Tiếp tục khẳng định vai trò là tổ chức tập hợp đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước
TNNN – Toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã thu hút được hơn 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu trí thức, bao gồm rất nhiều trí thức đã từng học tập, làm việc ở các nước phát triển trở về nước, tiếp tục đóng góp tại hơn 600 tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc.
Chiều 23/3/2023, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với UBTW MTTQ Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) tổ chức hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước”.
Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của trí thức NVNONN đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, TSKH. Phan Xuân Dũng cho biết, trong mọi thời đại, trí thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
TSKH. Phan Xuân Dũng nhấn mạnh rằng, việc quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác NVNONN đã đạt được những kết quả quan trọng, thu hút, trọng dụng được nhiều nhân tài là Người Việt Nam ở nước ngoài.
Điều đó khẳng định vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam và các hội thành viên, trong đó có Liên hiệp Hội Việt Nam là nòng cốt trong việc phát huy mạng lưới tổ chức thành viên rộng lớn của mình trong việc kết nối, hợp tác, kiến nghị với Đảng và Nhà nước về các điều kiện để thu hút, tập hợp trí thức NVNONN tham gia đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Cũng theo TSKH. Phan Xuân Dũng, trong công tác thu hút nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay, cộng đồng trí thức NVNONN chính là một nguồn lực dồi dào còn nhiều tiềm năng chưa khai thác, các ngành các cấp cần có một kế hoạch, chiến lược cụ thể để thời gian tới có thể triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút trí thức Kiều bào về nước tham gia đóng góp trên các lĩnh vực của KHCN, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của đất nước.
TSKH. Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo.
“Tôi tin tưởng rằng, với tình yêu quê hương đất nước của những người con Lạc châu Hồng, cùng những nỗ lực của các cơ quan trong nước, trí thức kiều bào ta ở nước ngoài sẽ tiếp tục noi gương những tấm gương sáng đi trước để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, tiêu biểu như GS.VS Trần Đại Nghĩa, kiều bào Pháp, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam”, ông Dũng bày tỏ.
Báo cáo về hành trình 40 năm tập hợp, đoàn kết và phát huy trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam đã trở thành tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, đại diện cho đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của trí thức người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam rộng khắp trên các lĩnh vực như: phổ biến kiến thức, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tôn vinh trí thức, tổ chức các giải thưởng sáng tạo khoa học và kỹ thuật, tư vấn, phản biện và giám định xã hội… Trong các lĩnh vực đó, luôn có sự tham gia, đóng góp trí tuệ và tâm sức của một bộ phận không nhỏ trí thức NVNONN.
Cụ thể trong 40 năm qua, trí thức người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đã có những đóng góp đáng ghi nhận trên các mặt: Phát triển tổ chức; phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật; tư vấn, phản biện và giám định xã hội; hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế; hợp tác phát triển, huy động nguồn lực quốc tế; thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KH&CN, giáo dục và đào tạo và y tế;…
Từ 15 hội thành viên khi sáng lập năm 1983, đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam có 156 hội thành viên gồm: 63 Liên hiệp hội địa phương và 93 Hội ngành toàn quốc. Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố tiếp tục được củng cố, kiện toàn; quy mô và cơ cấu tổ chức của các Hội ngành toàn quốc không ngừng được mở rộng. Hệ thống tổ chức KH&CN trực thuộc Đoàn Chủ tịch cũng tăng lên mạnh mẽ với gần 600 đơn vị.
Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Ngọc Linh cho biết, toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã thu hút được hơn 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu trí thức, bao gồm rất nhiều trí thức đã từng học tập, làm việc ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật bản, Hàn quốc, Canada, Oxtralia; các nước châu Âu như Anh, Pháp, Italia, Đức, Hà Lan; các nước thuộc Liên Xô cũ và các nước ở Đông âu,… trở về nước tiếp tục tham gia đóng góp tại hơn 600 tổ chức KH&CN ngoài công lập trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội ngành toàn quốc.
Các tổ chức hoạt động với phương thức đa dạng, từ nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thực hiện các dịch vụ KH&CN thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục - đào tạo, y dược, tài nguyên và môi trường, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, cơ khí và tự động hóa, sinh học và nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, công nghiệp thực phẩm, phát triển nguồn nhân lực, tư vấn chính sách,…
Bằng việc tích cực tham gia thực hiện và đưa các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống ở các lĩnh vực khác nhau, phổ biến nhất là lĩnh vực sinh học, nông nghiệp, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, khoa học xã hội, tâm lý - giáo dục, các vấn đề giới, trẻ em, xã hội, hoặc các vấn đề bức thiết với người dân như lâm - nông nghiệp, giao đất, giao rừng,… Các tổ chức KH&CN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Điển hình như nghiên cứu và sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ bệnh đái tháo đường của Trung tâm công nghệ Hóa-Sinh, ứng dụng đã giảm giá thành chỉ bằng 2/5 so với các loại nhập khẩu; Các nghiên cứu về tế bào gốc của Viện nghiên cứu Ứng dụng Y học tái tạo và Tế bào gốc; Nghiên cứu, đánh giá tính an toàn của các loại vắc xin của Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng Vắc xin và Sinh phẩm y tế; Nghiên cứu thiết kế hệ thống đài radar phân cực phục vụ giám sát trên mặt biển của Viện Công nghệ Điện tử; Nghiên cứu các thiết bị phục vụ trong lĩnh vực khai thác than của Viện KHCN Cơ khí, Tự động hóa và Môi trường;…
Chia sẻ về hoạt động tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của trí thức người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài của hệ thống Liên hiệp Hội, ông Phạm Ngọc Linh cho biết, những năm qua các Liên hiệp hội địa phương đã tham gia với tư cách là tổ chức phối hợp, cùng với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị; Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.... thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Điển hình như Liên hiệp Hội thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố cùng các cơ quan chức năng để tham mưu và thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; áp dụng quyết định về mức chi trả cho chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài trở về thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, làm việc.
Nói về kết quả này, GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT TP.HCM cho biết, đến nay đã có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn tại TP.HCM và gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, Khu Công nghệ cao, các bệnh viện... Riêng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM đã có 5 chuyên gia đang làm việc theo chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ của TP.HCM.
Toàn cảnh hội thảo.
Liên hiệp Hội tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phối hợp với các cơ quan: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh; Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam”, triển khai nhiều hoạt động liên quan đến việc thu hút, tập hợp trí thức và người Việt Nam ở nước ngoài với sự tham gia của đại diện các tổ chức trong tỉnh và nước ngoài như: Quỹ Phuc’s Fond, Hội Thân Hữu Huế (FHF), Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật Tinh Trúc Gia, Cơ sở Bảo trợ trẻ em An Tây, Chi hội người Thái tỉnh Thừa Thiên Huế, Kiều bào Đức, Thụy Sĩ,…
Với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Bình định, đặc biệt là ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh (Sau này là Bí thư Tỉnh ủy), Liên hiệp Hội tỉnh Bình Định cũng đã có nhiều cố gắng trong việc thu hút chất xám, trí thức quốc tế và Kiều bào đến làm việc, tham dự hội nghị, hội thảo tại địa phương. Qua đó, Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Bình Định, Bà Nguyễn Thị Thanh Bình đã tạo điều kiện cho Giáo sư vật lý nguyên tử Trần Thành Vân (Jean Trần Thanh Vân, người Pháp gốc Việt) sáng lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam nhằm hỗ trợ quê hương trong lĩnh vực khoa học và giáo dục; xây dựng Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành (ICISE) vào năm 2013 nhằm giúp đỡ sinh viên và nhà khoa học trẻ châu Á hội nhập với cộng đồng khoa học quốc tế.
Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng cũng đã phối hợp với Hội Liên lạc Kiều bào Hải Phòng tổ chức nhiều hoạt động đoàn kết tập hợp Kiều bào Hải Phòng, các Hội đồng hương và trí thức Hải Phòng đang sinh sống ở nước ngoài trở về đầu tư sản xuất kinh doanh tại địa phương, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố.
“Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” là quan điểm, tư tưởng xuyên suốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào đã và đang sinh sống ở bên ngoài Tổ quốc. Để tiếp tục thu hút nguồn lực trí thức kiều bào, Liên hiệp Hội Việt Nam đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng một đề án riêng về tập hợp, phát huy trí thức NVNONN tham gia vào hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam góp phần cho công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước; lồng ghép nội dung về vận động trí thức kiều bào trong các chương trình phối hợp với UBTƯMTTQ Việt Nam, với các bộ: Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban KHCN&MT của Quốc Hội; Đề xuất với Đảng và Nhà nước về các hình thức tôn vinh trí thức KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài;…
TNNN