Tăng quyền sở hữu trí tuệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 14/6/2019, có nhiều tác động đến việc bảo vệ, chuyển giao và ứng dụng kết quả sáng tạo của các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp.
Đây là một trong những nội dung được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã nhấn mạnh tại buổi họp báo thường kỳ quý 2 của Bộ KH&CN.
Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, Việt Nam phải thực hiện các cam kết của mình trong CPTPP - một trong những hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới có quy định bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở mức rất chặt chẽ.
Để thực hiện công việc này, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, tập trung vào 5 vấn đề: Cách thức nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bảo vệ quyền SHTT.
Theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) – Lê Ngọc Lâm: “Chúng ta nên lưu ý vấn đề mấu chốt: dù là FTA hay Luật SHTT thì việc thực thi là nhằm hỗ trợ chứ không phải ngăn cản các hoạt động sáng tạo. Nếu các nhà khoa học, nhà sáng chế cũng như doanh nghiệp có được những hiểu biết đầy đủ, nắm vững được các quy định về SHTT, họ sẽ có cơ hội tận dụng tối đa luật để bảo hộ quyền sở hữu của chính mình. Ngược lại, nếu ai đó chỉ chăm chăm đi sao chép, xâm phạm quyền của người khác thì chắc chắn sẽ bị chế tài của luật pháp điều chỉnh”.
Giải thích rõ hơn vấn đề này, Phó Cục trưởng đơn cử như vấn đề sáng chế (một trong năm nội dung điều chỉnh của Luật SHTT), vốn tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu có nhiều cơ hội chuẩn bị khi tăng thời gian ân hạn nộp hồ sơ đăng ký quyền SHTT với sản phẩm phát minh, sáng chế có được trong quá trình nghiên cứu. Lợi ích mà Luật SHTT mang lại: “Trước đây, sau khi xuất bản công bố trên các tạp chí quốc tế, các nhà khoa học chỉ có 6 tháng để chuẩn bị hồ sơ gửi lên Cục SHTT đăng ký bằng phát minh, sáng chế, nếu không sẽ mất tính mới của sản phẩm. Nay với quy định mới, họ sẽ có cả một năm để chuẩn bị các công việc cần thiết trước khi nộp hồ sơ. Trong trường hợp này, bài báo công bố sẽ không làm mất tính mới của sáng chế”.
“Qua thời hạn 12 tháng, ân hạn sẽ không còn nên nếu có hồ sơ đăng ký phát minh, sáng chế thì chắc chắn Cục STTT sẽ không chấp thuận”, ông Lê Ngọc Lâm lưu ý.
Việc tăng thời gian ân hạn đăng ký phát minh, sáng chế không chỉ tác động đến các nhà khoa học mà còn cả đến doanh nghiệp. Tác động mang tính hai chiều.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, thúc đẩy quá trình tạo ra tài sản trí tuệ là cần thiết nhưng việc sử dụng tài sản đó cần phải có trách nhiệm hơn.
“Quy định về thời gian ân hạn 12 tháng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học, điều đó có nghĩa, trong vòng 12 tháng sau khi công bố bài báo quốc tế, tác giả vẫn có thể tiến hành đăng ký bằng phát minh sáng chế. Nếu trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp sử dụng kết quả phát minh, sáng chế vào sản xuất kinh doanh, thì doanh nghiệp vi phạm quyền tác giả về phát minh sáng chế. Khai thác kết quả khoa học không có nghĩa là thấy công bố công trình là mình có thể miễn phí mang về ứng dụng luôn”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy giải thích.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT không chỉ góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, ví dụ trong chuyển giao Bằng đăng ký sở hữu công nghiệp, bên giao và bên nhận không cần đến Cục SHTT để chứng nhận mà có thể tiến hành thỏa thuận như đối với một hợp đồng dân sự về một loại tài sản thông thường, mà còn đem đến những biện pháp bảo vệ quyền SHTT ở mức cao hơn.
“Để thực thi một cách hữu hiệu quyền của chủ sở hữu, doanh nghiệp cần nắm được các quy định mới một cách rõ ràng để tránh gặp phải bất lợi nếu do không hiểu luật, dẫn đến xâm phạm SHTT một cách vô tình nhưng vẫn phải chịu những chế tài cao trong CPTPP. Trước đây ở các vụ tranh chấp, khiếu kiện về SHTT, nếu nguyên đơn thua thì không xảy ra vấn đề gì cả, nhưng với CPTPP thì bị đơn có thể yêu cầu nguyên đơn trả chi phí hợp lý để thuê luật sư của họ”, ông Lê Ngọc Lâm lưu ý.
Theo Cục SHTT, tính đến cuối tháng 6/2019, lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó đơn đăng ký sáng chế, đơn kiểu dáng công nghiệp và đăng ký quốc tế nhãn hiệu tăng cao lần lượt là 22,7%, 23,5% và 27,5%.
Công tác xử lý đơn đăng ký SHCN tăng 66,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó kết quả xử lý đơn sáng chế và nhãn hiệu tăng rất cao, lần lượt là 79,2% và 83,8%.
Cục SHTT đã tập trung xử lý các đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam và đơn khiếu nại tồn sâu (kết quả xử lý đơn khiếu nại tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2018).
“Trong 6 tháng cuối năm, cùng với việc trình Chiến lược SHTT đến năm 2030 để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; triển khai nhiệm vụ xây dựng Hồ sơ Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT để trình Chính phủ trong tháng 10/2019..., Cục sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xử lý đơn SHCN, trong đó ưu tiên các đơn sáng chế và nhãn hiệu, đơn sáng chế của người nộp đơn Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; triển khai có hiệu quả Đề án xây dựng Mạng lưới các Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (IP-Hub)... Tích cực, chủ động tham gia đàm phán nội dung SHTT trong các FTA; hoàn tất thủ tục gia nhập Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế KDCN...”, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho biết.
PV
Nguồn: most.gov.vn