Theo dòng sự kiện

Làm gì để đạt 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ trong năm 2020?

07/02/2020, 13:42

TNNN- Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Bộ sẽ tập trung các giải pháp đảm bảo hoàn thành mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp KH&CN trong năm 2020.

Con đường "gian nan"

Theo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tính đến thời điểm này, cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp đủ điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN theo tiêu chí doanh nghiệp KH&CN, bao gồm 468 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN tính đến tháng 8/2019; 36 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao (19 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao và 17 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao); hơn 800 doanh nghiệp đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp chưa đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN; hơn 1.400 doanh nghiệp phần mềm trong lĩnh vực công nghệ thông tin; hơn 400 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Để phấn đấu đạt mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp KH&CN trong năm 2020, ngày 1/2/2019 Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN, có hiệu lực từ ngày 20/3/2019; đã có nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy việc hình thành và phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp KH&CN trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, để đạt mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp KH&CN vào năm 2020 là chặng đường đầy "gian nan", cần sự chung tay, phối hợp giữa các cấp, ngành trong ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ...

Bởi trên thực tế, lượng doanh nghiệp KH&CN chưa nhiều như kỳ vọng nhưng đã tác động tới phát triển kinh tế-xã hội khá rõ nét, tạo ra xu hướng phát triển KH&CN trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng thăm quan gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp KH&CN tại Techfest Vietnam tại Hải Phòng năm 2018.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, trước thực tế tiềm năng phát triển lực lượng doanh nghiệp KH&CN, từ nay đến hết năm 2010, Việt Nam có thể đạt mục tiêu đề ra là hình thành 5.000 doanh nghiệp KH&CN. Bởi thực tế tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký doanh nghiệp KH&CN.

Đây cũng là rào cản làm chậm mục tiêu đề ra, bởi nhiều doanh nghiệp hiện nay đang hưởng các ưu đãi ở lĩnh vực khác với mức cao hơn hoặc tương đương. Bên cạnh đó, nhận thức của một số bộ, ngành, địa phương về vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội chưa thực sự đầy đủ dẫn đến một số ưu đãi cho doanh nghiệp KH&CN chưa đồng bộ với hệ thống các chương trình, đề tài của các ngành, các cấp...

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm qua ở mức thấp nên nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN nói chung không đảm bảo... nên nếu chỉ tính doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN thì khó đạt được mục tiêu đề ra, nhưng nếu tính doanh nghiệp đạt tiêu chí và tương đương doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN thì có thể đạt mục tiêu đề ra là đến năm 2020 hình thành 5.000 doanh nghiệp KH&CN.

Bộ KH&CN quyết tâm cao, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, việc thực hiện mục tiêu năm 2020 Việt Nam sẽ có 5.000 doanh nghiệp KH&CN hiện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề cơ chế, chính sách. Nhằm bảo đảm tính khả thi của mục tiêu đề ra, Bộ KH&CN đã và đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó bám sát các kế hoạch sửa đổi một số Luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Thuế thu nhập doanh nghiệp,… và các văn bản hướng dẫn các Luật trên để bổ sung các quy định về hỗ trợ ươm tạo, hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN nhằm bảo đảm sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan chức năng thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN.

Đồng bộ hóa hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gồm: Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành… để bảo đảm các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian; cơ chế giao quyền sở hữu/quyền sử dụng kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu; cơ chế đánh giá, thẩm định, công nhận kết quả nghiên cứu không sử dụng ngân sách nhà nước; chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ… được thực hiện thống nhất, khả thi và phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương hội nhập quốc tế của đất nước.

Đối với các tỉnh, thành phố, tăng cường xây dựng và triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN; chương trình hỗ trợ ươm tạo, thành lập và phát triển doanh nghiệp; triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025; phối hợp với các bộ, ngành tăng cường giải pháp về đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN. Hình thành các cơ sở ươm tạo tiệm cận với mô hình ươm tạo của các nước khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.


Bộ KH&CN cho biết sẽ tập trung tối đa các nguồn lực để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN hệ. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tích cực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN thông qua các hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, hoạt động chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN. Đồng thời, đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN, hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp KH&CN, khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Cùng chia sẻ về các giải pháp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết thêm, Bộ sẽ tập trung ban hành chính sách thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung nhằm hình thành các cơ sở ươm tạo tiệm cận với mô hình ươm tạo của các nước trong khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh công tác quản lý đảm bảo mục tiêu phát triển 5.000 doanh nghiệp KH&CN năm 2020; Hỗ trợ các hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, chứng nhận doanh nghiệp KH&CN; Hỗ trợ các Sở KH&CN địa phương rà soát, nhận diện doanh nghiệp đủ điều kiện để trở thành doanh nghiệp KH&CN; Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN tại địa phương...

Đặc biệt, tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp KH&CN, nâng cao giá trị thương hiệu doanh nghiệp KH&CN để những doanh nghiệp nayfh trở thành một thương hiệu mạnh, có lợi thế cạnh tranh khi được cấp chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Liên kết nguồn tin: Bảo Lâm/ http://vietq.vn/lam-sao-de-hien-thuc-hoa-muc-tieu-5000-doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe-trong-nam-2020-d169225.html

Bình luận