Theo dòng sự kiện

Xây dựng và hoàn thiện khung chương trình KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu phát thải ròng về 0 tại Việt Nam”

18/07/2024, 16:19

TNNN - Chiều 18/7/2024, tại Hà Nội, Bộ KH&CN tổ chức hội thảo lấy ý kiến về việc xây dựng và hoàn thiện khung chương trình KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu phát thải ròng về 0 tại Việt Nam”.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái phát biểu khai mạc hội thảo.


TS Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho biết, đây là chương trình tổng thể, muốn đạt mục tiêu phải có sự tham gia của tất cả các ngành. Để triển khai, Bộ KH&CN cũng đã thành lập Ban Chủ nhiệm chương trình với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đại diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải,...

“Thực hiện chiến lược phát thải ròng bằng “0” phải gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…”, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh.

Để làm rõ mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ mà Khung chương trình xây dựng đã đầy đủ chưa, phù hợp với chương trình quốc gia hay chưa, các đại biểu đã nghe PGS.TS Đỗ Văn Mạnh, Chủ nhiệm Chương trình, trình bày khái quát về Khung chương trình, cụ thể:

Khung chương trình hướng đến 4 mục tiêu lớn, gồm:

1. Cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn để hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” tại Việt Nam vào năm 2050.

2. Nghiên cứu, ứng dụng, tăng cường năng lực tự chủ và phát triển công nghệ giảm phát thải khí nhà kính trong ngành, lĩnh vực. Phát triển, ứng dụng, chuyển giao các phương pháp, công nghệ tiên tiến không sử dụng nguyên - nhiên liệu hóa thạch, xây dựng (công trình xanh), giao thông bền vững (hạ tầng xe điện và phương tiện giao thông bền vững) theo hướng chuyển dịch cơ cấu năng lượng, giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và giảm phát thải khí nhà kính.

3. Triển khai, áp dụng thành công các mô hình quy hoạch, quản lý, các giải pháp công nghệ - kỹ thuật trong sản xuất và phát triển ngành nông - lâm nghiệp thông minh, bền vững theo hướng giảm phát thải và tăng khả năng lưu trữ khí nhà kính. Tăng cường chuyển giao, hấp thụ và làm chủ các loại hình công nghệ giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.

4. Phát triển, ứng dụng, chuyển giao và ứng dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến trong quản lý, tái chế phế liệu, chất thải theo hướng giảm thiểu phát thải mê-tan và các khí nhà kính khác, chuyển hóa thành các dạng vật chất, năng lượng có ích; các công nghệ lưu giữ, sử dụng và thu hồi các-bon từ khí thải công nghiệp (Carbon capture, ulitization and storage); các kỹ thuật quản lý khoa học khí hậu nhằm tính toán phát thải khí nhà kính, dự báo biến đổi khí hậu và phát triển các biện pháp thích ứng.


PGS.TS Đỗ Văn Mạnh, Chủ nhiệm Chương trình phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Đỗ Văn Mạnh cho biết, khung chương trình định hướng 06 nội dung nghiên cứu, gồm:

Nội dung 1: Nghiên cứu, hỗ trợ hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao công nghệ; phối hợp, hỗ trợ xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong các lĩnh vực phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” tại Việt Nam:

Nội dung 2: Nghiên cứu khoa học, giải mã và triển khai ứng dụng các giải pháp quản lý và kỹ thuật nhằm phát triển công nghệ nhiệt, lưu trữ và quản lý năng lượng trong các ngành kinh tế - kỹ thuật:

Nội dung 3: Nghiên cứu khoa học, giải mã và ứng dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật cho phát triển hạ tầng cho công nghệ xe điện, phương tiện giao thông bền vững và công trình xanh.

Nội dung 4. Nghiên cứu khoa học, giải mã, triển khai, ứng dụng và chuyển giao các mô hình công nghệ phục vụ phát triển nông - lâm nghiệp bền vững giảm phát thải và trung hòa khí nhà kính.

Nội dung 5. Nghiên cứu khoa học, giải mã và triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ quản lý và tận dụng, chuyển đổi vật chất loại bỏ thành các dạng vật chất có ích, năng lượng; phát triển khoa học công nghệ môi trường - khí hậu phục vụ công tác cảnh báo, dự báo, và kiểm kê khí nhà kính.

Nội dung 6. Nghiên cứu khoa học, giải mã và triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ các-bon (Carbon Capture, Utilization and Storage – CCUS) từ các hoạt động sản xuất công nghiệp:


Toàn cảnh hội thảo.

Về các sản phẩm dự kiến, bao gồm 04 nhóm: Sản phẩm khoa học công nghệ; Sản phẩm liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ, sang chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bản quyền, giống cây trồng mới, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; Sách chuyên khảo, công trình công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế; Sản phẩm đào tạo.


PGS.TS Đỗ Quang Huy, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội VinaLAB phát biểu tham luận tại hội thảo.

Trên cơ sở đó, đại biểu đến từ các bộ ngành, hiệp hội,… đã dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến liên quan đến thuận lợi, khó khăn, những gì mà Khung chương trình chưa đề cập đến, hoặc đã đề cập nhưng chưa phù hợp với lĩnh vực, đặc thù của ngành; đóng góp ý kiến vào Mục tiêu, nội dung nghiên cứu, sản phẩm dự kiến của Khung chương trình.


Sau khi nghe và tổng hợp các ý kiến góp ý, bổ sung từ các đại biểu, Thứ trưởng Trần Hồng Thái đề nghị ban Chủ nhiệm tổng hợp và xem xét chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp.

Vũ Hải

Bình luận