Theo dòng sự kiện

“Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững”

30/11/2019, 08:52

TNNN - Đây là nội dung chính của hội thảo do Bộ KH&CN và Ủy ban về KH&CN thuộc Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh phối hợp thực hiện.

Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ KH&CN và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất, ngày 29/11/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, hội thảo “Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững” đã diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ; một số tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Hội thảo được tổ chức nhằm chuyển tải thông tin về vai trò của KH, CN và ĐMST trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, việc lồng ghép phát triển KH, CN và ĐMST với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở các bộ, ngành, địa phương doanh nghiệp trong thời gian qua; Tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp,… gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy vai trò của KH,CN và ĐMST vì mục tiêu phát triển bền vững.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định nhấn mạnh rằng, trong kế hoạch hành động quốc gia, vai trò của KH, CN và ĐMST được khẳng định là động lực chính, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế thịnh vượng, bao trùm và bền vững với môi trường; là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; cung cấp giải pháp nhằm giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, môi trường đối với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia.


Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng cho biết, để cụ thể hóa chủ trương này, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều hoạt động giúp cho việc ứng dụng KH&CN vào thực tế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Hội thảo là dịp lắng nghe các Bộ, ngành, doanh nghiệp chia sẻ tham luận và cùng tìm ra giải pháp khẳng định vai trò KH,CN&ĐMST trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.

Trên quan điểm đó, ông Phạm Văn Hồng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ, Học viện KH,CN và ĐMST (Bộ KH&CN), dẫn số liệu cho thấy những đóng góp của KH&CN. Cụ thể, chất lượng tăng trưởng được cải thiện thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 43,3% giai đoạn 2016-2018.

Nghiên cứu của Viện Năng suất Việt Nam cũng cho thấy, những doanh nghiệp có năng lực công nghệ được đánh giá cao hơn so với trung bình của Việt Nam có mức lao động cao hơn 1,66 - 1,83 lần. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2016 tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng 2 bậc).

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ thông tin tại hội thảo cũng minh chứng rằng, nếu không ứng dụng các giải pháp công nghệ, không ĐMST trong sản phẩm sẽ khó để cạnh tranh. Báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2017 cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi khoảng 1,6% doanh thu hàng năm cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Nhiều tập đoàn,doanh nghiệp đã thành lập quỹ phát triển KH&CN để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ĐMST sản phẩm của họ.

Khẳng định các giải pháp công nghệ góp phần trực tiếp vào phát triển bền vững, TS. Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, lĩnh vực công nghệ vũ trụ cũng đang phát triển theo định hướng này. Các ứng dụng của công nghệ vũ trụ giúp cho việc giám sát thiên tai, lúa, cháy rừng, ô nhiễm môi trường... ngày càng hiệu quả hơn, chính xác hơn.

Còn theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, tuy nhiên thời gian tới cần có một chiến lược đổi mới công nghệ cụ thể cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Trong đó cần nhận diện xu hướng thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị của các ngành sản xuất kinh doanh có sự dịch chuyển các cơ sở sản xuất từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển trên cơ sở phân tích ngành phân tích phí sản xuất trung bình của toàn ngành.

"Từng doanh nghiệp riêng lẻ không thể đủ khả năng để thực hiện các công việc nêu trên. Do đó, đối với từng ngành, các hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý chuyên ngành phải có hướng để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện. Nên xây dựng thí điểm một số khu cụm công nghiệp chuyên ngành và các trung tâm nghiên cứu đầu ngành để trợ giúp kỹ thuật công nghệ cho các doanh nghiệp", Tổng thư ký VCCI kiến nghị.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Bình luận