Theo dòng sự kiện

Năng suất, chất lượng là động lực phát triển kinh tế, xã hội

25/04/2021, 12:01

TNNN – Giải thưởng Chất lượng Quốc gia vừa được trao tặng 116 doanh nghiệp, bao gồm 61 doanh nghiệp thuộc danh sách năm 2019 và 55 doanh nghiệp thuộc danh sách năm 2020.

Sáng 25/4/2021, tại hội trường Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ long trọng tổ chức lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2019 và 2020. Buổi lễ có sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, lãnh đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố cùng đại diện 116 doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong nâng cao năng suất, chất lượng.


Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Giải thưởng Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương
tặng 4 doanh nghiệp. Ảnh: Vũ Hải.

Được thiết lập trên cơ sở 7 tiêu chí của hệ thống các giải thưởng chất lượng quốc gia tiên tiến, thuộc hệ thống Giải thưởng chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia  rất khắt khe từ các tiêu chí đầu vào, phải qua nhiều vòng xét duyệt, kết hợp cả hệ thống tự chấm điểm, chuyên gia đánh giá, kiểm tra thực địa và có hiệp y với UBND các tỉnh, thành phố, nên kết quả xét chọn đảm bảo tính khách quan, minh bạch.

Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chúc mừng các doanh nghiệp được trao giải và khẳng định rằng, đây là giải thưởng cao nhất trong hệ thống pháp luật về chất lượng, sản phẩm hàng hóa do Thủ tướng trao tặng.

"Các doanh nghiệp được trao giải là các doanh nghiệp tiêu biểu, là biểu tượng của tinh thần đổi mới sáng tạo đã kết tinh vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tiêu biểu cho trí tuệ, công nghệ và sản phẩm Việt Nam", Bộ trưởng nói.


Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định: "Năng suất, chất lượng là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Nếu vận dụng và phát huy hiệu quả, chất lượng sẽ là bệ phóng vững chắc để các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên". Ảnh: Vũ Hải.

Dẫn thực tiễn thành công của nhiều doanh nghiệp, nhiều quốc gia đã khẳng định chất lượng là nền tảng để phát triển, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp được tặng Giải thưởng sẽ tiếp tục chủ động phát huy sức sáng tạo, nâng cao vị thế của hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên cả thị trường trong nước và ở nước ngoài.

“Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục chủ động, tích cực hơn nữa trong việc thiết lập các chính sách để doanh nghiệp không chỉ được tôn vinh, còn được hưởng các ưu đãi về tiếp cận và phát triển thị trường, nâng cao năng suất chất lượng, hỗ trợ đổi mới sáng tạo... để tạo động lực mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm”. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ và nhấn mạnh rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ nỗ lực nâng tầm ảnh hưởng, để Giải thưởng chất lượng quốc gia ngày càng đi vào chiều sâu, lan toả rộng khắp trong cả nước và trở thành chuẩn mực để nhiều doanh nghiệp hướng tới.

Theo ghi nhận của Ban tổ chức, sau 25 năm, đã có 2.030 lượt doanh nghiệp được nhận giải, mang lại uy tín cũng như thúc đẩy doanh nghiệp không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam với các nền kinh tế khu vực, thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 với những tác động nghiêm trọng đến mọi hoạt động của nền kinh tế, các ngành đều bị ảnh hưởng, kể cả dịch vụ, chế biến chế tạo đến các ngành công nghệ cao. Tuy nhiên, dù phải thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa chống dịch và phát triển kinh tế, nhưng nhiều doanh nghiệp đã đứng vững, khẳng định năng lực thế mạnh của mình, đảm bảo việc làm cho người lao động. Đáng ghi nhận là đã có nhiều doanh nghiệp vẫn có sự phát triển và tăng trưởng ấn tượng, điển hình như các doanh nghiệp tiêu biểu được Thủ tướng tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2019 và 2020.

Doanh nghiệp nhận Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cần đạt đủ bảy tiêu chí với tổng điểm là 1.000, trong đó: Vai trò của lãnh đạo (120 điểm); hoạch định chiến lược (85 điểm); định hướng vào khách hàng và thị trường (85 điểm); đo lường, phân tích và quản lý tri thức (90 điểm); quản lý, phát triển nguồn nhân lực (85 điểm); quản lý quá trình hoạt động (85 điểm); kết quả hoạt động (450 điểm).

Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh rằng, "Các doanh nghiệp đã nỗ lực tuân thủ các tiêu chí và đạt được Giải thưởng", buổi lễ hôm nay chính là dịp để ghi nhận những đóng góp và thành công không ngừng của doanh nghiệp đạt giải, đồng thời khích lệ những doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thiện mình để vươn tới sự phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Để tiếp tục nâng cao và phổ biến những giá trị của Giải thưởng đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục hoàn thiện và triển khai có hiệu quả hơn nữa hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia trên toàn quốc, để Giải thưởng thực sự mang lại ý nghĩa sâu sắc, có tác dụng tôn vinh, quảng bá các doanh nghiệp luôn đổi mới, áp dụng các giải pháp tiên tiến để sản phẩm đạt năng suất và chất lượng tốt”. Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết.

Giải thưởng Chất lượng Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai từ năm 1995, theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Giải thưởng này thuộc hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) của Tổ chức Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương từ năm 1999. Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì tổ chức, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là đơn vị thực hiện hoạt động xét tặng hàng năm từ cấp Trung ương đến địa phương.

Giải thưởng được tổ chức nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; phát triển nguồn lực, tạo bước chuyển biến về năng suất, chất lượng của các sản phẩm, hàng hoá, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vũ Hải

Bình luận