Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
TNNN - Sáng 17/5, tại Hà Nội, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam; Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã phối hợp tổ chức diễn đàn “Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt".
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra 6 điều quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, Điều 75 của Luật này đã quy định về phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt. Nghị định số 45 của Chính phủ cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Tiến sĩ Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội nước sạch và môi trường Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.
Tuy nhiên để thực thi các quy định này điều kiện cần là một quy chuẩn vận hành, còn điều kiện đủ là quy trình phân loại – thu gom - xử lý rác thải cũng phải được thực hiện đồng bộ. Có như vậy rác thải mới đi đúng vòng tuần hoàn mang lại lợi ích. Nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, triển khai thiếu đồng bộ, thì cũng rất khó đưa chính sách đi vào cuộc sống.
Tiến sĩ Nguyễn Linh Ngọc nhận định, việc phân loại rác thải sinh hoạt sẽ mang lại lợi ích lâu dài nhưng có nhiều khó khăn trước mắt. Việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt là bài toán khó giải quyết ở cả thành thị lẫn nông thôn.
Trên quan điểm đó, tại diễn đàn, đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị, công ty hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chuyên gia, nhà khoa học đã nêu ra thực trạng, khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt hiện nay như khó khăn về thiết bị, hạ tầng cơ sở, các điểm tập kết cũng như nguồn kinh phí cho việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt,… từ đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách và các giải pháp việc phân loại rác thải sinh hoạt đi vào thực tiễn.
Quang cảnh diễn đàn.
Theo đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, trước khi có Luật BVMT 2020, tình hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt còn mang tính thí điểm, mô hình, không thành công, sau khi có Luật BVMT 2020 đã bước đầu có địa phương tổ chức triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Tại miền Bắc, điển hình tại một số địa phương như: Hà Nội, Lào Cai, Hải Dương, Hải Phòng. Miền Trung – Tây Nguyên: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Lâm Đồng. Miền Nam: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Còn theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), hiện nay hầu hết các địa phương khá lúng túng khi triển khai phân loại rác thải rắn theo Luật BVMT 2020, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch phân loại rác thải rắn. Các địa phương đang đợi các hướng dẫn của Bộ để triển khai thực hiện. Các hộ dân, các chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, phải trả tiền theo lượng rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu, như thế nào; các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom vẫn chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất địa điểm thu gom rác đã phân loại, vẫn thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết (theo QD 592 năm 2014 của Bộ Xây dựng), chưa có thay đổi trong công tác thu gom, vận chuyển xử lý. Vẫn còn khoảng trống trong việc xử lý rác thực phẩm (đầu tư, qui trình, định mức và tiêu thụ đầu ra…).
TS. Hoàng Dương Tùng phát biểu tại diễn đàn
Một câu hỏi đặt ra trong lúc này là: Còn 7 tháng nữa là đến hạn bắt buộc phải triển khai phân loại rác thải rắn theo quy định, liệu thời hạn này các địa phương có đáp ứng được không? những gì đã chuẩn bị, đã làm? những khó khăn gì, những vướng mắc gì cần phải giải quyết?
Sau khi lắng nghe và tổng hợp ý kiến của các đại biểu, TS. Nguyễn Linh Ngọc phát biểu kết luận và bày tỏ tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu các cấp cấp tỉnh, huyện, xã quyết tâm thực hiện, người dân quyết tâm, việc thực hiện phân loại rác sẽ thực hiện được và thành công.
PV/TNNN