Theo dòng sự kiện

Áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng

03/09/2019, 02:29

Áp dụng khoa học công nghệ đã giúp hàng chục nghìn doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.

Nhằm phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng các giải pháp khoa học và công nghệ (KH&CN) để nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) vừa tổ chức hội thảo “Các giải pháp Khoa học và Công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng”.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Tổng cục TCĐLCL, Sở KH&CN, Chi cục TCĐLCL một số tỉnh, thành phố.

Theo Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh, sau hơn 7 năm triển khai các hoạt động tư vấn, hướng dẫn của chương trình, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước tiếp cận, nắm bắt và làm chủ một số công nghệ quản lý tiên tiến.

Theo đó, việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng (NSCL), áp dụng các tiêu chí quản lý của mô hình Giải thưởng chất lượng Quốc gia… đã giúp cho hàng chục nghìn doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, qua đó nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.

“Đây là kết quả rất quan trọng vì quan điểm chủ đạo của chương trình là: Nhà nước tạo nền tảng, hỗ trợ cho việc nâng cao năng suất và chất lượng; doanh nghiệp đóng vai trò chủ yếu trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa”, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh chia sẻ.

Cũng theo ông Vinh, hoạt động truy xuất nguồn gốc và quản lý hoạt động này đang là vấn đề được quan tâm đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang có những diễn biến phức tạp.

Truy xuất nguồn gốc sẽ là giải pháp hữu hiệu, giúp người tiêu dùng hiểu rõ về xuất xứ, chất lượng hàng hóa mà mình lựa chọn; giúp doanh nghiệp khẳng định sự minh bạch, xây dựng hình ảnh, tăng khả năng cạnh tranh; giúp các cơ quan quản lý có thể truy xuất thông tin nhanh chóng chính xác, qua đó hạn chế nạn sao chép, làm giả sản phẩm…

Để tiếp tục các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL, khả năng cạnh tranh, gắn với phát triển bền vững, bên cạnh việc tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm về áp dụng hệ thống, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” (Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019).

Đề án do Bộ KH&CN đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa; nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc; đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.

PV

Bình luận