Theo dòng sự kiện

“GS.VS Trần Đại Nghĩa - Cuộc đời và sự nghiệp”

27/02/2023, 12:19

TNNN – Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, tên tuổi ông trở thành huyền thoại đối với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.


Toàn cảnh hội thảo

Chiều 27/2, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo "Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Cuộc đời và sự nghiệp". Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp hội Việt Nam (26/3/1983-26/3/2023) và 110 năm ngày sinh của GS. VS. AHLĐ Trần Đại Nghĩa.

Hội thảo do TS.KH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên BCH TW Đảng, Ủy viên Quân ủy TW, Thứ trướng Bộ Quốc phòng và PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chủ trì.

Tham dự hội thảo còn có đại diện các cơ quan Đảng, Ban, ngành Trung ương, TP. Hà Nội; đại diện 63 Liên hiệp Hội địa phương; các Hội ngành toàn quốc; đại diện các chuyên gia; nhà khoa học đã từng tham gia gắn bó trong suốt quá trình công tác với GS.VS Trần Đại Nghĩa; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội; đại diện Báo, Tạp chí trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam đến dự và đưa tin.

Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham dự của Đại tá Trần Dũng Trí, con trai của cố GS.VS Trần Đại Nghĩa. 


TSKH. Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng cho biết: GS.VS. AHLĐ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại làng Chánh Hiệp, huyện Tam Bình; Nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Cha là Cụ Phạm Quang Mùi dạy học ở tỉnh Vĩnh Long. Mẹ là Cụ bà Phạm Thị Diệu.

Ngay từ nhỏ Phạm Quang Lễ đã nổi bật về trí thông minh, học rất giỏi, đặc biệt xuất sắc về môn toán. Năm lên 7 tuổi, ông mồ côi cha, gia cảnh thiếu thốn nhưng thấy ông học giỏi nên mẹ và chị ông đã cố gắng để ông tiếp tục việc học.

Phạm Quang Lễ là cựu học sinh trường trung học College de Mytho, năm 1933 đã thi đỗ đầu hai bằng tú tài: Tú tài Việt và Tú tài Pháp, sau đó ông xin đi làm thư ký công sở ở Mỹ Tho và nuôi chí vươn lên, chờ thời cơ.

Ngày 05/9/1935, Phạm Quang Lễ sang Pháp học, tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán học tại các trường: Đại học Bách khoa Paris; Đại học Mỏ; Đại học Điện; Đại học Sorbonne; Đại học Cầu đường Paris;… sau đó ở lại Pháp làm việc tại Viện nghiên cứu máy bay. Năm 1942, ông sang Đức và làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí.

Năm 1946, theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông từ bỏ Paris với cuộc sống giàu sang phú quý đi cùng Bác Hồ trở về nước tham gia hoạt động Cách mạng. Ngày 10/9/1946, ông được Bác Hồ giao nhiệm vụ là Cục trưởng Cục Quân giới và được Bác đặt tên mới là Trần Đại Nghĩa. Ngày 1912/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông lên chiến khu Việt Bắc trực tiếp chỉ đạo sản xuất các loại vũ khí như: lựu đạn, súng phóng lựu đạn, cối 80,8mm, mìn phá xe, badôca,…

Năm 1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1949. Năm 1952, ông được tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động. Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi (năm 1954), ông làm Chủ nhiệm Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước, Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng viện Khoa học Việt Nam.

Năm 1966, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, phụ trách về kỹ thuật quốc phòng. Thời gian này ông đã lãnh đạo cán bộ kỹ thuật cải tiến nâng tầm bắn của tên lửa Sam II (do Liên Xô sản xuất), tiêu diệt được siêu pháo đài bay B52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội.

Đất nước hoàn toàn thống nhất, ông làm Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa II và III, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Liên Xô và Cộng hòa dân chủ Đức.

Nói về Trần Đại Nghĩa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “ông Phật chế tạo vũ khí”, còn nhà Vật lý Nguyễn Văn Hiệu thì khẳng định: “Đối với thế hệ chúng ta, công lao và đạo đức của nhà khoa học ấy đã đi vào lịch sử như một thần thoại truyền kỳ”.


PGS.TS. Trần Tuấn Anh phát biểu tham luận

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cho biết, dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực với các cương vị, chức vụ công tác khác nhau, dù ở bất cứ nơi đâu hay trong bất cứ hoàn cảnh nào, GS.VS. Trần Đại Nghĩa cũng luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Bằng năng lực, trí tuệ và tấm lòng trọn đời vì nghĩa lớn, GS.VS. Trần Đại Nghĩa đã có công lớn trong giai đoạn đầu xây dựng Viện Khoa học Việt Nam, định hướng, hình thành và phát triển các ngành khoa học của Viện, từ đội ngũ cán bộ đến cơ sở vật chất, từng bước khẳng định vai trò và vị trí của Viện trong và ngoài nước.


Thượng tướng Phạm Hòa Nam phát biểu tham luận

Đồng quan điểm trên, Thượng tướng Phạm Hòa Nam, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, trên các cương vị công tác, GS.VS Trần Đại Nghĩa luôn tận tụy, đức độ, bản lĩnh cống hiến tài năng, trí tuệ để góp phần cùng toàn dân làm nên thành công của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Đại tá Trần Dũng Trí chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc về người Cha, cố GS.VS Trần Đại Nghĩa.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 13 ý kiến tham luận rất sâu sắc, cảm động từ đại diện Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ, Liên hiệp Hội địa phương,... Đặc biệt là ý kiến phát biểu của Đại tá Trần Dũng Trí, con trai của cố GS.VS Trần Đại Nghĩa: "Tuy là con của một người nổi tiếng nhưng không vì thế mà có quyền lựa chọn công việc nhẹ nhàng hay nhờ ảnh hưởng của bố để sắp sếp công việc vào cơ quan danh tiếng nào đó, Ông từng căn dặn rằng, tất cả phải đi lên  bằng sức lực của mình, làm tốt thì cấp trên sẽ bổ nhiệm, lúc khó khăn cứ nghĩ đến Đảng, nghĩ đến Bác Hồ thì sẽ vượt qua,...".

Vũ Hải

Bình luận