Theo dòng sự kiện

Công nghệ blockchain - nền tảng quản trị tòa soạn số

17/08/2023, 18:08

TNNN - Blockchain có thể bảo đảm rằng bài viết không bị thay đổi sau khi được công bố (bởi người quản trị hoặc tin tặc). Điều này giúp đối tác và độc giả tin tưởng vào tính chính xác và đáng tin cậy của nội dung.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị toà soạn số” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới của báo chí số, công nghệ số: Hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung đã hình thành và đang phát triển mạnh mẽ.

“Để thực hiện được việc này, cần có một sự “tích hợp” và “hội tụ” cả về nội dung lẫn hình thức xuất bản của một tờ báo, theo đó mô hình “tòa soạn số” trở thành xu thế tất yếu”, đồng chí Lê Quốc Minh đặt vấn đề và phân tích: Xây dựng tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện bộ mặt của ngành báo chí; giúp các toà soạn chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm.

Tòa soạn số cũng là tiền đề để tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo để báo chí chính thống giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội. Trong số những công nghệ sẽ có tác động mạnh mẽ tới hoạt động báo chí, truyền thông hiện nay thì nổi bật là vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (blockchain) trong quản lý tòa soạn số, trong tổ chức sản xuất sản phẩm cũng như phát hành các sản phẩm báo chí truyền thông.


Hội thảo nhận được nhiều bài tham luận của các chuyên gia, đại diện các đơn vị về ứng dụng công nghệ trong toà soạn, cơ quan báo chí.

Dựa trên thực tế đó, Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số” đã tiếp tục công bố các nghiên cứu chuyên sâu về ứng dụng AI; giới thiệu về blockchain và mở rộng các nội dung thảo luận nhằm tìm kiếm sáng kiến ứng dụng công nghệ số trong mọi bước, mọi khâu, mọi lớp cấu trúc của toà soạn số, thực tiễn và kinh nghiệm quản trị tòa soạn số ở các cơ quan báo chí - từ vấn đề quản trị tác quyền và sở hữu trí tuệ, đến phân phối và quản lý nội dung, quản trị nhân sự, quản trị công nghệ, quản trị kinh doanh và kinh tế báo chí.

Chia sẻ về ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động sản xuất tin tức, video tự động dựa trên từ khoá, TS. Trần Tiến Công - Khoa Công nghệ Thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, công nghệ AI có thể tạo sinh văn bản và tự động tích hợp công nghệ trong các toà soạn thời đại số. Những công nghệ này có thể được dùng để tạo ra những video phù hợp nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm thời gian tạo nội dung văn bản, ảnh và video…

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế của việc áp dụng công nghệ AI, blockchain, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, việc sử dụng công nghệ báo chí tự động mà không có sự kiểm soát sẽ gây ra sự “hỗn loạn”.


Hội thảo do các đồng chí:
Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; PGS. TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT; PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; TS. Tạ Bích Loan, Trưởng ban Sản xuất các chương trình giải trí (VTV3), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chủ trì.

Hội thảo bao gồm 2 phiên: Giải pháp công nghệ trong quản trị tòa soạn số; Thực tiễn ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số ở Việt Nam. Đây là dịp để các nhà khoa học, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo báo chí truyền thông chia sẻ kinh nghiệm, chỉ dẫn cụ thể về việc các cơ quan báo chí đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ trong xây dựng và quản trị tòa soạn ở cơ quan báo chí của mình. Đồng thời là những gợi mở về cách thức triển khai mô hình tòa soạn số, trong đó có công nghệ blockchain và AI, từ đó góp phần thúc đẩy hiệu quả chuyển đổi số cơ quan báo chí và hướng tới một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Để giải quyết vấn đề này, TS. Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu CMC, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhận định, blockchain có thể được ứng dụng trong báo chí để xác thực và bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung. “Hiểu đơn giản blockchain là một cơ sở dữ liệu phân tán, được sử dụng để lưu trữ thông tin một cách an toàn và bảo mật và minh bạch.” - TS Đặng Minh Tuấn giải thích.

Cụ thể, blockchain có thể bảo đảm rằng bài viết không bị thay đổi sau khi được công bố (bởi người quản trị hoặc tin tặc). Điều này giúp đối tác và độc giả tin tưởng vào tính chính xác và đáng tin cậy của nội dung, đồng thời giúp người đọc có thể “truy xuất nguồn gốc” thông tin vừa tiếp nhận. Đây là cơ sở quan trọng để độc giả phân biệt tin thật và tin giả. Blockchain được ví như “thiên địch” của tin giả do trí tuệ nhân tạo sản xuất.

Bàn về ứng dụng NFT trong bản quyền nội dung và tác phẩm số, TS. Đặng Minh Tuấn dẫn dắt: “Kế thừa các ưu điểm của blockchain, NFT là duy nhất và không thể thay thế. Toà soạn có thể tạo ra NFTs để đại diện cho các tác phẩm số, bài viết, hình ảnh, video, âm nhạc và nhiều loại nội dung khác. Mỗi NFT sẽ bảo đảm tính duy nhất và không thể thay đổi của tác phẩm. Đặc điểm này giúp nhà báo bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đồng thời ngăn chặn việc “đạo văn”, “đạo báo”. Việc xây dựng các bộ sưu tập NFTs độc đáo và đặc biệt, liên quan đến các chủ đề, sự kiện hoặc nhân vật nổi tiếng có thể là một nguồn thu nhập tốt của toà soạn, bởi độc giả có thể bỏ tiền mua để sưu tập các NFTs này và sở hữu một phần lịch sử, nội dung của toà soạn.”

Còn theo ông Huỳnh Long Thủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VieOn, để khán giả xem trọn 100% nội dung cung cấp, việc cá nhân hóa người dùng và khuyến nghị nội dung phù hợp là đặc biệt quan trọng. “Nếu Youtube đề xuất nội dung theo từ khóa thì Tiktok khuyến nghị người dùng theo từng frame hình. Từ đó, họ đưa ra phân tích dữ liệu và quảng cáo phù hợp.” – ông Long phân tích.

Chia sẻ về kết quả chuyển đổi số, PGS. TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ BCVT cho biết: “Là một trong Top 5 trường đại học đào tạo hàng đầu về ICT, Học viện cũng là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành truyền thông và báo chí số cho xã hội. Hiện tại Học viện đã có những sản phẩm lai ghép nghiên cứu về lĩnh vực báo chí nổi bật như công nghệ AI trong sản xuất tin tức và video tự động dựa trên từ khóa; công nghệ deepfake, AR, VR,… Bên cạnh đó là những giải pháp lắng nghe mạng xã hội (social listening), phục vụ cho các hoạt động quản trị truyền thông của đơn vị và các khách hàng có nhu cầu.”

“Đây là hội thảo rất lớn trong mảng chuyển đổi số ở lĩnh vực báo chí truyền thông và đã nhận được 12 tham luận từ chuyên gia công nghệ, nhà báo, các nhà quản lý báo chí gửi về Ban tổ chức. Điều này cho thấy chủ đề mà Hội thảo đưa ra là một vấn đề hết sức “nóng”, thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học, chuyên gia và các cơ quan báo chí trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay.” - PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.

PV/TNNN

Bình luận