Theo dòng sự kiện

Tăng cường phòng chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2023.

04/11/2023, 00:03

TNNN - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến vừa chủ trì Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh rằng, để ngành chăn nuôi phát triển, đảm bảo nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cũng như các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh, đấu tranh ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm.


Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến lưu ý: “Chúng ta đã đi hết 10 tháng của năm 2023, vẫn đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn. Hết tháng 9/2023, GDP của nước ta tăng trưởng 4,24%, được xem là quốc gia có tốc độ tăng trưởng  cao nhất thế giới, riêng nông nghiệp tăng trưởng 3,66%. Hai lĩnh vực nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhiều năm qua là chăn nuôi và thủy sản, chiếm trên 50%. Để có được con số đó, công tác thú y đóng vai trò quan trọng”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: “Văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, đề án, bộ máy, kinh phí, đội ngũ tinh xảo đã có, vacxin có thừa, hóa chất cũng có, chỉ cần tổ chức thực hiện. Phải nhìn thẳng vào sự thật, sử dụng hết công cụ, kinh nghiệm, đội ngũ để chủ động phòng dịch bệnh từ sớm, từ xa. Mỗi chúng ta phải trăn trở, suy nghĩ, tự trả lời về trách nhiệm với trang trại, bà con nông dân. Đúng là có nhiều khó khăn khách quan nhưng cần phải nhìn lại để tháo gỡ”.

“Tăng cường tiêm vacxin, bởi đây là giải pháp quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Các doanh nghiệp phải vào cuộc cùng địa phương mới nhanh chóng làm được, lúc đó có thể thúc đẩy xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước. Song song đó cũng cần tăng cường xúc tiến thương mại… Tất cả dòng sông đều phải chảy mới có ngành chăn nuôi hội nhập sâu rộng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.


Toàn cảnh Hội nghị

Theo báo cáo của Cục Thú y, trong 10 tháng đầu năm 2023, về cơ bản các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: (i) Bệnh Dịch tả lợn Châu phi (DTLCP) có số ổ dịch giảm 60% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm 68%; (ii) Bệnh Cúm gia cầm (CGC) có số ổ dịch giảm 54% và số gia cầm chết, tiêu hủy giảm 63%; (iii) Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) có số ổ dịch giảm 60%; số trâu, bò mắc bệnh giảm 80%; số chết, tiêu hủy giảm 79%.

Trước thực tế đó, nguy cơ tái phát và lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm thời gian tới vẫn ở mức cao. Trong đó, có nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới. Virus dịch bệnh này có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Việc buôn bán, vận chuyển lợn, giết mổ lợn bệnh, cũng như tình trạng không báo cáo theo đúng quy định còn diễn ra ở một số địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi…

Bên cạnh đó, dù Bộ NN&PTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7/2023, nhưng số lượng sử dụng còn hạn chế do một số địa phương, chủ nuôi lợn chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại chưa tiêm cho đàn lợn.

Giao thương buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước gia tăng, giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến (cả nước còn trên 22.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ). Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới. Nguy cơ xuất hiện một số chủng virus cúm gia cầm xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, mặc dù dịch bệnh cơ bản kiểm soát tốt nhưng nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu và thi thoảng vẫn xảy ra ở địa phương. Một trong những nguyên nhân là địa phương, người dân còn chủ quan lơ là trong tiêm phòng vaccine tập trung.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 chương trình kế hoạch về 6 dịch bệnh trọng điểm của ngành chăn nuôi tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trong các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT cũng như tại hội nghị này, các địa phương cần bám sát vào chương trình, rà soát lại các đàn vật nuôi để có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tiêm phòng cho vật nuôi kịp thời cũng như tiêm bổ sung với vật nuôi sắp hết hiệu lực.

Theo ông Nguyễn Văn Long, hiện tất cả các loại vaccine được phép lưu hành tại Việt Nam đều có đủ số lượng, đảm bảo chất lượng và có sự giám sát chặt chẽ. Hàng năm, Cục Thú y và các phòng thí nghiệm quốc tế đều đánh giá tình hình lưu hành mầm bệnh và đánh giá vaccine xem có đủ hiệu lực, hiệu quả hay không.

TNNN

Bình luận