Theo dòng sự kiện

Thách thức và giải pháp để kiểm soát chất lượng môi trường và an toàn thực phẩm

18/12/2021, 11:18

TNNN - Đây là chủ đề chính của hội thảo do Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB) phối hợp với Hiệp hội các Nhà sản xuất các thiết bị thử nghiệm Nhật Bản (JAIMA) tổ chức mới đây bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.


Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại trụ sở VinaLAB tại Hà Nội và kết nối trực tuyến đến các điểm cầu: Đại học Tokyo (Nhật Bản) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; tổ chức JAIMA và các Hội viên VinaLAB.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chủ tịch VinaLAB, Trưởng Ban tổ chức hội thảo: Năm 2021 và những năm tới là những năm đầy thách thức, khó khăn do dịch bệnh SARS-CoV-2 gây ra, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, để góp phần kiểm soát chất lượng môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong nước và phục vụ công tác xuất nhập khẩu, đây sẽ là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong nước và trên thế giới trao đổi, cập nhật những kiến thức mới nhất trong lĩnh vực khoa học phân tích và thử nghiệm. Đồng thời là cơ hội để để các nhà quản lý, các nhà sản xuất, thương mại và dịch vụ trong lĩnh vực thiết bị phân tích và thử nghiệm gặp gỡ trao đổi những vấn đề mà mọi người cùng quan tâm.

Sau lời phát biểu chào mừng của Chủ tịch JAIMA – ông Akira Nakamoto và PGS.TS Nguyễn Văn Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Đại học Quốc gia Hà Nội, các đại biểu đã nghe TS. Nguyễn Hoàng Linh khái quát về ngành thử nghiệm và phân tích Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Linh, cùng với các Hiệp định kinh tế mới được ký kết, hoạt động thử nghiệm đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp các sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu; Là cơ sở kỹ thuật để tự kiểm soát chất lượng sản phẩm hóa chất của doanh nghiệp, giúp cơ quan quản lý quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông sản phẩm hàng hóa. Nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam cũng đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Việt Nam cũng đã có những chính sách nhằm xã hội hóa hoạt động thử nghiệm; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các phòng thử nghiệm; Tăng cường xúc tiến các hoạt động công nhận kết quả đánh giá sự phù hợp, bao gồm cả thử nghiệm.

Chia sẻ về hạ tầng thử nghiệm của Việt Nam, TS. Nguyễn Hoàng Linh cho biết, tính đến hết tháng 11/2021, cả nước có 2.192 tổ chức đánh giá sự phù hợp được công nhận; 1443 Phòng thí nghiệm được công nhận; 1289 Phòng thí nghiệm được công nhận theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025; đã có 154 phòng xét nghiệm y tế được công nhận ISO 15189; có 665 Phòng thí nghiệm an toàn thực phẩm và môi trường được công nhận theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025; số Phòng thí nghiệm an toàn thực phẩm và môi trường đã đăng ký hoạt động là 370; và đã có 125 tổ chức chứng nhận môi trường và an toàn thực phẩm đăng ký hoạt động; Hơn 260 phòng thí nghiệm thực hiện chức năng kiểm tra phục vụ quản lý chuyên ngành nhà nước.

Về hạ tầng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam đến nay đã có 13.000 tiêu chuẩn với tỷ lệ hài hòa so với tiêu chuẩn quốc tế hơn 60%, trong đó bao gồm 953 tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, 732 tiêu chuẩn môi trường;…

Nhu cầu về thiết bị và và phương pháp thử trong lĩnh vực phân tích các chất cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Aildenafil, Benproperine, Benzyl sibutramine Betamethasone, Cortisone ...), hay các phương pháp để phân tích các kim loại như chì (Pb) trong mẫu dầu ăn... còn thiếu. Các chỉ tiêu Dioxin-Furan trong mẫu môi trường đang được thực hiện theo EPA 1613B, EPA TO-9A, EPA 23; Các hợp chất hữu cơ trong không khí được kiểm tra theo tiêu chuẩn US EPA, NIOSH... điểm hạn chế lớn nhất là trong nước chưa có tổ chức nào cung cấp các chương trình thử nghiệm thành thạo liên quan đến các phép thử này.

TS. Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh rằng, cùng với yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, lĩnh vực phân tích và thử nghiệm Việt Nam cần phải phấn đấu để vượt qua nhiều thách thức, tiếp tục hoàn thiện và tự nâng cao năng lực để góp phần xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia một cách vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, phục vụ nhu cầu thử nghiệm trong nước và ngoài nước, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.


TS. Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Việt Nam hiện cũng có hệ thống phòng phân tích và thử nghiệm đa dạng, có sự tăng trưởng khá tốt. Bên cạnh đó là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia tương đối đầy đủ, hài hòa với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế.

Trao đổi về thách thức và cơ hội của ngành phân tích, thử nghiệm giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, TS. Nguyễn Hoàng Linh cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động đến với hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, nhưng ngành phân tích, thử nghiệm vẫn có sự tăng trưởng và duy trì hoạt động tốt, đặc biệt với các phòng thử nghiệm phục vụ lĩnh vực xuất khẩu khẩu trang, thiết bị y tế,...

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách mới trong việc thúc đẩy phát triển các lĩnh vực: đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá các sản phẩm chủ lực; chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, logistics và thành phố thông minh giai đoạn 2021-2030.

Đây là cơ hội để phát triển nhiều lĩnh vực thử nghiệm mới, tuy nhiên cũng là thách thức do phải đối diện với rất nhiều yêu cầu mới, điển hình như phân tích các chất mới, các thay đổi dư lượng theo quy định của thế giới (thuốc trừ sâu), việc tuân thủ các quy trình của nước ngoài, các chương trình đánh giá sự phù hợp mới, yêu cầu năng lực để triển khai các phương pháp thử nghiệm mới,…

Xoay quanh vấn đề kiểm soát chất lượng môi trường và an toàn thực phẩm, tại hội thảo, các nhà khoa học của Việt Nam và Nhật Bản đã báo cáo nhiều vấn đề liên quan: “Tổng quan về Dự án Đối tác Chiến lược của trường Đại học Tokyo” do GS. Satoshi WATANABE, Cố vấn đặc biệt cho Hiệu trưởng trường Đại học Tokyo trình bày; “Lập bản đồ phát thải các ngành chính ở Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) sử dụng dữ liệu sử dụng đất đô thị thu được từ vệ tinh” do GS. Wataru TAKEUCHI, Viện Khoa học Công nghiệp, trường Đại học Tokyo trình bày; PGS. Kazuma MAWATARI, giới thiệu về “Phòng thí nghiệm thuộc chương trình Đào tạo tại chỗ về Hóa học phân tích (On-site Education Program on Analytical Chemistry (OEPAC)” thuộc Dự án Đối tác Chiến lược giữa Trường Đại học Tokyo - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN (VNU-HUS) phối hợp với JAIMA thực hiện.

Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học đã báo cáo và thảo luận các vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng môi trường và an toàn thực phẩm tại Việt Nam, phương pháp, chỉ tiêu phân tích,… điển hình như: “Các chất ô nhiễm vi sinh hữu cơ trong không khí và bụi từ Việt Nam: Phân tích phương pháp, mức độ ô nhiễm, nguồn và tác động đối với chế độ ăn uống”; “Xác định hóa chất độc hại phthalates trong đồ chơi trẻ em”; Sự phân bố Polychlorinated Biphenyl ở một số loài hải sản sống ven biển Hải Phòng”;  “Liên kết sơ đồ N, C, S-TiO2 / WO3 / rGO Z mới với nâng cao hiệu suất quang xúc tác hướng ánh sáng”; “Đánh giá phân tích sinh học trong ống nghiệm về độc tính của các chất hạt mịn từ Việt Nam”;…


Cùng trao đổi về nhu cầu, yêu cầu liên quan thuộc chủ đề hội thảo, các công ty thành viên của JAIMA cũng đã chia sẻ về ứng dụng và một số công cụ mới đang được áp dụng tại Nhật Bản trong phân tích các chỉ tiêu thực phẩm, giám sát môi trường, qua đó bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học phân tích, thử nghiệm.

TNNN

Bình luận