NFSI phối hợp với Cục ATTP đào tạo Thực hành sản xuất tốt GMP
Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (NFSI) phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa tổ chức thành công khóa tập huấn “Thực hành sản xuất tốt (GMP) trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe”.
Khóa đào tạo diễn ra trong hai ngày 27/7 và 28/7/2019, tại Hà Nội.
Học viên tham gia khóa đào tạo đến từ các tổ chức, doanh nghiệp: Chi cục An toàn thực phẩm Điện Biên, Quảng Ngãi, Công ty Hóa Sinh Việt Nam, Công ty TNHH Nuôi trồng Sản xuất và chế biến Dược liệu Đông Bắc, Công ty Cổ phần Dược liệu Cao Sơn, Công ty CP ANABIO® Research & Development, Công ty CP liên doanh dược phẩm TPP-France, Công ty CP Chứng nhận và Giám định VinaCert…
Theo các học viên tham gia khóa đào tạo, Thông tư số 18/2019/TT-BYT có những biểu mẫu, hướng dẫn rất chi tiết cho Thực hành sản xuất tốt trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Ảnh minh họa/internet.
Để thực hiện mục tiêu sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng, ngày 17/7/2019, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-BYT Hướng dẫn Thực hành sản xuất tốt (GMP) trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Thông tư 18/2019/TT-BYT hướng dẫn chi tiết: (1) Nguyên tắc, quy định Thực hành sản xuất tốt thực phẩm bảo vệ sức khỏe và việc áp dụng GMP đối với cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong nước; (2) Các chứng nhận tương đương với Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu GMP đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu.
Theo đó, cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong nước phải đáp ứng các nguyên tắc, quy định GMP: Cơ sở sản xuất phải có hệ thống bảo đảm chất lượng được xây dựng, thiết kế toàn diện, kết hợp với thực hành sản xuất tốt và kiểm soát chất lượng hướng đến mục tiêu chất lượng đề ra; Hệ thống bảo đảm chất lượng phải được xây dựng thành bộ văn bản hoàn chỉnh với các nguồn lực thực thi bao gồm nhà xưởng, thiết bị, nhân lực đầy đủ; Phải kiểm soát chất lượng, theo dõi sản phẩm trong quá trình lưu thông và các vấn đề liên quan đến GMP, cho phép truy xuất lịch sử của lô sản phẩm, từ khi tiếp nhận nguyên liệu ban đầu đến khi phân phối thành phẩm…
Thông tư cũng quy định cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong nước phải có quy trình sản xuất được phê duyệt cho mỗi sản phẩm cụ thể bao gồm các quy định chi tiết, rõ ràng về hoạt động sản xuất, kiểm soát chất lượng để đảm bảo thu được sản phẩm đạt chất lượng, đồng nhất, ổn định. Kết quả thực hiện cho từng lô sản phẩm phải được ghi chép đầy đủ, rõ ràng và lưu giữ theo quy định.
Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất phải có hệ thống quản lý chất lượng được thiết lập phù hợp với bộ phận kiểm soát chất lượng hoạt động độc lập so với bộ phận sản xuất và hoạt động hiệu quả để bảo đảm sản phẩm được sản xuất theo các điều kiện, quy trình phù hợp và đáp ứng được tiêu chuẩn xác định.
Đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đã được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phảm còn hiệu lực mà chưa có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì kể từ ngày 01/7/2019 phải nộp bổ sung Giấy chứng nhận trước khi sản xuất…
Với ý nghĩa đó, khóa tập huấn đã tập trung làm rõ yêu cầu nêu tại 10 nội dung của Thông tư 18/2019/TT-BYT, gồm: (1) Quản lý chất lượng (2) Nhân sự (3) Cơ sở sản xuất và trang thiết bị (4) Vệ sinh (5) Hồ sơ tài liệu (6) Sản xuất (7) Kiểm soát chất lượng (8) Sản xuất và kiểm nghiệm theo hợp đồng (9) Khiếu nại và thu hồi sản phẩm (10) Tự kiểm tra; giải đáp thấu đáo các vấn đề học viên quan tâm liên quan đến yêu cầu, quy định của pháp luật đối với thực hành sản xuất tốt trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Đăng Quang