Theo dòng sự kiện

Phát huy vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công

28/05/2019, 02:15

Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công là một trong những giải pháp để cơ quan nhà nước tập trung vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý.

Đây cũng là nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội thảo “Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức sáng 15/5 tại Hà Nội. Tổng thư ký Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng dự và tham luận về nội dung “Xã hội hóa dịch vụ khoa học công nghệ: Cần lắm tâm và tầm của nhà quản lý”.


Quang cảnh hội thảo.

Tư nhân làm thay đổi chất lượng dịch vụ công

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu vấn đề: “Y tế, giáo dục có thể để tư nhân, xã hội làm được, vậy tại sao các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, các hoạt động phát triển kinh doanh, kết nối đào tạo... không để tư nhân tham gia”.

Chủ tịch VCCI cho rằng, phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân cung cấp các dịch vụ công sẽ mang đến nhiều lợi ích. Đặc biệt, lợi ích quan trọng nhất là “thoái sức” nhà nước ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công không cần thiết, thu gọn bộ máy quản lý nhà nước theo đúng chức năng cốt lõi. Bộ máy nhà nước tập trung vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thể chế là yếu tố quyết định cạnh tranh quốc gia. Đây là việc cơ quan nhà nước cần tập trung ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, việc mở cửa cho tư nhân tham gia cung cấp hàng hoá, dịch vụ xã hội mang lại rất nhiều các lợi ích thiết thực. Trong ngành bán lẻ, những cửa hàng mậu dịch quốc doanh thời bao cấp đã được thay thế bởi các siêu thị, chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại khắp mọi miền đất nước. Trong ngành vận tải ô tô, các doanh nghiệp vận tải quốc doanh dần thu hẹp, nhường chỗ cho hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp taxi, xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch, xe container, xe tải phục vụ hầu hết nhu cầu của xã hội.


Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu

Trong một số lĩnh vực vốn được xem là “sân chơi” riêng của các doanh nghiệp nhà nước hoặc các đơn vị sự nghiệp trước nay như dịch vụ chứng nhận sự phù hợp, sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, hàng không, điện lực, y tế, giáo dục, thể thao, điện ảnh, công chứng,… cũng đã có sự tham gia của tư nhân.

Cùng chung quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) khẳng định, “Sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ công đã góp phần gia tăng nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản trị, tạo động lực cạnh tranh khiến tất cả các đơn vị khi muốn tham gia cung cấp dịch vụ cũng đều phải nỗ lực để đưa ra được chất lượng tốt với giá thành phải chăng”.

Tham luận về “Nhu cầu và thực tiễn cung cấp dịch vụ sự nghiệp công tại Việt Nam: Kinh nghiệm tốt và những rào cản”, Tổng Thư ký Hội VinaLAB Nguyễn Hữu Dũng đã đề cập đến vấn đề “Xã hội hóa dịch vụ khoa học công nghệ: Cần lắm tâm và tầm của nhà quản lý”.

Theo đó, cơ chế quản lý hiện nay còn tồn tại một số hạn chế, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, trong đó phải kể đến tính bất ổn định của pháp luật, tính phân biệt đối xử giữa tổ chức tư nhân với tổ chức của nhà nước, quy định pháp luật còn lo, nghĩ hộ cho doanh nghiệp…

Ông Dũng nêu ví dụ: Trước năm 2017, các cơ sở sản xuất giống thủy sản phải đánh giá chứng nhận hợp quy điều kiện sản xuất theo quy chuẩn QCVN 02-15:2009/BNNPTNT. Khi Luật Thủy sản (2017) có hiệu lực, điều kiện sản xuất giống thủy sản lại phải chứng nhận như chứng nhận điều kiện sản xuất và được thực hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước (có phân cấp đến địa phương).

Hay như tại thời điểm trước ngày 02/02/2018, sản phẩm thực phẩm phải được công bố hợp quy và kèm theo là có dịch vụ chứng nhận hợp quy. Nhưng sau ngày này, khi Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định việc sản phẩm thực phẩm không bắt buộc phải chứng nhận hợp quy, hoạt động chứng nhận hợp quy thực phẩm nói chung và của VinaCert nói riêng cũng gần như bị bãi bỏ.

Như vậy, để triển khai hai dịch vụ chứng nhận hợp quy trên, các tổ chức chứng nhận đã đầu tư để đào tạo chuyên gia, hệ thống thử nghiệm vv… Nhưng chỉ sau 1 đêm, tất cả các đầu tư đó đã trở thành vô nghĩa, đó là nỗi lo sợ nhất của các nhà đầu tư.

Dẫn chứng về tính phân biệt đối xử giữa tổ chức tư nhân với tổ chức của Nhà nước, ông Dũng cho biết: Mặc dù Quyết định 97/2009/QĐ-TTg ban hành ngày 24/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ việc tư nhân được phép thành lập tổ chức khoa học công nghệ để thực hiện dịch vụ công nhận, nhưng do Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (2006) có đề cập đến điều kiện hoạt động của tổ chức công nhận là đơn vị sự nghiệp. Do đó, cơ quan quản lý mặc định rằng, đơn vị sự nghiệp là đơn vị nhà nước nên có tình trạng, đơn vị đã đăng ký hoạt động công nhận (có giấy phép kinh doanh 2009) nhưng vẫn không đăng ký hoạt động được mà phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh…

Xây dựng pháp luật phải dựa trên lòng tin

Trên cơ sở phân tích các tồn tại, hạn chế về cơ chế quản lý, ông Nguyễn Hữu Dũng đề xuất, để xã hội hóa dịch vụ công nói chung, dịch vụ khoa học công nghệ nói riêng và để các hoạt động này trở thành động lực thúc đẩy xã hội phát triển, rất cần cái tâm và tầm của nhà quản lý.

Để làm được điều đó, việc xây dựng pháp luật phải dựa trên lòng tin, các quy định pháp luật đó mới có tính nhân văn và dễ đi vào cuộc sống. Khi đó, pháp luật mới trở thành quy tắc chung, định hướng cho đối tượng lựa chọn cách ứng xử thích hợp.

Nếu áp dụng nguyên tắc này thì pháp luật phải đảm bảo cho đối tượng áp dụng sẽ có lợi khi thực hiện theo pháp luật. Có như vậy, việc thực thi pháp luật mới dễ dàng. Còn nếu, xây dựng pháp luật theo tinh thần cấm đoán, cho phép/không cho phép thì chắc chắn dân sẽ lách luật để làm sao có lợi nhất cho mình.

Một đặc thù là các tổ chức dịch vụ khoa học công nghệ thường có lực lượng lao động có học thức, có trình độ nên lực lượng lao động trong các tổ chức này rất dễ phản ứng tiêu cực với các quy định pháp luật kiểu cưỡng chế, không mang lại lợi ích gì cho xã hội. Khi có vấn đề thắc mắc thì các cơ quan quản lý nhà nước lại giải thích đó là quy định của pháp luật... Đấy là theo điều a của Nghị định X, điều b của Thông tư Y. Tuy nhiên, ai cũng hiểu cái Nghị định X, Thông tư Y đó do ai soạn thảo, ý tưởng quản lý kiểu đó là của ai, nhưng nay đã núp dưới một cái bóng rất lớn đó là “Pháp luật”.


Ông Nguyễn Hữu Dũng trình bày phát biểu

“Chúng ta đã bị ám ảnh câu của Karl Marx viết: “Nếu lợi nhuận lên đến 300% thì có treo cổ nhà tư bản lên, họ cũng sẽ làm”. Nhưng bản chất của câu này đâu phải hiểu theo nghĩa đen là “tư bản” sẵn sàng chết vì lợi nhuận, mọi giá vì lợi nhuận, mà phải hiểu, hình ảnh “treo cổ của những nhà tư bản” mà Marx muốn ám chỉ là một “sự phủ định”. Tức là, những nhà tư bản sẵn sàng phủ định chính mình vì sự phát triển, và “lợi nhuận” chỉ là một cách nói, một cách ví von về sự phát triển mà thôi. Hay nói cách khác, vì lợi nhuận thì một người trước là thù, nay cũng sẵn sàng là bạn. Đang tổ chức sản xuất như thế này nhưng vì lợi nhuận sẵn sàng thay đổi cơ cấu tổ chức sản xuất khác. Đó là thể hiện tính năng động của tư bản, nên chúng ta đừng sợ xã hội hóa cho tư nhân thì vì lợi nhuận, tư nhân sẵn sàng làm bậy”, ông Dũng chia sẻ.

 “Chúng ta phải thấy rằng, với tư nhân, khi họ thành lập ra một tổ chức thì đó toàn bộ là cơm, là gạo, là áo, là tiền của tư nhân đó. Nếu sai lầm là họ phải trả giá bằng tiền ngay lập tức và có thể phải trả giá bằng cả sự nghiệp, danh vọng của họ. Họ đâu có bị khiển trách, rút kinh nghiệm, chuyển công tác vv… Nên họ đâu có dễ dàng thỏa hiệp với cái làm bậy. Họ là những người có mong muốn làm đúng nhất và các nhà làm luật hãy cố gắng tạo điều kiện để họ làm đúng”, ông Dũng bày tỏ.

Nhà nước không "ôm việc" của doanh nghiệp

Phân tích quan điểm “nhà nước không ôm việc của doanh nghiệp”, ông Dũng cho biết, ý kiến này đã được Chính phủ và nhiều vị lãnh đạo cấp cao đề cập tới. Ttuy nhiên, trên thực tế, các văn bản hướng dẫn Luật còn thể hiện sự “ôm việc” của doanh nghiệp rất nhiều.

Theo ông Dũng, tư nhân là những người mong muốn có được lợi nhuận nhất nên sáng tạo, cải tiến chắc chắn là cách mà các tư nhân thường hay áp dụng nhất để nâng cao lợi nhuận của mình. Do vậy, để khai thác tối đa nguồn lực xã hội thì cái gì tư nhân làm được hãy để tư nhân làm. Có ý kiến cho rằng, tư nhân không đủ nguồn lực tài chính để đầu tư thử nghiệm kỹ thuật cao (có thiết bị có giá trị đến triệu USD). Tuy nhiên, nếu có cơ chế đảm bảo thì chỉ cần có cơ hội sinh lời thì bao nhiêu tiền cũng đã có ngân hàng lo. Nhà nước không phải lo doanh nghiệp thiếu tiền.

Nêu quan điểm về việc làm thế nào để đẩy mạnh thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức đánh giá sự phù hợp (công nhận, chứng nhận, giám định, thử nghiệm, hiệu chuẩn), Tổng Thư ký Hội VinaLAB cho biết, hiện nay, các tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam đã đủ mạnh, các cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh dạn sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong công tác quản lý của mình.

Trên thế giới, việc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp đã phổ biến. Các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đều quy định thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài, nhưng kết quả đánh giá của các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong nước thì lại không được thừa nhận. Việc thừa nhận này vừa làm giảm chi phí, vừa tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp mà lại còn làm giảm thủ tục hành chính trong việc thực hiện các dịch vụ công.

Phát huy vai trò của các hội nghề nghiệp

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, vai trò của các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ khoa học công nghệ còn rất thấp, chưa có sự gắn kết thực sự và chưa thể hiện được vai trò của mình trong xã hội.

“Nhà nước sẽ tăng cường hơn nữa vai trò định hướng, tạo cơ chế và giám sát hiệu quả đối với khu vực kinh tế tư nhân khi tham gia đầu tư dịch vụ công, để khu vực này có thêm nhiều cơ hội và hoạt động hiệu quả khi đầu tư dịch vụ công", ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.

“Nguyên nhân một phần là do sức ảnh hướng của các hội này với các cơ quan quản lý nhà nước còn rất thấp. Thực tế có rất nhiều việc cơ quan quản lý có thể giao cho các hội này thực hiện như: Tổ chức xây dựng tiêu chuẩn; Tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề vv...  còn cơ quan quản lý chỉ cần kiểm tra giám sát. Sẽ là khôn ngoan nếu biết cách khai thác tận dụng các nguồn lực xã hội cho công việc của mình”, Tổng Thư ký Hội VinaLAB giải thích.

Cùng với việc phải từng bước quy hoạch hoạt động các tổ chức đánh giá sự phù hợp, ông Dũng cũng đề xuất việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu về kết quả đánh giá sự phù hợp. Theo đó, rất cần có một cơ sở dữ liệu về lĩnh vực đánh giá sự phù hợp được cập nhật theo nguyên tắc JUST IN TIME (kịp thời)...

Tham luận của Tổng Thư ký Nguyễn Hữu Dũng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và chia sẻ của đại diện các hiệp hội, hội ngành nghề, chuyên gia độc lập, đại diện cơ quan quản lý nhà nước…

 

VinaLAB

Bình luận