Theo dòng sự kiện

Vì sao đến nay mới nghiên cứu vaccine ngừa virus corona cho người?

20/03/2020, 10:19

TNNN - Vaccine ngừa SARS-CoV-2 lần đầu tiên được thử nghiệm trên người ngày 16/3/2020, trong khi từ lâu, chúng ta đã có vaccine ngừa virus này cho động vật.

Vaccine ngừa SARS-CoV-2, virus gây bệnh Covid-19 đã được thử nghiệm trên người vào đầu tuần này. Nếu giai đoạn thử nghiệm thành công, vaccine sẽ được sản xuất và sử dụng đại trà trong khoảng 12 đến 18 tháng nữa. Đây cũng là loại vaccine đầu tiên ngừa một virus chủng corona trên người.

Theo các nhà nghiên cứu, từ lâu chúng ta đã có vaccine ngừa một số bệnh do chủng virus corona gây ra trên động vật như chó và bò. Vaccine cho bệnh Covid-19 là loại đầu tiên được chế tạo, ngừa virus corona trên người.


Tình nguyện viên được tiêm vaccine Covid-19 thử nghiệm vào ngày 17/3. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, SARS-CoV-2 không phải virus corona đầu tiên đem lại dịch bệnh khiến nhiều người chết. Trước đó, đại dịch SARS năm 2003 và MERS năm 2012 đều có nguyên nhân từ một loại virus thuộc chủng corona.

Nhiều loại cúm cũng bắt nguồn từ chủng virus này. Vậy tại sao cho đến nay, các nhà khoa học mới nghiên cứu vaccine ngừa virus corona trên người, trong khi vaccine ngừa bệnh này cho động vật đã có từ lâu?

Theo giải thích của Peter Kolchinsky, nhà virus học và tác giả cuốn sách về ngành dược của Mỹ, câu trả lời là tỷ lệ hiệu quả và lợi nhuận đối với các công ty dược.

"Chúng ta đã biết 4 chủng virus corona khiến cơ thể có các triệu chứng cúm nhẹ. Virus sẽ gây phản ứng miễn dịch, và hệ miễn dịch sẽ sản sinh kháng thể đủ để ngừa cúm trong khoảng 1 năm hoặc hơn. Sau khoảng thời gian đó, chúng ta có thể sẽ lại nhiễm đúng loại virus đã từng nhiễm", ông Peter nói.

"Lý do cúm vẫn dai dẳng là có rất nhiều loại virus khác nhau gây ra bệnh cúm, và chủng virus corona chỉ gây ra khoảng 20% số ca cúm. Mỗi chủng virus lại yêu cầu một loại vaccine khác nhau. Nếu như vaccine virus corona giảm khoảng 75% nguy cơ nhiễm cúm, thì tổng thể nó chỉ giúp giảm nguy cơ nhiễm cúm nói chung 15%. Với người trưởng thành, nhiễm cúm 2-4 lần mỗi năm, tỷ lệ này không đủ để họ bớt đi 1 đợt cúm", chuyên gia này giải thích lý do chưa có vaccine cho các bệnh cúm từ virus corona.

Đối với đại dịch SARS và MERS, chúng ta chưa có vaccine bởi dịch đã kết thúc khi mà các nhà khoa học còn chưa nghiên cứu xong. Khi vaccine SARS chuẩn bị được đưa thử nghiệm trên người, cộng đồng quốc tế đã khống chế thành công đại dịch. Từ năm 2004 đến nay, chưa có thêm ca nhiễm SARS nào được ghi nhận.


Để sản xuất đại trà, vaccine phải trải qua quá trình thử nghiệm khắt khe và tốn thời gian. Do vậy, chỉ những bệnh diễn ra trên quy mô rất lớn mới có vaccine. Ảnh: Getty.

Tương tự, với dịch MERS năm 2012, các loại vaccine được phát triển còn chưa kết thúc giai đoạn thử nghiệm thì dịch đã dần kết thúc.

Đối với dịch Ebola, các loại vaccine được nghiên cứu từ năm 2014, và khi dịch bệnh bùng phát năm 2018 thì phải tới cuối năm 2019 loại vaccine đầu tiên mới được cấp phép tiêm cho người.

Quá trình phát triển vaccine có thể chia thành 6 giai đoạn, từ thiết kế, thử nghiệm trên động vật, thử nghiệm lâm sàng nhiều lần rồi mới tới được sử dụng đại trà.

Do vậy, nếu như không phải là một dịch bệnh lặp đi lặp lại và quy mô rất lớn, các hãng dược và giới khoa học sẽ không mất công nghiên cứu, thử nghiệm vaccine.

"Covid-19 nguy hiểm hơn cúm, do đó chúng ta sẽ phát triển vaccine cho căn bệnh này, giống như chúng ta đã phát triển vaccine ngừa virus corona cho bò hay chó.

Chi phí cho các chương trình nghiên cứu có thể tốn vài tỷ USD, nhưng sẽ có nhu cầu thật sự. So với bệnh cúm thì vaccine Covid-19 đơn giản hơn bởi nguyên nhân chỉ là một loại virus, thay vì cả chục loại như bệnh cúm", ông Kolchinsky nhận xét.

Liên kết nguồn tin: https://news.zing.vn/vi-sao-co-vaccine-ngua-virus-corona-cho-dong-vat-ma-chua-co-cho-nguoi-post1061829.html

Bình luận