Định hướng đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể vùng ĐBSCL trong giai đoạn mới
TNNN – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu cùng các địa phương, hợp tác xã vùng Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản có nền tảng dữ liệu chuyển đổi số nông nghiệp vào cuối năm 2023.
Ngày 7/4, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội nghị “”Định hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16 tháng 06 năm 2022, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.
Hội nghị nhằm đánh giá hiện trạng, vai trò của hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đề ra các định hướng, giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp bền vững trong vùng những năm tiếp theo.
Quang cảnh hội nghị
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn - Lê Đức Thịnh, tính đến hết năm 2022, Tính đến hết năm 2022, vùng ĐBSCL có 2.615 HTX nông nghiệp và 20 Liên hiệp HTX nông nghiệp, chiếm 13,4% tổng số HTX nông nghiệp toàn quốc. So với thời điểm năm 2016, tổng số HTX nông nghiệp cả vùng tăng gấp hơn 2 lần (khi đó cả vùng có 1.251 HTX nông nghiệp). Trung bình mỗi tỉnh vùng ĐBSCL có 194 HTX. Hầu hết các tỉnh trong vùng ĐBSCL có từ 100 đến 200 HTX.
Các HTX nông nghiệp của ĐBSCL tập trung nhiều ở 02 lĩnh vực: trồng trọt (lúa, cây ăn quả) là 1.266 HTX, chiếm 52% tổng số HTX NN của vùng; nuôi trồng thủy sản (tôm, cá) là 327 HTX, chiếm 13,5 tổng số HTXNN của vùng. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp, khai thác thủy sản, cung cấp nước sạch nông thôn chiếm tỷ lệ thấp.
Tham luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - Nghiêm Xuân Thành cũng đã chỉ ra một số hạn chế của HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL: Tuy có số lượng HTX nông nghiệp chiếm gần 90% trong các HTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, thời gian qua các HTX cũng đã có sự cải thiện về cơ cấu tổ chức, đặc biệt là cơ cấu lại HTX, thành lập HTX mới, HTX có sự liên kết với các thành viên với nhau, tạo thành chuỗi phát triển kinh tế nông nghiệp, tiêu thụ hàng hóa,... nhưng kết quả đạt được còn khiêm tốn.
“Nhà nước cần có cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển bền vững”, ông Nghiêm Xuân Thành, kiến nghị.
Đồng quan điểm trên, đại diện cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đã tham luận về những khó khăn, hạn chế đang gặp phải, những yêu cầu đặt ra để phát triển vùng nguyên liệu gắn với phát triển hợp tác xã nông nghiệp; thực trạng và kết quả triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể gắn với xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực của các địa phương; chia sẻ kinh nghiệm chỉ đạo của lãnh đạo các tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua.
HTX bền vững hướng tới kinh tế nông nghiệp tuần hoàn
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ông Lê Minh Hoan cho rằng: HTX mạnh hay yếu, bền vững hay không, không chỉ giới hạn ở không gian HTX, trong số thành viên HTX, trong sự đóng góp tăng trưởng GRDP của địa phương, mà còn tác động tới sự bền vững của không gian sản xuất nông nghiệp, hình ảnh của nền nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị.
“Chúng ta hãy đặt định hướng phát triển bền vững trong không gian rộng lớn hơn như vậy, chúng ta mới thấy cần hành động quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, từ trên xuống dưới, từ dưới lên, bên trong và bên ngoài HTX.”, Bộ trưởng nói.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển HTX bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh rằng, HTX bền vững giúp chúng ta mới vượt qua thực trạng nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Khi đó, thu nhập của nông dân được tăng thêm nhờ lợi thế quy mô; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
HTX bền vững tạo ra chuỗi ngành hàng, từ đó tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, hướng tới mục đích kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; giá trị nông nghiệp không chỉ là quy mô sản lượng, mà còn tối đa hóa giá trị tích hợp, sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đang cùng các địa phương trong vùng thực hiện chuyển đổi số, số hóa các hợp tác xã, vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, mã vùng nuôi, phấn đấu cuối năm 2023 cơ bản có nền tảng dữ liệu chuyển đổi số nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; phối hợp Ngân hàng NN&PTNT thiết kế các gói tín dụng riêng cho hợp tác xã ở vùng nằm trong Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương quan tâm đúng mức tới HTX, từ trong nhận thức đến hành động, từ trong hệ thống chính trị, từ ban hành các nghị quyết, chương trình hành động với mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể, có thể đo lường được. Cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, truyền thông nâng cao nhận thức của cả xã hội về HTX. Các trường chính trị địa phương cần đưa HTX vào giảng dạy cho đội ngũ cán bộ các cấp theo Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022. Bộ NN&PTNT sẽ chuẩn bị đề cương, giáo trình tập huấn cho giảng viên các trường chính trị.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ chỉ đạo các cơ quan của Bộ, Cục KTHT&PTNT, Trung tâm Khuyến nông quốc gia… thông qua Văn phòng điều phối nông nghiệp nông thôn của Bộ sẽ có những kế hoạch đổi mới sản phẩm cụ thể đối với từng địa phương.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng gợi ý lấy ngày mùng 07 tháng 04 hàng năm là thời gian định kỳ tổ chức Ngày HTX ở cấp độ địa phương, cấp độ vùng nhằm tôn vinh các HTX mạnh, hiệu quả, năng động, có nhiều sáng kiến giá trị lan tỏa cộng đồng./.
PV