Xây dựng và hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN theo hướng hài hòa tiêu chuẩn quốc tế và khu vực
TNNN – Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa bền vững.
- AgroViet 2023: Nâng tầm nông nghiệp Việt
- Sử dụng các hạt nano để phát hiện tế bào ung thư
- Nanocovax công khai dữ liệu tiền lâm sàng và lâm sàng
- Một số điểm mới tại Thông tư số 05/2021/TT-BNNPTNT
Thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo định hướng mới (trong đó đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ ứng dụng, phát triển các công nghệ cao, phục vụ phát triển năng lượng quốc gia, tiêu chuẩn về môi trường, năng lượng tái tạo…) theo hướng đồng bộ, có trình độ ngang bằng, hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực...
Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006, tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng.
Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.
Hài hòa tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa bền vững. Ảnh minh họa.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Về hoạt động tiêu chuẩn, tính đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam đã có hơn 13.000 TCVN, đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, trong đó, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực trên 60%. Đây là kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt kết quả vượt bậc trong thập kỷ vừa qua.
Đối với hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) cũng đã ban hành trên 800 QCVN trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng trước nguy cơ tiềm ẩn.
Các chuyên gia cho biết, thời gian qua, tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, kinh tế thế giới suy giảm, nhiều quốc gia tăng cường các biện pháp kỹ thuật bảo hộ thương mại trong nước thông qua xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thế hệ mới với nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe hơn, gây khó khăn cho hàng hóa nhập khẩu.
Vì vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo định hướng mới (trong đó đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ ứng dụng, phát triển các công nghệ cao, phục vụ phát triển năng lượng quốc gia, tiêu chuẩn về môi trường, năng lượng tái tạo…) theo hướng đồng bộ, có trình độ ngang bằng, hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đảm bảo phục vụ quản lý, trang bị kịp thời cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh, thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đặc biệt là tập trung xây dựng Đề án Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia.