Theo dòng sự kiện

Công nhận và thừa nhận mở ra cơ hội vàng cho hoạt động đánh giá sự phù hợp

23/02/2021, 14:43

TNNN - Đạt công nhận, thừa nhận quốc tế thì hoạt động đánh giá sự phù hợp của Việt Nam mới có cơ hội phát triển, đáp ứng được tiến trình hội nhập hiện nay.

Trước tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, các hiệp định thương mại tự do vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thương hàng hóa, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới, bao gồm những “rào cản kỹ thuật trong thương mại” (technical barriers to trade) với những quy định, tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng nhằm bảo hộ hàng hóa trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc, các hoạt động đánh giá sự phù hợp có thêm những cơ hội cũng như thách thức mới. 


Ông Trần Quốc Dũng khái quát về hoạt động đánh giá sự phù hợp trong khối ASEAN. Ảnh: Vũ Hải

Trao đổi về hoạt động đánh giá sự phù hợp trong khối ASEAN, ông Trần Quốc Dũng, Chủ tịch Nhóm công tác về đánh giá sự phù hợp của Uỷ ban tư vấn ASEAN về tiêu chuẩn và chất lượng (WG2 ACCSQ) cho biết, ASEAN đã xây dựng Hiệp định thương mại ASEAN, Hiệp định khung về các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN, Hướng dẫn về công nhận và đánh giá sự phù hợp.

Theo đó, các nhóm công tác của ACCSQ đã cùng trao đổi, giải quyết những quan ngại của các quốc gia để hướng tới thống nhất tiêu chuẩn sử dụng trong đánh giá sản phẩm. Các tiêu chuẩn được xây dựng nhằm đáp ứng xu hướng của doanh nghiệp trong áp dụng tiêu chuẩn quốc tế/ ASEAN; xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế cũng như các tiêu chí của tiêu chuẩn,…

Việt Nam cũng đã hài hòa phương thức đánh giá sự phù hợp phổ biến của thế giới theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17067; thống nhất cơ chế đánh giá, phê duyệt và đăng ký danh sách tổ chức đánh giá sự phù hợp được phê duyệt (như đối với nhóm điện – điện tử); tăng cường năng lực đánh giá sự phù hợp thông qua hợp tác với các đối tác nước ngoài thuộc EU, Mỹ, Đức,…

Ông Dũng cho biết, tính đến giữa năm 2020, khối ASEAN có 8.140 tổ chức đánh giá sự phù hợp được công nhận. Riêng Việt Nam có 1.849 tổ chức chứng nhận, 1.566 phòng thử nghiệm (trong đó có 133 phòng xét nghiệm y tế) và 108 phòng hiệu chuẩn.

Một số quốc gia trong ASEAN hiện vẫn chưa có hoặc có rất ít tổ chức đánh giá sự phù hợp (Phòng xét nghiệm y tế, hiệu chuẩn,…), đây là cơ hội để hoạt động đánh giá sự phù hợp của Việt Nam vươn tới, với điều kiện phải đạt công nhận, thừa nhận quốc tế - ông Dũng nhận định.

Khoản 5 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật: Đánh giá sự phù hợp là việc xác định đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý quy định trong tiêu chuẩn tương ứng và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đánh giá sự phù hợp bao gồm hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, công nhận năng lực của phòng thử nghiệm/ hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức giám định.

Cung cấp cái nhìn tổng quan về hệ thống đánh giá sự phù hợp quốc tế, trong đó nổi bật là sự sát nhập của 2 tổ chức lớn trong khu vực là Hiệp hội Công nhận phòng thí nghiệm Châu Á - Thái Bình Dương (APLAC) Tổ chức công nhận Châu Á-Thái Bình Dương (PAC), bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Văn phòng Công nhận năng lực đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng (AOSC) cho biết, đây là 2 tổ chức thành viên của Tổ chức công nhận Phòng thí nghiệm Quốc tế ILAC và Diễn đàn công nhận quốc tế IAF. Các tổ chức này đều đã đạt được các thỏa ước thừa nhận lẫn nhau (MRA hay MLA).

PAC và APLAC sát nhập đã đổi tên thành Hiệp hội Hợp tác Công nhận Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) và được APEC thừa nhận là Tổ chức Chuyên gia của APEC hỗ trợ cho công việc của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Sự phù hợp.

Hiện tại, APAC có 47 thành viên thuộc 29 nền kinh tế thuộc APEC, các thành viên này đã ký thỏa ước thừa nhận lẫn nhau; 17 thành viên thông tấn (hợp tác) của 13 nền kinh tế và 7 tổ chức liên kết. APAC-MRA là sự kết hợp của APLAC-MRA và PAC-MLA và được thừa nhận bởi ILAC-MRA và IAF-MLA.


Bà Nguyễn Thị Trang Nhung phân tích về hoạt động công nhận, thừa nhận. Ảnh: Vũ Hải

“APAC-MRA hình thành mạng lưới khu vực các tổ chức đánh giá sự phù hợp, bao gồm các Phòng thí nghiệm, tổ chức chứng nhận, giám định,… Tại Việt Nam, AOSC là 1 trong 2 tổ chức thành viên đáp ứng đủ các điều kiện ký APAC/ILAC - MRA đối với chương trình đánh giá công nhận năng lực cho phòng thử nghiệm/ hiệu chuẩn theo ISO/IEC 17025”, bà Nhung chia sẻ.

Còn theo ông Vũ Xuân Thủy, Giám đốc Văn phòng Công nhận chất lượng (BoA), giai đoạn từ năm 2015 đến nay, nền kinh tế Việt Nam phát triển tốt với tốc độ bình quân đạt 6,8%, GDP tăng 1,4 lần; Xuất nhập khẩu tăng 1,7 lần và mức GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2,750 USD.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế là những yếu tố tác động đến hoạt động đánh giá sự phù hợp: Chính sách quản lý; Ảnh hưởng của dịch Covid-19; Cạnh tranh thị trường; Sự đòi hỏi năng lực có thể liên tục thực hiện được các phương pháp thử mới, chất mới để phù hợp với sự thay đổi tại các quy định của cơ quan chức năng, tuân thủ quy trình của nước ngoài cũng như chương trình đánh giá sự phù hợp mới.

Ông Thủy nhận xét, hoạt động đánh giá sự phù hợp chịu rất nhiều áp lực do sự kiểm tra chồng chéo của nhiều đơn vị, cơ quan quản lý, khách hàng và cơ quan công nhận. Đồng thời, áp lực còn còn phát sinh mạnh mẽ ngay giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp do sự cạnh tranh khách hàng; giảm chi phí đánh giá và tìm kiếm chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực.

Một số thách thức khác được ông Thủy nhận định, đó là sự thích ứng của tổ chức đánh giá sự phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, năng lực nhân viên, cũng như các chính sách nhằm sẵn sàng thay đổi của tổ chức cho phù hợp với thời đại dịch covid-19 bùng phát,… chưa kịp thời và chưa toàn diện.

Tuy có rất nhiều thách thức đặt ra nhưng không vì thế mà “dập tắt” được hi vọng và cơ hội của hoạt động đánh giá sự phù hợp. “Nhu cầu của xã hội tăng, hoạt động kinh tế sôi động nên có nhiều cơ hội mới, trong đó bao gồm các chương trình đánh giá sự phù hợp mới: Đánh giá Khí gây hiệu ứng nhà kính (Greenhause Gas – GHG), Cơ chế giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế (CORSIA), Chứng chỉ rừng, Quản lý bền vững, Organic, GAP,…”.


Ông Vũ Xuân Thủy trình bày về những cơ hội của hoạt động đánh giá sự phù hợp. Ảnh: Vũ Hải

Ông Thủy chia sẻ và nhấn mạnh rằng, đại dịch Covid-19 là nguy cơ nhưng cũng đồng thời là cơ hội, mở ra nhiều lĩnh vực phân tích, thử nghiệm mới: thử covid trên bao bì sản phẩm, thử dioxin, huyết tương,… Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện cải tiến phương pháp, chính sách đánh giá từ trực tiếp sang trực tuyến từ xa, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí của cả tổ chức chứng nhận sự phù hợp cũng như của khách hàng.

“Thách thức luôn bao hàm cơ hội. Sự cạnh tranh sẽ giảm bớt nếu các tổ chức đánh giá sự phù hợp vươn lên trên thang năng lực. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp của cơ quan quản lý trong việc tiếp cận chính sách mới để có thể giảm áp lực kiểm tra, đánh giá đối với tổ chức đánh giá sự phù hợp”, ông Thủy nêu quan điểm.

Minh Quân

Bình luận