Tạp chí khoa học với vấn đề “Tự chủ tài chính” trong thời đại số
TNNN – Đây là nội dung được nhiều đại diện các cơ quan báo chí cùng tham luận và thảo luận tại hội thảo “Vấn đề kinh tế báo chí đối với các tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam” diễn ra sáng 27/6/2023, tại Hà Nội.
PGS.TS. Phạm Ngọc Linh phát biểu khai mạc hội thảo.
Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức dưới sự chủ trì của PGS. TS. Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; ThS. Lê Thanh Tùng - Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam.
Theo PGS. TS. NB. Nguyễn Thành Lợi, UV BCH Hội Nhà Báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế Đô thị, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cấp thiết và quan trọng hàng đầu nhằm đạt mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
“Để báo chí thực sự vận hành một cách hiệu quả chuyển đổi số, người làm báo không chỉ quan tâm tới “công nghệ” mà phải tìm nhiều giải pháp đột phá để phát triển kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.” Nhà báo Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.
Trong xu hướng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, cần làm tốt và bắt kịp xu thế vận động và phát triển của kỷ nguyên công nghệ số. Nếu cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công, cần phải có công nghệ và giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và sự liên kết giữa các cơ quan báo chí. Do đó, kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số đã tiệm cận dần đến từ khóa “kinh tế báo chí số”.
Nhà báo Nguyễn Thành Lợi tham luận tại hội thảo.
Nhà báo Nguyễn Thành Lợi cho rằng, “Không phải ngẫu nhiên mà các cơ quan báo chí trên thế giới đưa ra triết lý làm báo mới: Nội dung và công nghệ phải song trùng. Công nghệ là “Nữ hoàng”, hay “công chúng là số 1” đã và đang chi phối thị trường báo chí toàn cầu, trong đó Việt Nam không nằm ngoại lệ”. Các cơ quan báo chí nên thay đổi chiến lược, xây dựng các bộ phận truyền thông – quảng cáo một cách bài bản và chuyên nghiệp, mới có thể phát triển kinh tế báo chí ổn định và bền vững lâu dài, tránh gặp những rủi ro không đáng có.
Còn theo Nhà báo Trần Thị Giang, Phó Tổng Biên tập, kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Tự động hóa ngày nay, trong hệ thống các cơ quan báo chí hiện nay của Việt Nam, ngoài các cơ quan báo chí được cấp kinh phí hoạt động thì có hơn 70 cơ quan báo chí thuộc hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đa phần đang thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Tự chủ tài chính đi liền với tự chịu trách nhiệm, tạo sự năng động và tự chủ trong quản lý. Đây là cơ chế mà không ít người muốn “nắm lấy” trong cơ chế thị trường. Nhưng điều đó sẽ thuận lợi hơn, “cởi trói” hơn với doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việt Nam không có cơ quan báo chí tư nhân, tuy nhiên các cơ quan báo chí tại các cơ quan hội trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam được giao tự chủ, tự hạch toán, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/8/2021).
“Dựa vào tôn chỉ mục đích, tính chuyên ngành của cơ quan chủ quản, nhiều cơ quan báo chí làm tốt việc phổ biến kiến thức chuyên ngành, làm cầu nối tư vấn phản biện xã hội từ đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành dưới mái nhà chung của Liên hiệp Hội Việt Nam, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao dân trí, đưa nhanh tiến bộ khoa học vào sản xuất đời sống, đóng góp vào việc đẩy lùi tiêu cực,…” - Nhà báo Trần Thị Giang chia sẻ.
Dẫn ví dụ thực tiễn từ Tạp chí Khoa học và kỹ thuật Thú y - đơn vị trực thuộc Hội Khoa học và kỹ thuật Thú y Việt Nam, TS. Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Cảm cho biết, đơn vị đã tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, cải tiến hoạt động in ấn và phát hành, giảm biên chế trong Ban biên tập và tăng cường Hội đồng biên tập, thu phí đăng các bài khoa học, quảng cáo,… để tạo nguồn thu cho đơn vị.
Còn theo PGS. TS Phạm Bích San, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế nghe nhìn Việt Nam, các cơ quan báo chí thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam đang đối diện với những khó khăn chồng chất do thị trường thu hẹp, suy thoái kinh tế và sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội,… Do đó, nếu báo chí hoạt động theo nguyên tắc thị trường, kể cả thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì để thành công trước hết cần có thể chế thị trường.
Toàn cảnh hội thảo.
Chia sẻ tại hội thảo, Nhà báo Đào Quang Bính, Tổng Thư kí Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam, cho rằng, bên cạnh việc tập trung phát triển nội dung chuyên sâu, đa nền tảng cho các ấn phẩm, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản trị tòa soạn. Các công đoạn tiêu tốn nhân lực, thủ công dần được thay thế bằng công nghệ; phối hợp với Công ty Phát hành báo chí Trung ương để số hóa và phát hành tới bạn đọc các ấn phẩm dưới dạng file PDF, giúp bạn đọc khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận nhanh và sớm hơn cách thức phát hành thông thường.
Còn theo Nhà báo Đặng Đình Chấn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam hội nhập, “Nhà báo cũng như mọi người làm trong các ngành nghề khác, muốn cống hiến trước tiên phải có nguồn thu nhập ổn định, ổn định từ chính cơ quan báo chí của mình,… Để báo chí phát triển bền vững, ổn định và chuyên nghiệp, trong bất cứ hoàn cảnh nào, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Bởi báo chí nước ta là báo chí cách mạng của Đảng, Nhà nước; vừa đảm bảo hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, vừa phải đảm bảo một nguồn kinh phí nhất định để duy trì hoạt động…”
Nhà báo Đặng Đình Chấn nhấn mạnh rằng, mỗi cơ quan báo chí và mỗi nhà báo không thể và không nên trông chờ một cách thụ động, mà cần phải chủ động để biến những áp lực tạm thời thành cơ hội, không ngừng nỗ lực cống hiến, giữ vững bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nhà báo để sáng tạo ra những tác phẩm nhân văn có giá trị thông tin tuyên truyền, phù hợp với nhu cầu thực sự của số đông độc giả.
PV/TNNN