Theo dòng sự kiện

Nâng cao chất lượng các hoạt động của Ủy ban Codex Việt Nam

30/12/2019, 09:54

TNNN - Tiêu chuẩn Codex ngày càng quan trọng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do...

Chủ trì và phát biểu tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2019, phương hướng hoạt động năm 2020 của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Việt Nam (Ủy ban Codex Việt Nam), PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch Ủy ban Codex Việt Nam nhiệm kỳ VIII cho biết, các tiêu chuẩn Codex quốc tế rất quan trọng vì được xây dựng dựa trên cơ sở các nghiên cứu khoa học và được sự đồng thuận cao của các quốc gia thành viên của Ủy ban Codex quốc tế, khu vực.

Việt Nam đã có chủ trương đề xuất và áp dụng các tiêu chuẩn Codex trong xây dựng các chính sách, quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong nhiều năm qua. Điều đó càng đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng; Áp dụng và tuân thủ các tiêu chuẩn Codex là việc làm cấp thiết.


PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong
phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Codex Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hà, năm 2019, Ủy ban Codex Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên các mặt: Tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; Góp ý các Dự thảo tiêu chuẩn Codex quốc tế; Tổ chức và chủ trì các lớp tập huấn “Áp dụng các tiêu chuẩn Codex về an toàn thực phẩm” tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh,…; Tổ chức họp 02 Ban kỹ thuật Codex Việt Nam về Phụ gia thực phẩm và Dinh dưỡng và thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt; Tổ chức 09 đoàn tham dự hội nghị Codex quốc tế với sự tham gia của 49 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm;...

Điển hình như việc tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, thành viên của Ủy ban Codex Việt Nam đã tích cực tham gia tư vấn, cung cấp thông tin, đóng góp ý kiến cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc các Bộ: Y tế, KH&CN, NN&PTNT, Công Thương, về các lĩnh vực ATTP như: Ghi nhãn thực phẩm, quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, sản phẩm thức ăn công thức dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, dầu thực vật và các sản phẩm dầu thực vật,…

Cũng trong năm 2019, Ủy ban Codex Việt Nam đã tích cực tham gia góp ý có chất lượng vào các Dự thảo: Thông tư hướng dẫn Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Thông tư quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thực phẩm đối với dầu thực vật và sản phẩm dầu thực vật; Góp ý các dự thảo tiêu chuẩn Codex quốc tế: Soát xét tiêu chuẩn Codex đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ từ 6-36 tháng tuổi; Đề nghị sử dụng phụ gia thực phẩm cho dầu thực vật…

Tại hội nghị Ban kỹ thuật Codex quốc tế lần thứ 26 về dầu mỡ động thực vật, sau khi nghiên cứu và tổng hợp ý kiến góp ý từ các đơn vị nghiên cứu, Ủy ban Codex Việt Nam đã bày tỏ quan điểm không đồng thuận với việc Codex quốc tế đưa ra hàm lượng axit béo tự do (FFA) tối đa là 0,3%, áp dụng cho dầu gạo tinh chế (giống như các loại dầu thông thường khác tại Agena Item 12 của hội nghị Codex về dầu mỡ động thực vật lần thứ 26); Đề nghị Ủy ban Codex quốc tế điều chỉnh giới hạn của chỉ tiêu với phương pháp kiểm tra AOCS Cd 3d-63(03) và AOCS Ca 5a-40: Acid value (max, kg KOH/g): 1.0; % FFA (max): 0.5. Hoặc bổ sung việc sử dụng chỉ thị alkali blue 6B cho việc kiểm tra FFA của dầu gạo.

Việc điều chỉnh này liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất dầu gạo, sản phẩm vốn rất có tiềm năng của Việt Nam với sản lượng khoảng 500.000 tấn/năm.

Với sản lượng dầu gạo như vậy, có thể đáp ứng được 50% nhu cầu dầu ăn trong nước, mà không phải nhập khẩu như hiện nay.


Các đại biểu dành nhiều thời gianthảo luận về
phương hướng hoạt động năm 2020.

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), việc sản xuất dầu gạo đang áp dụng theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12107:2017 về dầu gạo. Đây là loại dầu có giá trị dinh dưỡng cao và có thành phần khác biệt với các loại dầu thực vật thông thường do có chứa hàm lượng gamma oryzanol với hàm lượng trong đoạn chế biến dầu gạo dao động từ 2,5% (với dầu nguyên chất) và giảm dần trong các công đoạn chế biến.

Thành phần oryzanol trong dầu gạo có hoạt tính axit nhẹ nên làm ảnh hưởng đến các chỉ số axit (AV) và hàm lượng FFA, nếu được kiểm tra bằng phương pháp AOCS Cd 3d-63(03) Acid value of fats and oils (Trị số axit của dầu mỡ) và AOCS Ca 5a-40 Determination of free fatty acids Contents Titration Method (Xác định hàm lượng axit béo tự do - Phương pháp chuẩn độ (FFA) hiện đang được sử dụng để kiểm tra chỉ tiêu AV và FFA cho các dầu ăn thông thường. γ- oryzanol là hỗn hợp của ferulic axit (4-hydroxy-3-methoxycinnamic acid) esters của triterpene alcohols.

Theo A.G. Gopala Krishna et al (2006), γ-oryzanol có tính axit và chỉ số này được xác định bởi công thức: γ-oryzanol acidity (% NaOH sửdụng)= V x 0.004 x 100/W.

Với phương pháp kiểm tra AV và FFA hiện tại, hàm lượng FFA của dầu gạo = hàm lượng FFA thực tế + với hàm lượng axit của gamma oryzanol với nguyên lý: Kiềm sẽ phản ứng với FFA trước sau đó sẽ phản ứng với gamma-oryzanol khi chỉ thị phenolphthalein đổi màu tại pH= 6.4 -8.0.

Điều này lý giải việc một số nước sản xuất dầu gạo với hàm lượng gamma - oryzanol cao hiện nay, dùng chỉ thị có pH đổi màu cao để xác định hàm lượng FFA của dầu gạo như chỉ thị alkali blue 6B với pH đổi màu 9-14.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động trong năm 2020, Ủy ban Codex Việt Nam sẽ kiện toàn công tác tổ chức (soát xét quy chế tổ chức và hoạt động của Ủy ban, Văn phòng Codex Việt Nam); Công tác chuyên môn (góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tham gia các hội nghị và đóng góp ý kiến về tiêu chuẩn Codex quốc tế, tổ chức hội nghị hội thảo chuyên đề…); Tăng cường hợp tác và phối hợp với các tổ chức quốc tế như FAO, WHO, EU,… và các tổ chức liên quan đến các hoạt động nâng cao kiến thức về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, hài hòa và hội nhập kinh tế, tiêu chuẩn codex, rào cản thương mại, kiểm dịch động thực vật,…

Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam kiến nghị, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xem xét và bổ sung cho Văn phòng những nhân sự có năng lực, trình độ chuyên môn; Thu hút nhân sự từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp và Hiệp hội tham gia vào hoạt động của Ủy ban Codex Việt Nam.

Các Bộ, ngành cần ổn định bộ phận đầu mối về Codex để tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng quan điểm và lập trường của Chính phủ Việt Nam trong xây dựng các tiêu chuẩn Codex; tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn Codex để bảo vệ sản phẩm thực phẩm cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam; giúp Ủy ban Codex Việt Nam tham gia đàm phán và bảo vệ lập trường của Việt Nam trong các cuộc hop của Ủy ban Codex quốc tế.

Bên cạnh đó, Ủy ban Codex Việt Nam cũng yêu cầu đầu mối từ các Bộ tích cực tham gia vào hoạt  động của Codex Việt Nam, đề xuất đại biểu tham gia vào các nhóm công tác điện tử (EWG) trong lĩnh vực được phân công quản lý; Các Bộ phối hợp với Ủy ban Codex Việt Nam trong tổ chức các hội thảo phổ biến về vai trò và mối quan hệ của các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế như: Codex, IPPC, OIE trong thực thi các hiệp định SPS/TBT của WTO. Nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý về vai trò của Codex trong sản xuất, kinh doanh và quản lý thực phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như thúc đẩy công bằng trong thương mại quốc tế về thực phẩm.

Minh Tâm

Bình luận