Theo dòng sự kiện

Bảo vệ nguồn cá để phát triển bền vững ngành sản xuất nước mắm ở Việt Nam

15/12/2021, 11:41

TNNN – Đây là chủ đề chính của hội thảo do Hiệp hội Nước mắm Việt Nam phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hải sản tổ chức ngày 15/12/2021.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo hội thảo. Ảnh: Vũ Hải

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nguồn lợi thủy sản Việt Nam, trong đó có nguồn cá làm nước mắm đang có dấu hiệu suy giảm, vì vậy việc bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cá làm nước mắm ở Việt Nam là rất cấp thiết.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh rằng, “Nguồn lợi thủy sản Việt Nam, trong đó có nguồn cá làm nước mắm đang có dấu hiệu suy giảm, vì vậy việc bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cá làm nước mắm ở Việt Nam là rất cấp thiết.

Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hải sản, cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đại diện các doanh nghiệp đánh giá kỹ nguồn lợi và các biện pháp bảo vệ, phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cá làm nước mắm ở Việt Nam.

Trên cơ sở phân tích những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp, chính sách cụ thể, khả thi để cùng nhau phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả nhằm khai thác bền vững, nguồn lợi hải sản, cho chuỗi sản phẩm nước mắm Việt Nam, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Theo báo cáo tại hội thảo, nguồn lợi hải sản biển Việt Nam hiện có trữ lượng khoảng 3,95 triệu tấn; trong đó, cá nổi nhỏ khoảng 2,45 triệu tấn; cá nổi lớn khoảng 940.000 tấn; cá đáy khoảng 408.000 tấn... Nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm là nguồn cá nổi hiện có trữ lượng khoảng 2,45 triệu tấn được phân bố chủ yếu tại Vịnh Bắc Bộ, Trung bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS), Hội Nghề cá Việt Nam (Vinafis), cả nước hiện có 783 cơ sở sản xuất nước mắm; 1.500 hộ nông dân tham gia sản xuất nước mắm và 35 cơ sở sản xuất nước mắm xuất khẩu. Sản phẩm nước mắm của Việt Nam đã xuất khẩu sang 20 thị trường trên thế giới. Trong năm 2019, cả nước đã hình thành được 43 chuỗi sản phẩm tiêu thụ nước mắm an toàn. Tổng giá trị ngành nước mắm đạt khoảng 6.000 tỷ đồng/năm. Tốc độ tăng trưởng 13%/năm.


Đại diện Viện nghiên cứu Hải sản trình bày báo cáo chuyên đề tại hội thảo. Ảnh: Vũ Hải

Tuy nhiên theo đại diện Viện nghiên cứu Hải sản, nguồn lợi hải sản biển Việt Nam hiện đang bị khai thác quá mức và đang trong tình trạng suy giảm. Do đó, để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi hải sản, cần sử dụng các loài cá có giá trị dinh dưỡng khác để làm nguyên liệu sản xuất nước mắm thay thế cho nguồn lợi cá cơm đang dần suy giảm.

Bên cạnh đó, cần điều tra nguồn lợi, đánh giá cường độ, nguồn lực và sản lượng khai thác thường niên để có kế hoạch bảo vệ nguồn lợi và phát triển nghề cá bền vững. Đồng thời, nghiên cứu đặc điểm sinh học của các loài hải sản, xác định vị trí các bãi đẻ, bãi giống hải sản, xác định mùa sinh sản để làm cơ sở khoa học cho việc bảo vệ nguồn lợi (cấm hoặc hạn chế khai thác có thời hạn).

Yêu cầu về áp dụng nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc điện tử trong khai thác, bảo quản và sản xuất cá. Đặc biệt, cấm nghề và ngư cụ khai thác mang tính hủy diệt (19 ngư cụ bị cấm), hỗ trợ chuyển đổi sang nghề khác phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế của địa phương. Thường xuyên tổ chức các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi, bù lại nguồn lợi đã bị mất trong quá trình khai thác.

Đồng thời, thành lập khu vực bảo vệ nguồn giống hải sản để tăng khả năng tái tạo nguồn lợi; Tuân thủ Luật Thủy sản và Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi,…

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, sản lượng nước mắm bình quân của Việt Nam trong năm 2020 đạt gần 380 triệu lít; Sản lượng cao nhất là miền Trung với hơn 180 triệu lít/năm, miền Nam đứng thứ hai với hơn 120 triệu lít/năm và miền Bắc ít hơn chỉ đạt hơn 80 triệu lít/năm. Tính trung bình người Việt Nam ăn nước mắm khoảng 3,9 lít/người/năm.

Về số lao động trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh nước mắm cả nước có hơn 9.300 người. Trong đó: Miền Bắc: hơn 6.600 người; miền Trung: hơn 200 người; miền Nam chỉ hơn 760 người. Nghề nước mắm đã tạo công ăn việc làm và sinh kế cho gần 1 vạn lao động trực tiếp và hàng triệu ngư dân khai thác, thu mua thủy sản, làm muối ven biển.

Để phát triển bền vững ngành nước mắm, bên cạnh việc tổ chức sản xuất, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm nước mắm được xuất khẩu vào châu Âu, Mỹ… theo các hiệp định thương mại đã ký kết đều phải đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu.

Cụ thể, thị trường Mỹ phải tuân thủ yêu cầu của FDA và HACCP, trong đó đặc biệt chú ý đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Thị trường châu Âu với  các quy định EC/852/2004 nêu chi tiết yêu cầu đối với doanh nghiệp thực phẩm áp dụng hệ thống HACCP và thực hiện kiểm tra chặt về chỉ tiêu hàm lượng histamine; yêu cầu chất lượng của Thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,…

Do đó, ngành nước mắm cần hành động cụ thể, liên kết chặt chẽ từ đánh bắt, nuôi trồng đến sản xuất đảm bảo những quy trình tiêu chuẩn để ra nhập sân chơi chung - thương mại toàn cầu.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hiệp hội Nước mắm Việt Nam:

Được thành lập theo quyết định 610/QĐ-BNV số ngày 3/9/2020 của Bộ Nội vụ, Hiệp hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân cùng đồng lòng nghiên cứu, xây dựng và quảng bá văn hoá ẩm thực nước mắm của người Việt; Tăng liên tục sản lượng nước mắm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm và thị hiếu người tiêu dùng; Bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển sản xuất; Kế thừa và phát triển tinh hoa lâu đời của nghề sản xuất nước mắm, kết hợp với khoa học kỹ thuật hiện đại, thúc đẩy nước mắm Việt Nam được công nhận ngôi vị số Một toàn cầu.

Hiệp hội Nghề cá Việt Nam:

Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp được Bộ Nội vụ ký quyết định thành lập 5/5/2000, Hiệp hội tập hợp những cá nhân và tổ chức thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trong các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ và hậu cần dịch vụ nghề cá nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người làm nghề cá Việt Nam.

Viện Nghiên cứu Hải sản:

Là đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, hợp tác quốc tế, tư vấn và dịch vụ về bảo tồn và phát triển nguồn lợi hải sản; khai thác, chế biến hải sản trong phạm vi cả nước.

Vũ Hải

Bình luận