Theo dòng sự kiện

Đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách quản lý môi trường nước lưu vực sông tại Việt Nam

08/12/2023, 12:40

TNNN - Sáng 8/12, tại Hà Nội, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức hội thảo Góp ý hoàn thiện chính sách quản lý môi trường nước lưu vực sông tại Việt Nam và giải pháp đề xuất.


Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo với chuyên đề “Quản lý chất lượng môi trường nước và đề xuất giải pháp đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất lượng môi trường nước lưu vực sông và hệ thống sông Bắc Hưng Hải” thu hút sự tham gia của các đại biểu thuộc các cơ quan quản lý nhà nước; các Hội chuyên ngành có liên quan.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, bà Phạm Thị Xuân - Phó Chủ tịch thường trực Hội nước sạch cho biết: Trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa và các hoạt động KT-XH đã và đang tác động trực tiếp đến chất lượng môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng. Các đoạn sông chảy qua các khu đô thị, khu dân cư tập trung và các khu vực sản xuất kinh doanh vùng ngoại thành thường có chất lượng giảm sút; các bức xúc, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước cũng thường xuyên xảy ra.

Hầu hết các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, công suất hoạt động vẫn còn rất nhỏ so với công suất cấp nước. Khảo sát thực tế cho thấy, tình trạng nguồn nước thải ra tại các cống xả từ khu, cụm công nghiệp tại nhiều địa phương đang bị ô nhiễm nặng, nước thải của các làng nghề hầu hết đều đổ ra kênh mương, dẫn vào sông nhánh, trục chính, rồi đổ vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Hiện tại nguồn nước dẫn vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang nhuộm một màu đen kịt, bằng mắt thường có thể cảm nhận được mức độ ô nhiễm rất nghiêm trọng.

Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý môi trường, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành đã bổ sung nhiều nội dung mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, Trên cơ sở đó, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã đề xuất Đề tài Tư vấn,phản biện và Giám định xã hội, Được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phê duyệt với nội dung:

“Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng môi trường nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý môi trường nước LVS với sự tham gia của cộng đồng” nhằm góp phần thực hiện vai trò, trách nhiệm của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Bắc Hưng Hải.

Trên cơ sở đó, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tổ chức Hội thảo với chuyên đề “Quản lý chất lượng môi trường nước và đề xuất giải pháp đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất lượng môi trường nước lưu vực sông và hệ thống sông Bắc Hưng Hải" theo Đề tài Tư vấn, phản biện và Giám định xã hội được Liên hiệp Hội Việt Nam phê duyệt.


TS Nguyễn Linh Ngọc - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Còn theo TS. Nguyễn Linh Ngọc, hệ thống Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi có vai trò rất quan trọng, phục vụ đa mục tiêu (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, dân sinh) cho 4 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương. Tuy nhiên, nhiều năm qua, hệ thống thủy lợi này đã trở thành điểm "nóng" về ô nhiễm môi trường. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải vẫn diễn biến phức tạp. Một số đoạn sông, kênh rạch có mức độ ô nhiễm đã vượt quá ngưỡng chịu tải của môi trường...

Theo khảo sát của Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, các nguồn xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải hiện nay gồm: Nước thải sinh hoạt chiếm 58,81%, nước thải công nghiệp chiếm 24,60%, nước thải thủy sản chiếm 7,35%; nước thải chăn nuôi chiếm 5,53%; nước thải làng nghề, y tế, cơ sở SXKD chiếm 3,71%.

Sau khảo sát và nghiên cứu, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam có đưa ra một số các giải pháp. Cụ thể, giải pháp trước mắt là thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải số 315/TB- VPCP ngày 9/8/2023. Đối với giải pháp lâu dài cần: Hình thành chương trình mục tiêu Quốc gia hoặc phong trào toàn dân chung tay bảo vệ môi trường lưu vực sông. Cùng với đó, với công tác tổ chức quản lý cần quản lý theo lưu vực, không quản lý theo địa giới hành chính. Hình thành các tổ chức QLNN cấp Chi cục trực thuộc các Cục của Bộ TNMT (đối với các lưu vực sông) và Bộ NNPTNN (đối với lưu vực các hệ thống thủy lợi liên tỉnh).

Và mô hình của tổ chức Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đề xuất như sau: Cơ quan QLNN: Chi Cục với biên chế gọn (5-7 người). Bên cạnh có Hội đồng lưu vực Sông: Tham gia bán chuyên trách của Công an, Môi trường, Tài nguyên Nước, Thủy lợi và thành viên MTTQ, thành viên của các hộ sử dụng nước, và các hộ xả thải ra hệ thống. Các doanh nghiệp thủy lợi công ích của các tỉnh trong lưu vực cùng chung tay, TS. Ngọc cho biết thêm


Bà Phạm Thị Xuân - Phó Chủ tịch thường trực Hội  phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Ngọc Linh - Phó Chi Cục trưởng, Chi cục kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Bắc, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết: Hiện trạng nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải từ năm 2017 - 2022 bị ô nhiễm nghiêm trọng cả về phạm vi và mức độ, mức độ ô nhiễm tăng cao, đặc biệt vào mùa khô; chất lượng nước sông bị ô nhiễm mức độ khác nhau khi chảy qua các địa phương thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải.


Bà Trần Thị Ngọc Linh - Phó Chi Cục trưởng, Chi cục kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Bắc, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường chia sẻ tại Hội thảo

Để có thể giải quyết vấn đề trên cần có những nhiệm vụ và những giải pháp cụ thể. Với giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần:

Thứ nhất, tập trung hoàn thành quy hoạch 4 tỉnh, TP trên hệ thống Bắc Hưng Hải; trong đó, lồng ghép, tích hợp các quy hoạch có liên quan, xác định rõ các khu xử lý chất thải rắn và hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, phù hợp với định hướng trong quy hoạch vùng, quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch BVMT chuyên ngành quốc gia theo quy định. Bố trí đủ quỹ đất để thực hiện hạ tầng kỹ thuật BVMT theo quy hoạch được phê duyệt;

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách: Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn và xử lý nước thải tập trung; Rà soát toàn bộ các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) chuyên ngành liên quan đến nước thải, thoát nước; trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng, ban hành QCVN về nước thải sau xử lý dùng cho mục đích sử dụng khác nhau, trong đó có mục đích sử dụng để bổ cập nguồn nước cho các sông, kênh, mương... giúp duy trì dòng chảy, giảm thiểu, cải thiện ô nhiễm môi trường nước;

Thứ ba, đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật về BVMT: Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đảm bảo nước thải phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý toàn bộ, đáp ứng yêu cầu QCVN về nước thải cho phép trước khi thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải; đầu tư các hệ thống quan trắc nước thải, nước mặt tự động, liên tục, nhất là đối với các nguồn nước thải có lưu lượng xả thải lớn trên hệ thống Bắc Hưng Hải; dữ liệu quan trắc môi trường phải được truyền, cập nhật, lưu trữ về các cơ quan có thẩm quyền liên quan để khai thác, sử dụng theo quy định.

Thứ tư, quản lý, kiểm soát, giám sát nguồn thải: Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung quản lý các nguồn thải ra HT BHH phục vụ công tác quản lý, kiểm soát và giám sát nguồn thải; xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch quản lý, kiểm soát, giám sát đối với từng nguồn thải theo nguyên tắc cấp nào, đơn vị nào phê duyệt, cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn thải (giấy phép môi trường) thì cấp đó, đơn vị đó phải quản lý, kiểm soát, giám sát được nguồn thải đã cấp phép; kiên quyết không cấp phép đầu tư, cấp phép môi trường đối với các DA, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về BVMT, đặc biệt là các DA, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt QCVN về nước thải cho phép trước khi xả ra HT BHH.

Thứ năm, công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường: Tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT; phòng, chống tội phạm về môi trường và xử lý vi phạm về môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh thuộc hệ thống; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đồng thời, áp dụng triệt để các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, đình chỉ hoạt động xả thải và yêu cầu nâng cấp, hoàn thiện, các công trình xử lý nước thải phải đảm bảo các yêu cầu về BVMT theo quy định.

Thứ sáu, tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT: Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT, đặc biệt là các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành để mỗi doanh nghiệp, người dân đều nắm các được quy định của pháp luật về BVMT, nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong BVMT; Phát huy tối đa vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, cộng đồng dân cư trong việc chung tay cùng BVMT; kiên quyết đấu tranh, không để các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải diễn ra trên địa bàn.

Ngoài những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm thì các Bộ, ngành, UBND 4 tỉnh liên quan cần thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Bên cạnh đó, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng và trình phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, trong đó, có bao gồm việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, đặc biệt là các làng nghề, đô thị, khu dân cư tập trung.

Chia sẻ, tại Hội thảo, ThS Vũ Quốc Chính - đại diện Viện Nước, Tưới tiêu và môi trường, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho biết: Về thực trạng ô nhiễm môi trường khu vực công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, theo kết quả quan trắc do Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường thực hiện từ năm 2005 đến nay cho thấy ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi (CTTL) Bắc Hưng Hải đã gia tăng cả về phạm vi và mức độ, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đời sống của dân cư trong vùng.


ThS Vũ Quốc Chính - đại diện Viện Nước, Tưới tiêu và môi trường, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam có bài tham luận tại Hội thảo

Ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đã gây ra những phản ứng, khiếu kiện của người dân với chính quyền địa phương; giữa các địa phương với nhau và đã được phản ánh đến các Đại biểu Quốc hội trong các kỳ tiếp xúc cử tri.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 3372/VPCP-NN, ngày 31/5/2022, chỉ đạo các Bộ ngành gồm Công an, Tài Nguyên và Môi trường, Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ và các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và TP. Hà Nội phối hợp để triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm nước trong CTTL Bắc Hưng Hải. Để góp phần vào nhiệm vụ, trên cơ sở kế thừa các kết quả nghiên cứu về hệ thống Bắc Hưng Hải do Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đã thực hiện, nhóm tác giả đã phân tích xác định các nguyên nhân gây ô nhiễm nước làm cơ sở đề xuất các đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nước trong CTTL Bắc Hưng Hải phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững và an toàn thực phẩm.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm nước trong HTTL BHH, một số biện pháp mang tính chiến lược, dài hạn được Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đề xuất như: Rà soát qui hoạch hệ thống CTTL BHH; Kiểm soát nguồn thải; Tăng cường công tác cấp phép xả nước thải; Nghiên cứu bổ sung các qui định kỹ thuật về vận hành hệ thống thủy lợi BHH để giảm thiểu ô nhiễm nước và hạn chế các tác hại do ô nhiễm nước gây ra; Kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương và các ngành liên quan về xử lý nguồn thải phân tán (thuộc diện không phải cấp phép xả thải) trước khi xả vào HTTL BHH); Bổ sung các quy định về bảo vệ chất lượng nước, kiểm soát nguồn thải xả vào trong CTTL vào Tiêu chí Thủy lợi trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM cấp xã; Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu trong công tác kiểm soát nguồn thải, bảo vệ chất lượng nước trong HTTL Bắc Hưng Hải; Tăng cường kinh phí để tiếp tục quan trắc, dự báo chất lượng nước trong CTTL BHH; Huy động sự tham gia của cộng đồng vào QLMTN trong HTTL; Tăng quyền cho cộng đồng; Nâng cao năng lực giám sát của cộng đồng.

Chia sẻ về công nghệ xử lý nước thải nhằm đảm bảo tiêu chuẩn môi trường để xả thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải, GS.TS-NGND Đặng Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: Từ báo cáo và tham luận, chúng ta đều thấy lượng nước xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải đều là nước thải sinh hoạt. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm đó chung ta đã đưa ra rất nhiều giải pháp, nhưng có lẽ giải pháp không thể bỏ qua đó là giải pháp về khoa học công nghệ. Muốn hệ thống sông Bắc Hưng Hải không ô nhiễm thì nước thải từ các nguồn đưa vào phải đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, áp dụng công nghệ cũng phải phù hợp với thực tiễn.


GS.TS-NGND Đặng Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Còn theo ông Ngô Xuân Hiếu - đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên: thời gian qua địa phương đã cơ bản thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm nguồi thải đối với hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Hiện toàn tỉnh đã quy hoạch được 451 vị trí để xử lý nước thải sinh hoạt cho các khu dân cư; hiện còn hơn 400 điểm tới đây sẽ đưa vào quy hoạch tiếp. Ngoài ra, tỉnh Hưng Yên cũng đã ban hành 02 quy chuẩn 01 và quy chuẩn 02 cho nước thải sinh hoạt và nước thải khu công nghiệp. Đối với việc điều tra nguồn thải thì tỉnh cũng đã phối hợp với Viện Tưới tiêu để thực hiện việc điều tra nguồn thải thừ năm 2013.


Ông Ngô Xuân Hiếu - đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên phát biểu tại Hội thảo

Trên quan điểm cá nhân, PGS.TS Vũ Hào Quang - Ủy viên tư vấn khoa học, giáo dục, môi trường, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có ý kiến: Quản lý và đề xuất giải pháp đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong quản lý chất lượng môi trường nước lưu vực sông và hệ thống sông Bắc Hưng Hải cần được chia ra 2 cấp độ: Cấp độ nhà nước về quản lý chất lượng môi trường nước. Cụ thể ở cấp quản lý Nhà nước theo sự quản lý của bộ, vụ và phòng; hoặc cấp trung ương, địa phương, xã/phường…

Thứ hai, việc thanh, kiểm tra, giám sát rất quan trọng. Lập hội đồng thanh tra, kiểm tra phải phát huy được tính hiệu quả trong giám sát.


PGS.TS Vũ Hào Quang - Ủy viên tư vấn khoa học, giáo dục, môi trường, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Trên quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống cho biết: Vấn đề ô nhiễm môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải nhiều năm qua luôn là vấn đề thời sự được nhiều người quan tâm. Từ khi Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam bắt đầu triển khai thực hiện Dự án Đề xuất nâng cao hiệu quả ổn định môi trường nước hệ thống Bắc Hưng Hải, Ban biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống dưới sự chỉ đạo của TW Hội đã lên kế hoạch tuyên truyền, phản ánh, phản biện về các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nước của sông Bắc Hưng Hải.


Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hội, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phát biểu tại Hội thảo

Trong khi công tác truyền thông có vai trò nâng cao nhận thức của người dùng, doanh nghiệp và người vận hành hệ thống nước thải. Khi nhận thức thay đổi, hành vi xả thải ra môi trường, đặc biệt là ở khu vực sông Bắc Hưng Hải sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, ngoài những nguyên nhân đã được các vị đại biểu nêu ra trước đó có một vài vấn đề: Các Sở Tài nguyên và Môi trường chưa sát sao trong công tác truyền thông cũng như chưa có sự phối hợp chặt chẽ và cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh cần có kế hoạch phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí để người dân thuận tiện theo dõi, kiểm tra và giám sát.

PV/TNNN

Bình luận