Theo dòng sự kiện

Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ

07/09/2023, 19:38

TNNN - Chiều 07/9/2023, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức Hội thảo “Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ”.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, 35 năm qua, đầu tư nước ngoài có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ bản của nền kinh tế. Đồng thời, đầu tư nước ngoài đã tác động tích cực đến cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bộ máy quản lý nhà nước, cải thiện uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, tính đến nay Việt Nam có 38.084 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 453,26 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế ước đạt gần 287,1 tỷ USD. Riêng 8 tháng năm 2023, Việt Nam thu hút được 1.924 dự án mới, 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư và 22.268 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 18,15 tỷ USD.

Thời gian qua, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ đã đạt được một số kết quả tích cực. Việt Nam đã bước đầu đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao với các dự án như Intel, Samsung…

Việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam khiến thị trường nội địa đang mở rộng nhanh chóng. Tuy nhiên, để giữ chân được những tập đoàn công nghệ lớn này, ngoài giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách ưu đãi thuế, phí phù hợp, Việt Nam cần chuẩn bị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, hạ tầng xã hội và nhân lực chất lượng cao.

Cùng với đó, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng là nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ thông qua áp lực cạnh tranh, áp dụng các mô hình sản xuất mới của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để phát triển và thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa. Các doanh nghệp trong nước đang từng bước tham gia chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.


Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định phát biểu tại hội thảo.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, thu hút đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, tạo nhiều công ăn, việc làm cho người dân, đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách cho Nhà nước...

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thu hút hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài (FDI); thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tham luận tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Lê Hùng cho biết, để thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao, Việt Nam đã có các ưu đãi về thuế suất: Thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 15 năm (một số trường hợp đặc biệt được kéo dài thời gian hưởng ưu đãi về thuế suất 10% trong 30 năm).

Đối với dự án đầu tư vào khu công nghệ cao (do Thủ tướng Chính phủ thành lập), dự án ứng dụng công nghệ cao, thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi quy định được tính từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ dự án.


Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Lê Hùng trình bày tham luận tại hội thảo.

Đối với doanh nghiệp công nghệ cao (được Bộ KH&CN cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định). Thời gian áp dụng tính từ thời điểm cấp Giấy chứng nhận…

Bên cạnh đó còn có một số ưu đãi đặc biệt khác: Ưu đãi đối với dự án có quy mô lớn; Ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án R&D và dự án đầu tư quy mô lớn có đủ điều kiện quy định tại Luật Đầu tư (Quyết định 29/2021/QD-TTg). Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau tùy thuộc vào một số tiêu chí. Gói ưu đãi nhất bao gồm thuế suất ưu đãi 5% trong thời gian 37 năm, miễn thuế 6 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 13 năm tiếp theo. Ngoài ra còn được miễn/giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước có thời hạn

Liên quan đến thực trạng thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời gian qua, ông Đặng Đình Tùng, vụ phó Vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, từ tháng 7/2018 đến hết năm 2022, có 400 hợp đồng chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam, nhưng đây là hoạt động chuyển giao công nghệ giữa công ty mẹ với công ty con, công nghệ không lan tỏa đến khu vực trong nước. Các hợp đồng chuyển giao công nghệ chủ yếu đến từ nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, ASEAN. Các lĩnh vực có doanh nghiệp FDI đăng ký chuyển giao công nghệ gồm điện tử, viễn thông, ô tô, xe máy, dược phẩm, y tế, hóa dầu, mỹ phẩm, khai thác chế biến khoáng sản, xây dựng.


TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham luận tại hội thảo.

Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như: Samsung, LG, General Electric, Intel, Panasonic, Toyota… có dự án đầu tư tại Việt Nam nhưng chỉ có 2 tập đoàn Samsung, LG đầu tư trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) tại Hà Nội.

Chia sẻ về hoạt động chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chuyển giao công nghệ, tác động lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước là mục tiêu cao nhất khi thu hút đầu tư FDI nhưng nhìn lại 30 năm thu hút FDI thì dường như không thay đổi.

Theo ông Thắng, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam những năm qua chỉ tạo ra tác động lan tỏa giữa các doanh nghiệp cùng ngành. Và thông thường lan tỏa qua 4 kênh như: các doanh nghiệp nội địa copy được công nghệ của doanh nghiệp FDI; chuyển dịch lao động từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước, người lao động mang theo kỹ năng, công nghệ vào doanh nghiệp trong nước; sức ép cạnh tranh đầu vào và đầu ra với các FDI có xu hướng xuất khẩu, điều này buộc doanh nghiệp trong nước phải thay đổi công nghệ vì sức ép; kênh liên kết dọc, liên kết ngang giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận, thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến định vị vai trò của các doanh nghiệp trong nước khi tiếp nhận các công nghệ mới của doanh nghiệp FDI, những khó khăn, vướng mắc về thực thi chính sách để từ đó khuyến nghị những giải pháp phù hợp chuẩn bị đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao thời gian tới.

Vũ Hải

Bình luận