNN - Vi chất dinh dưỡng là dưỡng chất được cơ thể đòi hỏi với một lượng rất nhỏ còn được gọi là vitamin và khoáng chất cho phép cơ thể tạo ra các enzym, kích thích tố và các chất khác cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển phù hợp. Mặc dù số lượng cần thiết là rất nhỏ nhưng hậu quả của sự thiếu hụt rất nghiêm trọng.

Nạn đói tiềm ẩn

ThS.BS Trần Khánh Vân, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, thiếu vi chất dinh dưỡng còn gọi là “nạn đói tiềm ẩn” là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe và sự phát triển. Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em có nguy cơ cao nhất thiếu vi chất, đặc biệt là sắt. Sắt cần thiết cho sản xuất hemoglobin.

Thiếu sắt gây thiếu máu, làm suy yếu sự phát triển trí tuệ, gây tử vong trong khi sinh nở. Thiếu iốt gây ra bướu cổ, tổn thương não không thể phục hồi ở thai nhi và trẻ sơ sinh, khiến trẻ chậm phát triển, ảnh hưởng chức năng sinh sản sau này.

Thiếu vitamin A là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Thiếu kẽm gây tử vong ở trẻ sơ sinh, tăng mức độ nghiêm trọng của tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp. Thiếu kẽm cũng góp phần gây thiếu máu, khiến trẻ sẽ thấp còi, không phát triển tối ưu. 

Hiện nay, những thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng thường có giá cao, ví dụ thịt bò và các loại thịt đỏ. Hơn nữa, việc nuôi trồng rút ngắn thời gian, tăng năng suất hiện nay cần rất nhiều chế phẩm hỗ trợ làm nghèo đi giá trị vốn có của thực phẩm.

Còn đối với vi chất kẽm, vi chất này có nhiều trong hàu sò nhưng chúng chỉ tồn tại trong cơ thể 12 ngày, dù ta có ăn nhiều hàu sò nhưng sau 12 ngày lượng kẽm cũng tự biến mất. Bởi vậy, ở nước ta, có tới 29% ở trẻ 0 – 5 tuổi, 29% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, 36% phụ nữ mang thai thiếu máu do thiếu sắt. Tỷ lệ thiếu vitamin A chiếm 13% trẻ từ 0-5 tuổi. Thiếu kẽm chiếm 69,4% trẻ 0 – 5 tuổi,  65% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản,  80% phụ nữ mang thai.

Tăng cường vi chất vào thực phẩm thế nào cho hiệu quả?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cách làm hiệu quả nhất là bổ sung vitamin và khoáng chất vào thực phẩm trong quá trình chế biến như gạo, bột mì, muối, dầu ăn. Chi phí trung bình cho 1 tấn bột mì có tăng cường sắt và kẽm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 1,91-3,63 USD, tăng cường iốt vào muối là 0,44USD, tăng cường vitamin A vào dầu ăn là 2 USD. 

Theo chuyên gia chính sách dinh dưỡng của UNICEF Đỗ Hồng Phương, hiện nay công nghệ để tăng cường vi chất vào muối và bột mì được thiết lập tốt, rẻ tiền và được thực hiện tương đối dễ dàng. Vi chất được bổ sung vào thực phẩm theo hướng dẫn của WHO để đáp ứng 30% nhu cầu hàng ngày là giới hạn an toàn với tất cả cộng đồng, bao gồm cả những trường hợp bệnh lý (như cường giáp).

Các nghiên cứu cho thấy, không có thay đổi tiêu cực nào lên màu, mùi vị và chất của sản phẩm vì iốt được tăng cường vào muối (KIO3) là hợp chất không màu, không mùi, không vị, bền vững, không thăng hoa (bốc hơi), chỉ bị nóng chảy ở nhiệt 560 độ C. Lượng iốt tồn tại rất cao (>60%) trong một loạt các sản phẩm được chế biến với muối iốt như cá muối, nước mắm, một số loại bánh mì, thịt và cá chế biến, một số loại rau muối. Các hợp chất (pyrophosphat và oxit kẽm được trộn sẵn dưới dạng hỗn hợp sắt, kẽm) không mùi và có màu trắng, cùng với màu bột mỳ và tồn tại đến 97% trong thành phẩm.

Việc chậm trễ trong việc cung cấp thực phẩm bổ sung vi chất cho người tiêu dùng sẽ khiến vấn đề thiếu hụt vi chất tồn tại dai dẳng, ảnh hưởng tới tầm vóc, trí tuệ nguồn nhân lực hiện tại và tương lai, từ đó gia tăng gánh nặng về bệnh tật và các chi phí y tế của xã hội để giải quyết các rối loan do thiếu vi chất gây ra.

Nguồn: Khoa học & Đời sống

Bình luận