
Quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là tiền đề để trái cây Việt Nam tiếp cận thị trường các nước
TNNN - Việc bảo đảm an toàn chất lượng nông sản được xem là yếu tố hết sức quan trọng nhằm đẩy mạnh mục tiêu xuất khẩu, trong đó, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là tiền đề để trái cây Việt Nam tiếp cận thị trường các nước trên thế giới.
- Phát triển kỹ thuật điều chế độ rộng xung
- Nguy cơ tử vong do biến thể Beta cao hơn các biến thể khác 57%

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, hiện nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do. Đây là điều kiện thuận lợi giúp các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam tiếp cận được hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam đang thể hiện vai trò nhà cung ứng lương thực, thực phẩm có trách nhiệm trên trường quốc tế.
Ngoài việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trong nước, trong giai đoạn 10 năm qua, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã tăng từ 27,4 tỷ USD năm 2013 lên 53,2 tỷ USD năm 2022 (mức tăng trưởng trung bình đạt 9,4%/năm); trong đó, 5/6 mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD là các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật bao gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, cao su, rau quả, gạo.
Tuy nhiên, việc tham gia vào Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đòi hỏi người dân và doanh nghiệp tự nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao đối với chất lượng, quy cách đóng gói sản phẩm nông lâm thủy sản.
Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng ngay tại gốc và có một hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật đóng vai trò hết sức quan trọng. Để xuất khẩu nông sản thực sự bền vững, đảm bảo ổn định chất lượng nông sản, việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là điều kiện nền tảng, tiên quyết. Đây cũng là quy định bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu và hoàn toàn phù hợp theo các thông lệ quốc tế.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, từ năm 2008, ngay sau khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã bắt đầu chương trình kiểm soát vùng trồng phù hợp với điều kiện kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm cho quả thanh long xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ.
Đến nay, hoạt động này đã được triển khai rộng khắp cả nước, với trên 50 tỉnh, thành phố đã có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu. Tổng số lượng mã số vùng trồng trên toàn quốc đã cấp gần 7.000 mã số và gần 1.600 mã số cơ sở đóng gói nông sản. Các sản phẩm rất đa dạng, từ trái cây tươi, rau quả, lúa gạo đến chè, hồ tiêu, cà phê...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chúng ta vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Các vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - một thị trường rất quan trọng.
Căn nguyên của vấn đề chính là việc kiểm soát tại gốc từ vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực hiện quy trình kỹ thuật một cách nghiêm ngặt theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc giám sát sau khi được cấp mã số...

Bên cạnh việc các tỉnh, thành phố tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm thì cơ sở đóng gói cũng phải bố trí nhân lực để thực hiện kiểm soát và chịu trách nhiệm đối với biện pháp kỹ thuật áp dụng; bảo đảm việc tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu. Tất cả các lô hàng trước khi xuất kho phải đảm bảo không nhiễm sinh vật gây hại...
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt thông tin, gần đây Cục nhận được các thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc một số sản phẩm xuất khẩu không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và có dư lượng hóa chất vượt quá quy định. Các thông báo này cũng yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong nông sản của lô hàng xuất khẩu…

Trước thực tế đó, Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu và đa dạng hàng hóa; đầu tư xây dựng và hoàn thành cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý vùng trồng, quản lý cơ sở đóng gói để kết nối với địa phương, vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Ngoài việc tăng cường giám sát, kiểm tra khâu cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; tăng cường kiểm tra kiểm dịch thực vật, kiểm soát an toàn hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực thực hiện việc cấp, quản lý và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp thông tin về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Nguồn: dantocmiennui.vn


Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế bền vững

Phải xử lý dứt điểm nguyên nhân gốc rễ của các vi phạm IUU

Thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ

Thủ tướng: Thể chế vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển

“Cơ hội việc làm của sinh viên các trường đại học trong thời đại số”

Thủ tướng: Phát huy vai trò đặc biệt, truyền thống vẻ vang "vừa là chiến sĩ vừa là bác sĩ"

Bàn giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng sản phẩm

Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số
