Theo dòng sự kiện

Vusta tổ chức sự kiện “Gặp gỡ 2022 vì hợp tác và phát triển”

13/12/2022, 18:18

TNNN - Chiều 13/12/2022, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) tổ chức sự kiện Gặp gỡ 2022 vì hợp tác và phát triển; tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2021-2022.


Các đại biểu tại sự kiện

Là tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Vusta, năm 2014, Văn phòng công nhận năng lực đánh giá sự phù hợp (Văn phòng AOSC) được thành lập trên tinh thần xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ, trở thành tổ chức công nhận bên thứ ba của Việt Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép hoạt động.

Bằng những nỗ lực và mong muốn hội nhập quốc tế trong lĩnh vực công nhận, đến nay Văn phòng AOSC đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện và trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Công nhận Châu Á – Thái Bình Dương (APAC), thành viên chính thức của Hiệp hội Công nhận Phòng thí nghiệm Quốc tế (ILAC); trở thành đơn vị thứ 2 ở Việt Nam ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau APAC/ILAC-MRA đối với chương trình đánh giá công nhận phòng thí nghiệm, hiệu chuẩn phù hợp yêu cầu ISO/IEC 17025 (VLAT,VLAC) và chương trình đánh giá công nhận phòng thí nghiệm y tế phù hợp yêu cầu ISO 15189 (VLAM).

Đóng góp vào nỗ lực chung của Vusta năm 2021-2022, Văn phòng AOSC và các tổ chức KH&CN trực thuộc đã thực hiện được rất nhiều chương trình, dự án, đề tài, hợp đồng dịch vụ.


TSKH Phan Xuân Dũng
phát biểu tại sự kiện

Theo TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Vusta, cùng với các mô hình, giải pháp sáng tạo khác đang được triển khai ở khắp nơi, đến với từng bản làng, từng hộ gia đình,… nỗ lực của các tổ chức trực thuộc Vusta đã có những giá trị đóng góp to lớn vào lĩnh vực nâng cao sức khỏe và đời sống nhân dân. Bên cạnh đó là nhiều nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tới người dân những giải pháp ứng dụng KH&CN thích ứng biến đổi khí hậu,…

Còn theo ông Lê Công Lương, Trưởng Ban KHCN và môi trường của Vusta, năm 2022 là năm thứ hai của nhiệm kỳ mới của Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Tính đến ngày 10/12/2022, Vusta có 590 đơn vị tổ chức KH&CN trực thuộc. Riêng năm 2022, Vusta đã thành lập mới 25 đơn vị; giải thể 28 đơn vị không còn đủ điều kiện hoạt động. Đồng thời, tiếp tục chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức và tiến hành rà soát các tổ chức hoạt động yếu kém, không hiệu quả, không đúng tôn chỉ mục đích.



TS. Lê Công Lương, Trưởng Ban KHCN và môi trường của 
Vusta trình bày báo tại sự kiện.

Với mong muốn tạo ra một môi trường lành mạnh cho các nhà khoa học hoạt động, Thường trực lãnh đạo Vusta đã chỉ đạo sửa đổi các quy định về thành lập tổ chức KH&CN theo hướng nâng cao tiêu chuẩn thành lập các tổ chức KH&CN trực thuộc, gắn trách nhiệm của các nhân sự chủ chốt của các viện nghiên cứu vào tạp chí trực thuộc viện, tăng các nội dung về đình chỉ, giải thể tổ chức hoạt động không đúng quy định, vi phạm pháp luật, điều lệ tổ chức với mục tiêu cao nhất là tạo ra một môi trường lành mạnh cho các trí thức, nhà khoa học làm việc, cống hiến.

Ông Lê Công Lương cho biết, đến nay các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước đã có nhiều thay đổi tích cực theo hướng khuyến khích phát triển các tổ chức KH&CN. Đơn cử việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của tổ chức khoa học và công nghệ công lập đã phần nào thu hút trí thức KH&CN, đặc biệt là các trí thức KH&CN trẻ về hoạt động tại các tổ chức KH&CN ngoài công lập như các tổ chức trực thuộc Vusta vì sẽ không còn nhiều khoảng cách giữa tổ chức KH&CN công lập và tổ chức KH&CN ngoài công lập.

Hầu hết các tổ chức KH&CN trực thuộc Vusta có đội ngũ cán bộ quản lý là các nhà khoa học, có trình độ chuyên môn cao, nhiệt tình, giàu kinh nghiệm nên rất thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng như ứng dụng các kiến thức, tri thức KH&CN.

Tham luận tại sự kiện, nhiều đại biểu có ý kiến cho rằng Việt Nam đang trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn viện trợ phát triển của các quốc gia và tổ chức quốc tế ngày càng hạn chế, các tổ chức KH&CN ngoài công lập chưa có nguồn tài chính thực sự mang tính bền vững và lâu dài, dẫn đến những khó khăn trong việc duy trì nhân lực.

Bên cạnh đó, các tổ chức KH&CN còn khó tiếp cận các đề tài, dự án từ nguồn ngân sách KH&CN, với cơ quan quản lý về KH&CN ở cả Trung ương và địa phương vì thủ tục tuyển chọn đòi hỏi đối với nhiều tổ chức rất khó đáp ứng về năng lực thiết bị, vốn, mặc dù nhiều tổ chức KH&CN tập hợp được nhiều chuyên gia giỏi...

Mặt khác, đa số tổ chức KH&CN chưa có trụ sở làm việc ổn định, còn phải thuê hoặc mượn trụ sở và thường xuyên phải thay đổi trụ sở nên khó khăn cho giao dịch và tổ chức các hoạt động; Tuy đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn về hoạt động, tổ chức bộ máy, cơ chế, chính sách cho tổ chức KH&CN công lập, nhưng vẫn chưa có các quy định rõ ràng của nhà nước đề cập riêng đến tổ chức KH&CN ngoài công lập. Thậm chí cụm từ tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập cũng ít xuất hiện cùng với các văn bản chung về KH&CN.


Quang cảnh sự kiện

Để thúc đẩy các hoạt động, Vusta đề nghị các tổ chức KH&CN trực thuộc tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: định hướng lại mục tiêu, tầm nhìn của tổ chức, xây dựng chiến lược phát triển, mô hình tổ chức, kế hoạch nguồn lực nhân sự, nguồn lực tài chính, truyền thông và quảng bá hình ảnh của tổ chức; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thích ứng trong bối cảnh mới, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Duy trì và tiếp tục mở rộng mối hệ hợp tác với các đối tác quốc tế, nhất là các tổ chức quốc tế có uy tín để triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, huy động thêm các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước;...


GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch
danh dự của Vusta cùng TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Vusta trao bằng khen tặng 6 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2021 - 2022.

Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc cần phải đối chiếu, rà soát với các quy định hiện hành để chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật và quy định của Vusta, Điều lệ của tổ chức: Rà soát các quy định tại Nghị định 08/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 03/2014/BKHCN của Bộ KH&CN về các yêu cầu đối với tổ chức KH&CN ngoài công lập; Cập nhật các quy định của LHHVN (Quy định 1026/QĐ-LHHVN ngày 02/11/2022 về việc thành lập, đăng ký, quản lý và giải thể tổ chức KH&CN trực thuộc cũng như các quy định về phê duyệt viện trợ, hội nghị hội thảo quốc tế…); Cập nhật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về lao động, bảo hiểm và trợ giúp xã hội; Cập nhật kiến thức về thuế, quản lý tài chính viện trợ không hoàn lại…

Đình Lâm

Bình luận