Theo dòng sự kiện

Cả nước có 62 phòng kiểm nghiệm thực phẩm được chuẩn hóa theo ISO/IEC 17025

08/01/2021, 11:30

TNNN – Cùng với 06 Labo thuộc các Viện Trung ương, cả nước đã có 62 phòng kiểm nghiệm thực phẩm cấp tỉnh được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025.


Hướng dẫn sinh viên thực tập thực hành phân tích mẫu tại Phòng thử nghiệm của VinaCert

Theo thống kê của Bộ Y tế, thời gian qua, hệ thống kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm trên cả nước liên tục được đầu tư, nâng cấp, đến nay đã có 06 Labo thuộc các Viện Trung ương và 62 phòng kiểm nghiệm thực phẩm cấp tỉnh được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025.

Với năng lực đó, công tác giám sát thực phẩm nhập khẩu thuộc quản lý của Bộ Y tế đã không ngừng được nâng cao, tính đến 30/11/2020 có 6.822 lô hàng đăng ký kiểm tra, trong đó 6.822 lô hàng đạt và không có lô hàng không đạt. Thời gian trung bình kiểm tra lô hàng đối với hình thức kiểm tra thường là 8,2 giờ (giảm 2,7 giờ so với năm 2019).

Về tình hình ngộ độc thực phẩm, tính đến ngày 30/11/2020, trên cả nước ghi nhận 121 vụ ngộ độc thực phẩm làm 2.616 người mắc và 30 trường hợp tử vong, tăng 39 vụ so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương 47,6%), số mắc tăng 568 người (27,7%), số tử vong tăng 21 người (233,3%). Đáng chú ý là số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại khu công nghiệp, trường học, đám cưới, đám giỗ và tại gia đình; số tử vong do ngộ độc rượu có Methanol có xu hướng tăng.

Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã rà soát điều chỉnh Kế hoạch thanh tra, kiểm tra 2020 nhằm hạn chế, giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa thật sự cần thiết trong các thời điểm xảy ra dịch bệnh; không thanh tra ngoài kế hoạch, kể cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, dừng không triển khai 17/34 cuộc thanh tra theo kế hoạch.

Về kết quả các cuộc thanh tra, kiểm tra đã thực hiện, Thanh tra Bộ Y tế đã triển khai 15 cuộc thanh tra, 22 cuộc kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với 29 cơ sở với tổng số tiền 676.050.000 đồng, tước quyền sử dụng có thời hạn chứng chỉ hành nghề dược của 01 dược sỹ, thu hồi 03 sản phẩm bảo vệ sức khỏe; Từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/12/2020, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt vi phạm hành chính 62 cơ sở với 77 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là 3.571.618.715 đồng.


 Viện an toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (NFSI) tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho 135 học viên của Công ty Cổ phần Thực phẩm Ngôi sao xanh

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, trong năm 2020, công tác kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đã được ngành y tế tăng cường, trú trọng.

Theo đó, cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đề cao trách nhiệm của người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm, ngành y tế cũng đã cơ bản hoàn thành hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, tiếp tục thực hiện thí điểm việc thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm và thanh tra chuyên ngành tại một số địa phương. Qua đó, tình hình ngộ độc thực phẩm được kiểm soát cả về số vụ, số mắc và số tử vong.

Để nâng cao nhận thức, hành động của các tổ chức, cá nhân, tạo chuyển biến tích cực trong thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ngành y tế đã tăng cường hoạt động tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, với nhiều hình thức phong phú đa dạng.

Ngành y tế cũng đã duy trì công tác giám sát và phân tích nguy cơ, kịp thời đưa ra cảnh báo và xử lý các trường hợp, sự cố mất an toàn thực phẩm, thông tin kịp thời đến người tiêu dùng.

Theo báo cáo của các Viện thuộc Bộ, tính đến ngày 15/11/2020 đã giám sát 3.749 mẫu thực phẩm, phát hiện 207 mẫu (5,5%) không đạt. So với cùng kỳ năm 2019, tổng số mẫu được giám sát giảm 2,1 lần, số mẫu không đạt giảm 2,7 lần.

Còn theo báo cáo của 42/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2020 đã thực hiện giám sát 47.940 mẫu, trong đó có 1.121 mẫu không đạt (2,34%). So với năm 2019, tổng số mẫu được giám sát tăng 1,3 lần, số mẫu không đạt giảm 1,66 lần.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các dịp lễ, sự kiện lớn cũng được chú trọng và ưu tiên hàng đầu, đã bảo đảm an toàn thực phẩm cho các đại biểu, khách trong nước và quốc tế tham dự tại 11 hoạt động, sự kiện lớn với 14.471 suất ăn.

Để nâng cao chất lượng các hoạt động nhằm đảm  bảo công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm, năm 2021, ngành y tế tiếp tục tập trung nghiên cứu để hoàn thiện thể chế quản lý an toàn thực phẩm; Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, khu công nghiệp trường học, giảm ngộ độc thực phẩm do rượu.

Bên cạnh đó, ngành y tế tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn cho các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Đồng thời, tăng cường năng lực, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Đình Lâm

Bình luận